DMagazine

Cô giáo 16 năm là “mẹ hiền” của trẻ chuyên biệt

(Dân trí) - 16 năm qua, đều đặn mỗi ngày, dù mưa hay nắng, cô giáo có thân hình nhỏ nhắn Đinh Thị Lan vẫn bền bỉ đi về, trên chặng đường gần 40 cây số, để đem cả tình yêu thương đến với những cô cậu học trò đặc biệt của mình:những bé chậm phát triển, tự kỷ và tăng động...

Cô giáo 16 năm là “mẹ hiền” của trẻ chuyên biệt - 1
Cô giáo 16 năm là “mẹ hiền” của trẻ chuyên biệt - 2

Một buổi chiều, lớp học 1A5 của trường Chuyên biệt Bình Minh quận Tân Phú (TPHCM) do cô giáo Đinh Thị Lan phụ trách trở nên rôm rả khi vào môn Mỹ thuật. 12 đứa học trò thì mỗi đứa là một "sắc thái"  riêng biệt, em thì trầm ngâm, em thì ngồi lẩm nhẩm vài từ tiếng Anh, có em như "cóc bỏ đỉa" chỉ chực chạy khỏi bàn… Nhưng tất cả đều có tình trạng chung là giảm chú ý và chậm phát triển.

Hôm nay, cô Lan hướng dẫn cách tạo hoa từ các vòng tròn bằng giấy màu cắt sẵn. Trong lúc dạy, cô giáo Đinh Thị Lan phải vận động hết cỡ để tạo sự chú ý của đám học trò, mà theo cách cô gọi là “tụi con của em”. Thậm chí giữa chừng, cô phải pha trò để “đám con” của mình tập trung hơn, hay bạn này đánh bạn kia cô cũng ngừng để thủ thỉ trò chuyện, giải tỏa tâm lý.

Đó chỉ là một phần công việc mà cô giáo này phải thực hiện hàng ngày ở trường. Ngoài dạy cách nhận biết mọi thứ xung quanh, cô Lan còn chăm các em từ bữa ăn, giấc ngủ trưa rồi dạy cả làm nghề thủ công. Việc rất vất vả nhưng khi hỏi đến, ai cũng bất ngờ vì cô Lan đã gắn bó với nó suốt 16 năm liền. 

Cô giáo 16 năm là “mẹ hiền” của trẻ chuyên biệt - 3
Cô giáo 16 năm là “mẹ hiền” của trẻ chuyên biệt - 4
Cô giáo 16 năm là “mẹ hiền” của trẻ chuyên biệt - 5
Cô giáo 16 năm là “mẹ hiền” của trẻ chuyên biệt - 6

Cô hiệu trưởng Vũ Thị Cẩm Thúy cho biết, đây là lớp của các học sinh thuộc nhóm khá trong tổng số 24 lớp ở trường. Có những lớp trẻ bị nặng thì chỉ 7 em học, còn dạng tốt hơn là 12 em.

Lớp học đặc biệt của cô giáo Đinh Thị Lan

Lớp này có 12 em thì mỗi em mỗi tính cách, ngoài 2 em bị hội chứng down thì đa phần là tăng động và tự kỷ. Mỗi em đến trường này ở một hoàn cảnh khác nhau. Chẳng hạn như Sĩ, học tiểu học bình thường, giữa chừng thì phải vào đây vì em không thể theo kịp trong lớp. Em bị chứng tăng động nên khá “quậy”, hiếm khi nào em có thể ngồi yên một chỗ dù đã học ở đây 2 năm.

Cạnh bên là Kim cũng tương tự, nhưng mới vào học một năm lúc đó em cũng đang học ở trường tiểu học. Hai bạn trai cuối lớp khá cao lớn, đã 11 tuổi nhưng trí não của cả hai cũng chỉ ngang bằng với các bạn cùng lớp dù tuổi thật lớn hơn. 

