Gia Lai:

Cô gái trẻ khuyết tật mở lớp “gieo chữ” miễn phí cho trẻ em nghèo

(Dân trí) - Với thân hình nhỏ nhắn, gầy gò và một chân bị teo cơ co quắp, tuy nhiên cô gái người đồng bào Jrai đã dành hơn 7 năm nay để “gieo chữ” miễn phí cho các em học sinh nghèo.

Về tới đầu làng Chao Pông (xã Ia Phang, huyện Chư Pưh, Gia Lai), chúng tôi đã tận mắt chứng kiến các em học sinh đang ôm những cuốn sách đã nhuộm màu ố vàng đến nhà cô gái Rmah H’Blao (31 tuổi) để tham gia lớp học tình thương.

Lớp học miễn phí của cô giáo khuyết tật

Giang tay đón những đứa học trò vào lớp học, cô H’Blao cẩn thận xếp chỗ ngồi ngay ngắn cho các em. Bằng tình thương, tình yêu nghề thì cô giáo H’Blao đã gieo từng con chữ cái đầu đời cho các em học sinh nghèo nơi ngôi làng nghèo này.

Lớp học miễn phí của cô giáo khuyết tật
Lớp học miễn phí của cô giáo khuyết tật

Trò chuyện với chúng tôi, cô H’Blao kể lại: “Năm lên 3 tuổi, sau một trận sốt khiến mình bị teo cơ chân nên mình di chuyển rất khó khăn. Nhưng trong sâu thẳm mình vẫn mong muốn được làm cô giáo để dạy các em học sinh nghèo trong làng Chư Pông này. Lúc đó, gia đình không đủ điều kiện để thi vào ngành giáo viên và với chân bị liệt nên gia đình khuyên thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai - chuyên ngành Công nghệ thông tin. Học đến năm thứ 2, vì sức khỏe yếu nên mình phải nghỉ học giữa chừng...".

Hơn 7 năm qua, cô giáo HBlao đã dạy nên bao thế hệ học sinh nghèo
Hơn 7 năm qua, cô giáo H'Blao đã dạy nên bao thế hệ học sinh nghèo

“Khi về đến nhà thì nhìn những đứa trẻ nghèo không có tiền đi học, một số em khác đi học nhưng tiếp thu chậm nên mình đã xin bố mẹ mở ra lớp tình thương này để dạy chữ cho các em. Tính đến nay đã được 7 năm rồi, bao lớp học trò cũng mình cũng có người lên học cấp 3 và lúc rảnh chúng thường quay lại giúp mình dạy thêm các em”, cô H’Blao bộc bạch thêm.

Tình yêu nghề, yêu học sinh đã tạo động lực giúp cô giáo khuyết tật mở lớp học miễn phí
Tình yêu nghề, yêu học sinh đã tạo động lực giúp cô giáo khuyết tật mở lớp học miễn phí

Với đôi chân nhỏ nhắn nhưng lại bị teo cơ chân, hơn thế 1 chân kia còn bị liệt co quắp khiến cô di chuyển đi lại rất khó khăn. Nhưng bằng nghị lực vươn lên của cô giáo trẻ người Jrai đã dành thời gian cho các em học sinh, tối đến cô nhận tranh về thêu để kiếm thêm thu nhập. Không những thế, cô còn dành thêm khoảng thời gian rảnh khi các em học trên lớp để làm công tác xã hội ở xã.

Hiện tại, lớp học của cô giáo H’Blao đã có 50 em, đến hè lại tăng lên từ 60-70 em, với 100% học sinh là người dân tộc thiểu số từ lớp 1 đến lớp 5. Dù đi lại khó khăn tuy nhiên đối với các trò cô luôn dành tất cả sức lực để cầm tay nắn nót cho các em từng chữ “đầu đời”, hướng dẫn từng phép tính. Được biết, chi phí để xây dựng lớp học là khoản tiền mà cô xin bố mẹ và số tiền cô gom góp được.

Số lượng học sinh trong làng đang tăng lên nhiều trong dịp hè
Số lượng học sinh trong làng đang tăng lên nhiều trong dịp hè

Kỳ học vừa qua, lớp học của cô giáo H’Blao đã có 19 em đạt học sinh giỏi và tiên tiến. Tâm sự với chúng tôi, cô giáo trẻ trải lòng: “Nhìn thành tích học tập của các em mình cũng vui lắm. Các em học sinh ở đây rất ngoan nhưng bố mẹ đi làm rẫy nên không có thời gian quan tâm đến con cái, từ miếng cơm, manh áo cũng như việc học còn nhiều thiếu thốn. Vậy nên, mình muốn mở lớp học tình thương để dạy học miễn phí cho các em. Mình muốn dành tất cả niềm yêu thương này đến với các em và cũng hy vọng tương lai các em sẽ tốt hơn”, cô H'Blao nói.

Để các em có thể tiếp thu bài một cách tốt nhất, cô giáo H’Blao đã chia lớp học thành 2 nhóm, theo từng độ tuổi và từng khả năng. Những học sinh học ở trường buổi sáng cô sẽ kèm ở nhà vào buổi chiều và ngược lại. Hiện cô H'Blao còn đặc biệt chú trọng đến việc dạy cho các em cách đọc thông, viết thạo Tiếng Việt và biết làm toán. Lớp học của cô bắt đầu từ 7h - 10h sáng và 13h - 15h chiều.

Tận dụng chiếc máy tính hồi còn đi học, cô giáo H’Blao lên mạng tải các bài hát về dạy cho các em hát vào những buổi sinh hoạt đầu tuần. Còn những buổi cuối tuần cô kể cho các em nghe về những câu chuyện mang tính nhân văn, qua đó truyền đến các em lối sống đẹp...

Ông Đậu Sỹ Quốc-Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Pưh cho biết: “Về trường hợp cô H’Blao là xuất phát từ tinh thần tình nguyện của cô. Với sự chỉ bảo ân tình cũng đã giúp cho nhiều em học sinh trên địa bàn như củng cố thêm kiến thức và học Tiếng Việt tiến bộ từng ngày. Bản thân tôi rất ủng hộ việc làm của cô H’Blao nên luôn cố gắng hỗ trợ hết sức có thể".

Phạm Hoàng

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục