Cô giáo miền xuôi gần 30 năm gắn bó với bản làng

(Dân trí) - Ra trường với tấm bằng cử nhân Sư phạm Văn, chị được phân công lên vùng cao công tác. Những ngày đầu đi bộ cả trăm cây số đường rừng, chị tưởng mình bỏ cuộc. Vậy mà, sự gian khổ lại khiến chị ở lại gieo chữ cho bản làng suốt gần 30 năm qua.

Một ngày đầu tháng 11, tôi vượt quãng đường gần 300km mới đặt chân được đến huyện Mường Lát - huyện miền núi xa xôi nhất của Thanh Hóa. Bây giờ đường đến Mường Lát đã được sửa sang lại rất nhiều vậy mà cũng phải mất một gần ngày trời đi xe ô tô mới lên được đến nơi, đó là chưa kể trời mưa gió.

Nói như vậy để có thể tưởng tượng ra con đường đi lên mảnh đất này của gần 30 năm trước. Khó khăn, gian khổ biết nhường nào mà nói như bao cô giáo miền xuôi lên đây công tác thì đó là cả một câu chuyện huyền thoại. Vậy mà có biết bao nhiêu người đã vượt núi “cõng chữ lên non” rồi ở lại không chịu về xuôi. Chị Trịnh Thị Thủy, giáo viên Trường THCS Pù Nhi (Mường Lát, Thanh Hóa) là một trong số đó.

Cô giáo Trịnh Thị Thủy có gần 30 năm gieo chữ cho học trò vùng cao
Cô giáo Trịnh Thị Thủy có gần 30 năm "gieo chữ" cho học trò vùng cao.

Gian nan đường về bản

Sinh ra tại mảnh đất Thọ Xuân (Thanh Hóa) thế nhưng sau khi lên vùng cao công tác, chị Thủy đã gắn cuộc đời mình ở đó cho đến tận bây giờ. Kể cho tôi nghe về những ngày đầu gian nan vượt núi, băng rừng để đến với lũ học trò vùng cao, chị Thủy vẫn còn nhớ như in dù rằng ngày ấy đã qua 28 năm rồi. Chị bảo có lẽ cả cuộc đời cũng không bao giờ quên được bởi cái khó cái khổ đã ăn sâu vào tiềm thức. Khó, khổ không khiến chị chùn bước mà còn như động lực để cố gắng hơn.

Năm 1987, sau khi nhận tấm bằng tốt nghiệp, chị được phân công lên trường Phổ thông cơ sở Tam Chung thuộc xã Tam Chung (huyện Quan Hóa, nay là huyện Mường Lát). Hành trang lúc đó chỉ là một chiếc ba lô cũ, vài bộ quần áo, một ít tư trang cá nhân, vài cuốn sách đã ố vàng từ những tháng năm còn ngồi trên ghế nhà trường.

Chị Thủy kể lại: “Cũng như các bạn đồng trang lứa, mặc dù háo hức được nhận nhiệm vụ nhưng tưởng tượng ra con đường lên vùng cao cũng khiến tôi không khỏi hồi hộp, hoang mang”.

Cô giáo Thủy cùng các học trò của mình
Cô giáo Thủy cùng các học trò của mình.

“Dù đã xác định trước những khó khăn có thể đến với mình nhưng khi chính thức bước chân trên những vách núi, những con đường rừng tôi mới biết những dự đoán, tưởng tượng của mình còn kém xa với thực tế. Tam Chung cách thị trấn hơn 100km, vì xe không thể vào được nên tôi đành phải đi bộ. Con đường đi bộ mới thật gian nan, lởm chởm đá tai mèo với dốc núi dựng đứng, lúc thì trèo đèo, lúc lại lội suối”.

“Sau 3 ngày đi bộ vượt qua hơn 100km đường mòn. Cái nắng oi ả của vùng núi Quan Hóa xen lẫn với những cơn mưa giông bất chợt làm ướt sũng cả người; đôi chân tứa máu nhiều lúc chỉ muốn khuỵ xuống, nhiều lúc kiệt sức tưởng như bỏ cuộc nhưng rồi lại tự động viên mình phải cố gắng” - chị Thủy nhớ lại.

Cuối giờ chiều ngày thứ ba, khi đôi chân đã mệt rã rời, cũng là lúc chị Thủy cùng mọi người đến được Trường phổ thông cơ sở Tam Chung. Chị nhớ ngôi trường ấy nhỏ nhắn được dựng lên bằng nứa, lá nằm vắt vẻo chênh vênh trên sườn đồi. Ở đó có biết bao ánh mắt trẻ thơ đang “khát chữ”. Và chị bảo cũng từ giây phút nhìn những đôi chân trần, những manh áo cũ sờn và ánh mắt ngây thơ của những đứa trẻ chị biết rằng cuộc đời mình đã “có duyên” với nơi này.