Cô giáo 16 năm là “mẹ hiền” của trẻ chuyên biệt - 7
Cô giáo 16 năm là “mẹ hiền” của trẻ chuyên biệt - 8
Cô giáo 16 năm là “mẹ hiền” của trẻ chuyên biệt - 9
Cô giáo 16 năm là “mẹ hiền” của trẻ chuyên biệt - 10
Cô giáo 16 năm là “mẹ hiền” của trẻ chuyên biệt - 11
Cô giáo 16 năm là “mẹ hiền” của trẻ chuyên biệt - 12

Theo giải thích của cô Thúy, dù tuổi các em trong lớp từ 8-11 tuổi nhưng khi kiểm tra chỉ số thông minh (IQ) của các em rất thấp. Với mức độ phát triển ấy chỉ tương đương với trẻ em bình thường lúc 36-48 tháng tuổi. Do vậy, tính chất công việc và cách dạy của giáo viên vừa giống cô giáo lớp mầm nhưng cũng vất vả hơn. Nhiều lúc các em lên “cơn” (không kiềm chế cảm xúc-PV) quá mức thậm chí còn đánh cả cô giáo và các bạn.

Cô giáo 16 năm là “mẹ hiền” của trẻ chuyên biệt - 13
Cô giáo 16 năm là “mẹ hiền” của trẻ chuyên biệt - 14

Cô Đinh Thị Lan thường chia sẻ “nghề chọn mình chứ mình không chọn nghề”, bởi ban đầu cô tốt nghiệp chuyên ngành Giáo dục Tiểu học chứ không liên quan gì đến giáo dục đặc biệt.

16 năm về trước, cô giáo trẻ vừa rời ghế trường ĐH Sư phạm được phân công về dạy ở trường Chuyên biệt Bình Minh (quận Tân Phú, TPHCM). “Khi nhận nhiệm sở, tôi thật sự rất sốc vì trong đầu chưa bao giờ hình dung cũng như có chút kiến thức nào về các học sinh đặc biệt này. Tôi không có chút gì về tình trạng các em mắc phải và cũng không biết sẽ bắt đầu dạy cho các em ấy cái gì”, cô Lan nhớ lại.

Cô giáo 16 năm là “mẹ hiền” của trẻ chuyên biệt - 15
Cô giáo 16 năm là “mẹ hiền” của trẻ chuyên biệt - 16
Cô giáo 16 năm là “mẹ hiền” của trẻ chuyên biệt - 17
Cô giáo 16 năm là “mẹ hiền” của trẻ chuyên biệt - 18
Cô giáo 16 năm là “mẹ hiền” của trẻ chuyên biệt - 19

Thế rồi do nhà trường thiếu giáo viên nên cô hiệu trưởng động viên cô giáo trẻ ở lại. Sau phút ngỡ ngàng, hoang mang cô Lan được giới thiệu gặp một “đàn chị” có thâm niên chăm sóc trẻ chuyên biệt khá lâu ở đây và sắp nghỉ hưu. Đấy cũng chính là người “truyền lửa” nghề cho cô giáo trẻ bước vào nghiệp dạy trẻ đặc biệt ấy.

“Em đừng sợ, nhìn các con vồ vập như thế nhưng tiếp xúc nhiều, nhìn kỹ mắt các con em sẽ thấy những bé này rất đáng yêu, rất tình cảm với cô giáo em à”, người đồng nghiệp già chia sẻ với cô giáo trẻ. Ngày thứ hai đi làm, cô Lan được gặp nhiều đồng nghiệp khác, họ cũng rất vui vẻ, hoà đồng và cũng chẳng ngại khó gì với công việc.

Đến ngày thứ ba, cô giáo trẻ bắt đầu quen môi trường mới và suy nghĩ “mọi người làm được, sao mình lại không!”. Cộng thêm sự động viên của các cô giáo lớn tuổi ở trường, họ xem cô giáo trẻ như con rồi hướng dẫn từng chút một “ với em này phải ứng xử thế này, bài học này dạy ra sao”... Cứ thế, cô giáo Lan bén duyên với nghề từ đó, đồng ý ở lại trường ngay trong thời gian 2 tuần Sở GD-ĐT cho phép cân nhắc thay đổi. 

