Cô giáo hiến kế để “kế hoạch nhỏ” không còn bị kêu ca

(Dân trí) - Kế hoạch nhỏ là một phong trào ý nghĩa của các tổ chức Đoàn, Đội trong nhà trường. Thế nhưng, sau một thời gian dài triển khai thực hiện cứng nhắc về hình thức, nó đang bộc lộ nhiều bất cập khiến phụ huynh lẫn học sinh than phiền, kêu ca.

Tôi nhớ cách đây hơn 15 năm về trước, khi còn là một học sinh, trường tôi ở nông thôn cũng thực hiện phong trào kế hoạch nhỏ bằng cách thu gom giấy vụn. Thú thật, cứ đến mùa kế hoạch nhỏ là chúng tôi lại quay cuồng tìm giấy các tông, giấy báo cho đủ số lượng nhà trường giao.

Thời đó, sách vở, giấy báo còn rất khan hiếm. Chúng tôi còn học những quyển vở đậm màu giấy vàng ố, sách giáo khoa toàn xin lại của các anh chị lớp trên. Sách vở học và giữ gìn để các em học tiếp. Vì vậy, thu gom giấy vụn là cả một nhiệm vụ nặng nề.

Giờ đây, các em học sinh của tôi tiếp tục thực hiện kế hoạch nhỏ với chỉ tiêu 5 vỏ lon bia, 2 cân giấy vụn. Mấy hôm nay các em tay xách nách mang đến lớp gom thành đống đặt cuối góc lớp. Ban cán sự lớp có nhiệm vụ đếm số lượng, thống kê và ì ạch kéo từng bao lớn lên văn phòng Đội nộp.

Là học sinh lớp 6, các em rất thật thà kể cho cô giáo nghe về “thành tích” kế hoạch nhỏ của mình. Có em bảo mẹ em mới mua từ bà bán ve chai hôm trước. Có em kể anh chị phải sang nhà bà con, hàng xóm xin giúp. Có em còn hỏi ngây thơ “Cô ơi, ba em nói quy ra tiền để em nộp cho khỏe”.

Đúng như mấy bài viết trên báo Dân trí phản ánh, kế hoạch nhỏ đang dần mất đi ý nghĩa tốt đẹp ban đầu. Xuất phát điểm của phong trào này chính là giáo dục ý thức học sinh trong việc bảo vệ môi trường, hình thành thói quen gom góp, tận dụng đồ phế thải và thực hành tiết kiệm, chia sẻ giúp đỡ bạn nghèo.

Tuy nhiên, hình như tất cả các mục tiêu tốt đẹp đó đang dần phai nhạt khi người lớn chúng ta nhúng tay quá nhiều, quá sâu vào chính hoạt động của con. Bố mẹ thay con làm kế hoạch nhỏ, trẻ chỉ việc vác “thành tích” đến trường. Như thế, chẳng bao giờ các con học được bài học bảo vệ môi trường, thực hành tiết kiệm,…

Phong trào này sở dĩ bị kêu ca khá nhiều cũng bởi chính cách thực hiện cứng nhắc, rập khuôn của những người có trách nhiệm. Bao nhiêu năm qua vẫn vậy, cứ Tết xong là thu gom vỏ lon, giấy vụn với chỉ tiêu cụ thể. Chẳng cần biết gia đình học sinh đó có dùng bia rượu, nước ngọt hay không, chẳng cần hướng dẫn cách học sinh thu gom thế nào cho hiệu quả. Cứ đến hạn nộp là thu kế hoạch nhỏ và rồi ý nghĩa giáo dục các em chỉ là hình thức.

Một số trường còn đặt ra chỉ tiêu quá cao so với tình hình thực tế mỗi gia đình học sinh, cứng nhắc trong việc thu gom vỏ lon bia, không nhận vỏ lon nước ngọt hay giấy vụn phải là giấy báo mới “chịu”. Cá biệt có trường còn “quy đổi” ra tiền, “khoán” bao nhiêu tiền với số lượng ấy để thu nộp cho “khỏe”. Chính điều ấy đã tạo dư luận không tốt trong xã hội.

Phong trào cần xây dựng một kế hoạch cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa phương, đảm bảo tính giáo dục và tinh thần tự nguyện. Mỗi liên đội cần phát động từ đầu năm học để học sinh có đủ thời gian lập kế hoạch thu gom. Thay vì lúc nào cũng vỏ lon bia và giấy vụn, ở các thành phố lớn có thể phát động phong trào thu gom đồ chơi hoặc áo ấm không dùng nữa, tiết kiệm nuôi heo đất để xây quỹ giúp bạn nghèo…

Tất nhiên là những thành quả mà học sinh đóng góp phải được công khai cho các cháu bằng những “minh chứng” thiết thực.

Bên cạnh đó, việc “đả thông” tư tưởng cho phụ huynh cực kỳ quan trọng. Cần đẩy mạnh việc tuyên truyền về ý nghĩa của Kế hoạch nhỏ trong các cuộc họp phụ huynh. Đồng thời, công tác báo cáo thu - chi, tổng kết phong trào sau mỗi kỳ cần phổ biến rộng khắp hơn nữa.

Phụ huynh cần xác định rõ đây là một hoạt động của con trẻ, là kế hoạch nhỏ mà các con phải tự mình thực hiện thì mới có ý nghĩa. Đừng thay còn làm tất tần tật mọi việc, đừng “thi đua” thay con bằng tiền! Thay vào đó, phụ huynh có thể góp sức bằng cách nhắc nhở con việc thu gom, hướng dẫn con tích cóp dần và động viên con hoàn thành kế hoạch. Sự quan tâm, thấu hiểu và đồng hành của phụ huynh cho mỗi hoạt động giáo dục của nhà trường là điều cần thiết và trân quý.

Nguyễn Thùy

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!