Cô giáo mầm non và những góc khuất khó nhọc

(Dân trí) - Thời gian gần đây, liên tục xuất hiện những vụ bạo hành trẻ mầm non gây bức bối dư luận. Một lần nữa, cái tâm và lòng yêu trẻ của các cô lại bị đem ra bàn luận, cân đo đong đếm và gánh lấy không ít lời dèm pha, chỉ trích. Nhưng phải chăng xã hội đã quá khắt khe khi “vơ đũa cả nắm”, quy chụp một cái “vỏ” xấu xí lên tất cả những người đang làm nhiệm vụ chăm sóc, ươm mầm măng non ấy?

Tôi là một người mẹ khá rảnh rỗi vào mỗi buổi sáng nên mỗi ngày đưa con đến lớp đều nán lại chơi cùng con ở sân đến sát giờ vào lớp. Và chính lúc đó, tôi mới cảm nhận sâu sắc hơn nỗi vất vả của các cô. Đón cháu từ tay bố mẹ, đâu đơn giản chỉ là nụ cười thân thiện với phụ huynh. Cháu khóc, cô phải dỗ. Cháu vùng vẫy văng dép văng giày, cô phải bế xốc lên đi khắp trường. Cháu này mới nín, cháu kia đã đến và òa khóc đòi bố mẹ. Thế là ba cô suốt một buổi sáng phải quay vòng vòng với một lũ nhóc nhiều nước mắt đến bở hơi tai.

Trẻ con vốn hiếu động. Quản một lớp học bốn mươi cháu với chừng ấy cá tính là điều không phải dễ dàng gì. Con nít nên việc tranh giành đồ chơi, va quẹt nhau là chuyện bình thường.Cô giáo đâu thể canh từng cháu một hay cấm tiệt các cháu chơi đùa. Ấy thế mà chẳng may có cháu nào xây xước gì là ngay lập tức phụ huynh đã lên tiếng trách cứ. Người hiểu biết chút ít thì còn lịch sự hỏi chuyện, chứ chẳng may gặp phụ huynh “dữ dằn” tí thôi là có cô phải rơm rớm nước mắt.

Một nghịch lí đến buồn cười là có lắm phụ huynh thường xuyên chê bai cô chăm cháu không tốt, dạy cháu chưa ngoan. Nhưng chỉ mới nghỉ lễ có một ngày ở nhà với con đã nhanh chóng than thở, quát nạt và luôn miệng ao ước hết lễ để “tống” con đến trường giao cho cô giáo.

Tạo môi trường chơi đùa an toàn cho các cháu đã là một mối bận tâm lớn, lo chuyện ăn cho các cháu mới thật sự vất vả. Bao nhiêu cháu trong lớp ngoan ngoãn ăn hết bữa nào? Rất ít. Đa số là các trẻ vốn được bố mẹ cưng chiều đút từng muỗng cơm, mớm từng thìa canh. Tạo cho tập thể lớp nề nếp trong mỗi bữa ăn rất khó khăn. Nhưng hễ về nhà là bố mẹ lại tập hư cho con bởi nếp sinh hoạt cũ. Thế là mỗi ngày, cô phải tập lại thói quen tự cầm thìa xúc ăn, thậm chí là tập cả thói quen nhai cho các cháu.

Thước đo tăng trưởng chiều cao, cân nặng cho trẻ phải cập nhật thường xuyên. Vậy thì còn cách nào khác đâu ngoài chuyện phải la hét, dọa nạt inh ỏi để trẻ ăn và tăng trưởng đều đặn!

Nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả khó nhọc của các cô. Đỉnh điểm của nỗi vất vả phải là chăm lo chuyện vệ sinh cho các cháu. Đúng một lần duy nhất tôi tham gia phụ giúp các cô lo cho các cháu biểu diễn văn nghệ. Sau hơn một tiếng đồng hồ quây quần ngoài sân, vừa vào lớp, tôi cùng các cô vội vàng cho các cháu đi vệ sinh. Nhưng ba cháu trong số đó đã tè dầm ướt hết quần, nhếch nhác chờ cô rửa ráy, thay quần và lau dọn sàn nhà. Và trong lúc cô đang loay hoay thế, một cháu nhỏ cởi đôi tất lấm lem đầy đất vứt thẳng vào người cô rất vô tư. Mấy chục đôi tất đen nhẻm còn lại nằm chõng chơ giữa sàn đợi cô giặt giũ, phơi phóng.

Chỉ chừng ấy thôi, tôi thầm cảm phục các cô quá! Mỗi ngày đều phải trải qua vài lượt tiểu tiện, thậm chí là đại tiện của các cháu. Một tay cô lau dọn, vệ sinh. Điều đó chưa chắc những ông bố bà mẹ siêng nói, giỏi nói đã làm được. Câu nói đùa của một cô giáo khiến tôi càng thêm thấm thía: “Cô giáo mầm non ít người da đẹp lắm, vì ngày nào cũng bị ám mùi rồi.”

Chúng ta lên án mạnh mẽ bất kì hành động nào tổn hại đến sức khỏe, tâm hồn, nhân cách con trẻ. Những ác mẫu đối xử tàn nhẫn, hành hạ dã man các cháu rất cần được trừng trị thẳng tay. Nhưng mong rằng các bố các mẹ và cả xã hội hãy dành một cái nhìn đông cảm hơn đối với nỗi vất vả của những người chọn niềm vui nghề giáo, chăm trẻ mầm non làm lẽ sống.

Thanh Ny