Cô giáo 16 năm là “mẹ hiền” của trẻ chuyên biệt - 20
Cô giáo 16 năm là “mẹ hiền” của trẻ chuyên biệt - 21
Cô giáo 16 năm là “mẹ hiền” của trẻ chuyên biệt - 22
Cô giáo 16 năm là “mẹ hiền” của trẻ chuyên biệt - 23

Mặc dù tâm trí đã quyết theo đuổi công việc “lạ lẫm” này nhưng 2 tuần đầu đối với cô giáo trẻ quả là một thử thách. Sau hai tuần làm quen với công việc, cô Lan sụt mất 2kg, vốn thân hình nhỏ bé vậy mà cô chỉ còn 37kg.

“Có thể lúc đó tôi quá sốc với nghề này”, cô Lan chia sẻ. “Bình thường tôi rất thích áo dài, thời trẻ luôn ước ao được khoác tà áo ấy mỗi ngày. Một phần lý do tôi chọn vào nghề giáo, ngành sư phạm tiểu học để thoả sự yêu thích ấy. Thế mà về đây công tác, không có bóng dáng chiếc áo dài nào mà chỉ là trang phục gọn gàng bình thường.

Bởi vì không chỉ dạy, mình còn thường xuyên chăm sóc các con từng chút thì làm sao mặc quần áo đẹp. Đó cũng một cú sốc với bản thân tôi lúc bấy giờ”, cô Lan kể chuyện của mình.

Nhưng đó là câu chuyện của thời trẻ, còn giờ đây ngôi trường này như là ngôi nhà thứ hai của cô giáo này. “Giờ tôi đã quen với công việc này, tình cảm cho nơi này cũng như cho học trò đã quá nhiều rồi nên tôi không còn lăn tăn điều gì nữa”, cô Lan bộc bạch.

Cô giáo 16 năm là “mẹ hiền” của trẻ chuyên biệt - 24
Cô giáo 16 năm là “mẹ hiền” của trẻ chuyên biệt - 25
Cô giáo 16 năm là “mẹ hiền” của trẻ chuyên biệt - 26

Thậm chí năm 2007, Sở GD-ĐT TPHCM đã có quyết định chuyển cô Lan về công tác ở Bình Thạnh, nhưng cô Lan đã làm đơn xin được ở lại trường. Đơn giản là suốt 5 năm đó, cô đã gắn bó với bao học trò, đồng nghiệp nên dù đường có xa hơn một chút cũng không là trở ngại để cô đến lớp, đến trường.

Cô giáo 16 năm là “mẹ hiền” của trẻ chuyên biệt - 27

Mỗi ngày vượt chặng đường từ Bình Thạnh đến trường ở quận Tân Phú xa gần hai chục cây số, nhưng cô giáo Lan không bao giờ để những căng thẳng, mệt mỏi vào lớp học. Phương châm mà cô và đồng nghiệp ở trường thường chia sẻ là “việc ở trường ra khỏi cửa thì buông hết ở trường, còn việc ở ngoài, đến cổng trường thì bỏ hết ở ngoài”. “Tôi thấy điều đó hoàn toàn hợp lý, mỗi ngày đến trường cái trước mắt hãy chỉ luôn nghĩ về học trò và công việc của trường mà thôi”, cô Lan cho biết. Có lẽ với suy nghĩ tích cực ấy chính là lợi thế mà cô duy trì được việc làm vất vả ấy suốt 16 năm qua.

Trong 16 năm công tác, tất nhiên vẫn có những lúc vui những lúc buồn, nhưng cô Lan ám ảnh mãi đôi mắt của một cậu học trò 15 tuổi khiến cô luôn xúc động mỗi khi nhớ tới. Cậu học trò ấy học cùng cô giáo Lan suốt 2 năm liền ở cơ sở 2, đến năm thứ 3 cô được chuyển sang dạy ở cơ sở 1 của trường. Sau khai giảng không bao lâu đột nhiên một ngày hai cha con cậu học trò tìm đến gặp cô. Người cha chia sẻ do thay đổi công việc ở nơi khác khá xa nên không thể cho con học ở trường, chính vì vậy anh dẫn cậu con trai mình tìm cô để tạm biệt.