Dạy học trò bằng cả trái tim

Vì Tam Chung hồi ấy chưa có cấp 2 nên chị Thủy được phân công dạy cấp 1. Việc dạy chữ cho học trò vùng cao, hơn nữa lại là con em các dân tộc thiểu số còn khó hơn việc vượt núi, băng rừng. Bởi dân bản ở đây hầu hết là người mù chữ và không biết tiếng phổ thông; cuộc sống nghèo nàn, lạc hậu thiếu thốn đủ bề. Bên cạnh đó, với phong tục tập quán lạc hậu, cổ hủ; mê tín dị đoan nặng nề càng làm cho cuộc sống thêm tối tăm, coi nhẹ việc học chữ, việc đến trường

Những ngày đầu đứng lớp, chị không hiểu học sinh nói gì còn chị giảng bài thì học sinh cũng không hiểu. Vậy là chỉ còn cách mỗi khi sau giờ lên lớp chị lại học tiếng dân tộc, phong tục tập quán của họ. Khi biết tiếng bản địa của các em rồi chị dễ dàng tiếp cận học sinh và trao đổi giúp học sinh tiếp thu dễ hơn. Ngoài dạy ban ngày, chị lại động viên học sinh đến nhà vào buổi tối để chị phụ đạo thêm. Cứ như thế, chị gần gũi hơn với học trò còn học trò thì yêu cô giáo hơn, chúng không còn tự ý bỏ học nhiều như trước nữa.

Với cô giáo Thủy, để dạy học trò vùng cao phải dạy bằng cả trái tim mình
Với cô giáo Thủy, để dạy học trò vùng cao phải dạy bằng cả trái tim mình.

“Đối với học sinh nơi đây, nếu không thực sự yêu nghề và yêu thương học trò, không dạy chúng bằng cả trái tim mình, chúng ta sẽ không thể dạy cho các em, bởi sự tiếp cận bài học của học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn còn chậm hơn so với học sinh dưới xuôi rất nhiều” - chị Thủy bộc bạch.

Hai năm công tác tại trường Phổ thông cơ sở Tam Chung, chị được cử về công tác tại trường Phổ thông cơ sở Pù Nhi (Pù Nhi). Lúc này, chị đảm nhận việc dạy môn Văn lớp 6,7,8,9. Đây là ngôi trường đầu tiên trong cụm 6 xã vùng cao có học sinh cấp 2.

Học sinh ở Pù Nhi chủ yếu là học sinh người dân tộc H’Mông, ngoài ra còn có các dân tộc như Dao, Thái, Mường, Khơ Mú và Kinh. Cũng không khác gì với Tam Chung, Pù Nhi cũng có cơ sở vật chất khó khăn, nhân dân nghèo và lạc hậu. Thời điểm đó, chưa có học sinh nữ đến trường, chỉ có học sinh là nam giới, mỗi lớp học có từ 5 đến 10 em. Lại phải tìm cách làm sao cho các em có thể đến trường được đông đủ, chị lại tiếp tục công cuộc đi động viên các em đến lớp.

Trải qua bao nhiêu khó khăn, gian khổ nhưng với trái tim đầy nhiệt huyết và tình yêu thương, chị đã thành công khi càng ngày học trò đến lớp càng nhiều. Nhiều học trò của chị giờ đã thành đạt, có người làm cán bộ xã, cán bộ huyện và cũng có người đi theo nghiệp “trồng người” như chị.

Với những gì chị đã cống hiến, từ năm Từ năm 1987 đến nay, chị luôn là giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện. Ngoài ra liên tục đạt danh hiệu “Lao động giỏi”,  “Lao động tiên tiến”  và danh hiệu “Giỏi việc nước đảm việc nhà”.  Đặc biệt trong  năm 2004, chị Thủy được Bộ trưởng Bộ Giáo dục tặng huy chương “Vì sự nghiệp giáo dục”, cũng trong thời gian đó  UBND huyện Mường Lát tặng khen danh hiệu “Gia đình văn hóa tiêu biểu”.

“Với tôi phần thưởng lớn nhất vẫn là thấy được nhiều học trò của mình thành đạt. Giờ đây khi các em đã trưởng thành, đã vững trãi bước trên đường đời nhưng vẫn dành thời gian bận rộn của mình về thăm tôi là động lực để tôi gắn bó cuộc đời mình trong nghiệp “gieo chữ” nơi vùng biên ải này” - cô giáo Thủy tâm sự.

Nguyễn Thùy