Gia Lai:

Cô giáo Banar mở lớp dạy chữ miễn phí cho học sinh vùng khó

(Dân trí) - Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai nhưng không có duyên được đứng trên bục giảng nên cô Mlê (làng Wâu, xã Chư Á, TP. Pleiku, Gia Lai) đã mở lớp học miễn phí ngay tại nhà để dạy các học sinh trong làng. Dù điều kiện kinh tế của hai vợ chồng cô Mlê còn khó khăn nhưng lớp học đặc biệt này đã duy trì hơn 3 năm nay…

Cách TP. Pleiku khoảng 15km, chúng tôi men theo con ngõ nhỏ đến thăm gia đình vợ chồng cô Mlê (sinh năm 1992, người đồng bào dân tộc thiểu số Banar) và lớp học miễn phí tại nhà cô. Ngay từ ngoài con hẻm nhỏ, những tiếng đánh vần pha giọng banar của những học sinh làng Wâu đã vọng khắp. Ghé qua cửa sổ, chúng tôi thấy cô Mlê cùng hàng chục em học sinh đang say sưa đánh vần, nắn nót từng con chữ đầu đời.

Lớp học miễn phí của cô giáo Mlê

Chia sẻ về lớp học, cô Mlê cho biết, năm 2015 cô và chồng là A Trăng (sinh năm 1992, người Banar) đã ưng nhau khi còn học trường CĐ Sư phạm Gia Lai. Sau khi ra trường, cả hai đã nên vợ nên chồng nhưng không xin được việc làm. Theo đó, hàng ngày, anh A Trăng trồng rau quanh nhà đi bán, cô Mlê làm bán thời gian tại UBND xã Chư Á với công việc phó Hội phụ nữ. Tuy hoàn cảnh khó khăn nhưng hai vợ chồng luôn mong mỏi được đứng trên bục giảng nên đã hình thành lớp học miễn phí để dạy các em đồng bào trong làng Wâu từ năm 2016.

Cô giáo Banar mở lớp dạy chữ miễn phí cho học sinh vùng khó - 1

Hơn 3 năm nay, cô giáo Mlê đã duy trì lớp học miễn phí ngay tại gia đình.

Cô Mlê bộc bạch: “Mình mong mỏi được đi dạy nhưng không thực hiện được ước mơ nên mình đã mở lớp dạy học tại nhà. Mình nhận thấy, trẻ em trong làng đều con hộ nghèo, trình độ dân trí thấp nên điều kiện được học hành còn khó khăn. Lúc đó, mình đã đến từng nhà vận động xin được kèm cặp cho các cháu nhỏ. Qua đó, các em có thể nắm vững kiến thức ở trường và nâng cao những kĩ năng sống”.

Cô giáo Banar mở lớp dạy chữ miễn phí cho học sinh vùng khó - 2
Hàng ngày cô giáo Mlê luôn dành thời gian 2 buổi/ngày để dạy các em học sinh đồng bào trong làng Wâu

“Lớp học được hình thành hơn 3 năm nay. Lịch học đều dạy 2 buổi/ngày. Những em học chính khóa trên trường vào buổi sáng thì có thể đến học phụ đạo tại lớp này vào buổi chiều và ngược lại. Tuy hoàn cảnh khó khăn, nhưng tôi vẫn cố gắng đi xin sách vở, bút và dành thời gian kèm cặp các em. Khó khăn nhất là khi các em mải chơi, không đi học đều và điều kiện cơ sở vật chất thiếu nhiều khi dạy cho các em”, cô Mlê cho biết thêm.

Cô giáo Banar mở lớp dạy chữ miễn phí cho học sinh vùng khó - 3

Hai vợ chồng làm nông khó khăn nhưng cô vẫn nỗ lực duy trì và dành tiền mua quà, kẹo cho các em học sinh khi đến học.

Tuy ngôi nhà ọp ẹp, chật chột nhưng cô Mlê vẫn dành ra một căn phòng rộng hơn 4m2 để dạy cho các em. Mỗi buổi, cô Mlê dạy từ 20 - 30 em học sinh, lúc nghỉ hè lớp học có đến hơn 50. Các em đều là học sinh người Banar trong làng Wâu. Lúc vợ bận, anh A Trăng đều thay đứng lớp để kèm cặp phụ học sinh. Qua lớp học đặc biệt này đã tăng cường được khả năng nói tiếng Việt, đọc, viết… cho các học sinh. Cũng từ đây mà điểm trường Lê Lai trong làng cũng được san sẻ những gành nặng trong việc truyền tải kiến thức cho các em.

Cô giáo Banar mở lớp dạy chữ miễn phí cho học sinh vùng khó - 4
Cô mong muốn sẽ có điều kiện tốt nhất để hỗ trợ dạy các em học sinh trong làng

Chia sẻ với chúng tôi, chị H’Blam (phụ huynh cháu Mi Canh) cho biết: “Cháu chỉ đi học tại trường chính một buổi trong ngày. Chính vì vậy, khả năng tiếp thu bài và đọc tiếng Việt còn rất yếu. Nghe cô Mlê có mở lớp dạy chữ cho trẻ trong làng nên tôi đã đưa con đến học. Ngoài buổi đến lớp, Mi Canh được cô Mlê kèm cặp, nắn nót từng con chữ. Thấy cháu học giỏi lên gia đình cũng mừng nhưng gia đình không có tiền nên mang con gà, nếp đến tặng cô Mlê nhưng cô không nhận. Thực sự, tôi rất cảm động trước tình cảm mà cô Mlê đã dạy chữ cho các cháu…”.

Cô giáo Banar mở lớp dạy chữ miễn phí cho học sinh vùng khó - 5

Cô giáo Mlê đã mở lớp học miễn phí trong làng Wâu trong nhiều năm qua.

Hơn 3 năm nay, lớp học tình thương của cô giáo Mlê đã nuôi con chữ cho hàng trăm học sinh trong làng. Chia tay cô Mlê ra về, sau lưng chúng tôi là tiếng ê a của học sinh đọc bài, chúng tôi càng cảm thấy khâm phục đôi vợ chồng trẻ, đặc biệt là cô Mlê.

Phạm Hoàng