Trong ký ức của cô Lan, cậu học trò này vốn khá thụ động, nhưng khi học với cô được hướng dẫn nghề rửa xe thì em rất thích thú. Ngôn ngữ em học sinh ấy khá kém nên lúc háo hứng nhất cũng chỉ thể hiện ba chữ: “Cô! Rửa xe”. Cậu học trò háo hức mừng rỡ khi gặp cô và reo lên “Cô! Rửa xe” mà không biết đó là lần chia tay với cô giáo. Nhìn ánh mắt đứa học trò thân yêu ánh lên tia hi vọng mà cô ám ảnh mãi, “em ấy không biết rằng đó là lần cuối cùng còn gặp được cô giáo mình”, cô Lan xúc động kể lại.

Món quà 20/11 ý nghĩa chính là sự tiến bộ của học trò

Mỗi ngày tiếp xúc với những cô cậu học trò dù “to xác” nhưng tâm trí rất ngô ghê, có những em tập ngồi yên một chỗ cũng phải mất cả quá trình vài tháng, thậm chí nửa năm. Chăm sóc những đứa trẻ đặc biệt ấy đôi khi rất vất vả nhưng bù lại trong tâm thức các em vẫn là tình cảm yêu thương với cô giáo của mình. Các em không thể hiện hết bằng những từ ngữ hoa mỹ mà chỉ là nhưng câu nói, hành động đơn giản nhưng khiến “người mẹ thứ hai” cảm thấy vui và thêm động lực chăm sóc “con” mình.

“Những việc rất nhỏ mà các con nói khiến mình xúc động như biết có bé biết quan sát rồi  “tội cô quá giờ này chưa được ăn cơm” mỗi khi trong lớp có bạn ăn chậm. Hay tới giờ ngủ trưa, các con sẽ giành nhau lấy gối cho cô Lan nằm. Đó chỉ là những cử chỉ nhỏ nhoi thôi nhưng nhờ vậy đã “lôi kéo” mình không từ bỏ việc”, cô Lan tâm sự. 

Cô giáo 16 năm là “mẹ hiền” của trẻ chuyên biệt - 28

Bầm tay, bầm chân hoặc té ngã là chuyện bình thường đối với những cô giáo chăm trẻ chuyên biệt và cô Lan cũng không phải trường hợp ngoại lệ. Có những em không kiểm soát được hành vi của bản thân mà còn làm tổn thương đến cô, đến bạn bè và cả bản thân em ấy. Có nhiều em thân hình khá to, khi “nổi cơn” cào cấu, cắn xé hoặc đánh người khác thì cô giáo bé nhỏ chỉ biết cắn răng chịu đựng để học trò mình dịu xuống. “Sau khi các con bình tâm lại, các con nhận ra hành vi của mình sai, nhìn gương mặt hối lỗi của con, mình lại cảm thấy rất thương mà không thể nào trách được!”, cô Lan chia sẻ.

Cô giáo 16 năm là “mẹ hiền” của trẻ chuyên biệt - 29
Cô giáo 16 năm là “mẹ hiền” của trẻ chuyên biệt - 30

Đặc biệt, có những lúc đi làm về cả thân mệt mỏi rã rời vì “đánh vật” với học trò nhưng cô không bao giờ than vãn với gia đình. Cô cho biết mình may mắn luôn có chỗ dựa vững chắc của chồng và hai con. Cô cho biết không để chuyện buồn ở trường ảnh hưởng đến gia đình mà thay vào đó thường chia sẻ nhiều chuyện vui để không khí gia đình không nặng nề.

Khi chúng tôi hỏi, có khi nào thấy chạnh lòng mỗi khi đến ngày Nhà giáo 20/11 thường không có hoa, quà như những giáo viên ở các bậc học khác, cô Lan nhỏ nhẹ chia sẻ: “Ở thành phố thì mình vẫn còn được quan tâm rất nhiều, hãy nghĩ các giáo viên ở những vùng sâu, xa hơn thì hoa chúc mừng họ còn không có được thì mình không việc gì phải buồn."

Cô giáo 16 năm là “mẹ hiền” của trẻ chuyên biệt - 31

Dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay trở nên đáng nhớ đối với cô Lan khi cô là một trong 50 giáo viên được Sở GD-ĐT TPHCM trao giải Võ Trường Toản cho những nỗ lực, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục thành phố. Đó là món quà cao quý đáp lại một phần công sức nuôi dạy trẻ chuyên biệt của cô ròng rã suốt 16 năm qua.

Cô giáo 16 năm là “mẹ hiền” của trẻ chuyên biệt - 32