Clip ép nữ sinh ăn cát: Trên cả sự vô cảm

(Dân trí) - Clip ép nữ sinh ăn cát giống như một vở diễn về việc hành hạ người khác, xem đó như là một trò giải trí mà người trong cuộc lẫn cả “khán giả” hoàn toàn không cảm xúc.

Clip ép nữ sinh ăn cát

Clip ép nữ sinh ăn cát kéo dài hơn 5 phút, không có những pha “hành động” lao vào đấm đá, giật tóc, cầm guốc, xắn áo – phong cách thông thường của con gái khi đánh nhau. Cũng chẳng có những tiếng chửi thề hay khuôn mặt hung dữ làm người xem phải sốc, thót tim. Vậy nhưng nó ám ảnh hơn bất cứ vụ nữ sinh đánh nhau nào trước đây từng được quay clip tung lên mạng.

Người xem rất dễ nghi ngờ tính xác thực của clip, nó giống như các em đang cùng nhau “diễn”. Tất cả các “nhân vật” cứ thủ thỉ, đủng đỉnh từ lời nói cho đến hành động chứ không hề có khí thế của những vụ choảng nhau.

Tất cả những nhân vật trong vở diễn bắt nữ sinh ăn cát và khán giả đều không thể hiện cảm xúc gì (Ảnh cắt từ clip)
Tất cả những nhân vật trong "vở diễn" bắt nữ sinh ăn cát và "khán giả" đều không thể hiện cảm xúc gì (Ảnh cắt từ clip)

Cô gái cầm trên tay khúc gậy dài uy hiếp đối phương không một lời chửi bới, không một hành động thể hiện sự tức giận của mình. Lâu lâu, cô mới lên tiếng như “lẹ lên không tao bực mình” nhưng thái độ hoàn toàn thản nhiên, chẳng có chút gì bực mình như lời nói.

Ngay lúc đỉnh điểm nhất, đoạn cô học trò phải quỳ xuống xin lỗi rồi bốc cát lên miệng, cô gái cầm gậy uy hiếp vẫn hỏi “Có nuốt không?” với giọng điệu nhẹ tênh tênh.

Nhiều người sẽ trách cô học trò hèn, không vùng dậy mà “bật” lại, không thì cũng tìm cách bỏ chạy thoát thân. Nhưng trong hoàn cảnh của mình em có lý do khi chọn hình thức tự hành hạ mình một cách chua chát nhất nhưng cũng là cách bảo vệ mình tốt nhất. Cô học trò khước từ việc “đối đầu” khi từ chối hai hình thức khác mà kẻ uy hiếp đưa ra là bị đánh 3 gậy hoặc đánh nhau tay không với người đang cầm gậy trên tay.

Bỏ chạy ư? Kế “chuồn” đã không còn là thượng sách khi xung quanh em là thái độ dửng dưng, cười đùa của những cô cậu học trò khác, chẳng có lấy một tín hiệu hay thái độ trợ giúp nào.

Đánh lại ư? Dại gì đối đấu khi “đối thủ” có vũ khí trên tay, có “đồng bọn” đi cùng, đang lăm lăm điện thoại, miệng líu lo trao đổi việc điều chỉnh khung hình để quay lại sự việc.

Tôi nhớ đến chia sẻ của Giáo sư Vũ Gia Hiền, điều đáng sợ nhất trong cuộc sống bây giờ là con người đang mất đi chỉ số cảm xúc. Chẳng biết vui, chẳng biết buồn, chẳng vui tươi hay bức xúc, phẫn nộ… với những hoàn cảnh tương ứng. Nhiều học trò như một con rô bốt – đáng sợ hơn cả sự vô cảm.

Không thể nhìn thấy được cảm xúc, suy nghĩ của các “nhân vật” trong clip. Chẳng có cảm xúc tức giận khi hành hạ người khác, không có cảm xúc khi nhìn bạn bè bị bắt nạt và ngay cả nạn nhân dường như cũng mất đi cảm xúc đau đớn khi bị người khác hành hạ.

Clip trên cả sự vô cảm này đặt ra rất nhiều vấn đề trong giáo dục con trẻ cho xã hội, gia đình và nhà trường. Chúng ta đang dạy dỗ, giáo dục con em thế nào mà bây giờ đang có những “sản phẩm” người không có những cảm xúc hỉ nộ ái ố thông thường?

Rồi biện pháp kỷ luật, khi học sinh gây ra những vụ bạo lực học đường, đánh bạn… rất đông người hùng hồn cho rằng cần đuổi học các em để trường học được trong sạch, để đảm bảo an toàn cho những học sinh khác.

Nhưng việc đuổi học những học trò “cá biệt” có thật sự đảm bảo môi trường an toàn cho những học trò khác? Rất nhiều vấn đề học đường là do những học sinh đã nghỉ học hoặc bị đuổi học gây ra. Như trong clip này, cô gái bắt cô nữ sinh ăn cát cũng từng là học sinh cùng trường đã nghỉ học.

Ở TPHCM từng có không ít vụ bạo lực học đường hay việc rủ rê, ép buộc học trò sử dụng thuốc ho Recotus gây nghiện mà “thủ phạm” là những học sinh đã nghỉ học, bị đuổi học, không còn thuộc phạm vi quản lý của nhà trường.

Dữ dội hơn có người nói phải cho ngay vào tù để răn đe. Rất ít ai đề cập đến những biện pháp mang tính giáo dục để cảm hóa các em.

Một vấn đề cần đặt ra là ai quản lý, định hướng thanh thiếu niên nghỉ học, bỏ học, bị đuổi học? Không đến trường, không có định hướng nghề nghiệp, không ai quản lý, các em sẽ khó thoát được vòng luẩn quẩn lêu lổng, đi bụi, chơi game, yêu đương sớm, trộm cắp và… bạo lực. Nhiều em đi “gây chuyện” cho có việc để làm vì quá nhàn rỗi, sống thiếu tổ chức, tập thể.

Giáo dục trong gia đình vẫn là cốt lõi quyết định đến cảm xúc và hành vi của con trẻ. Chưa nói đến gia đình cô gái cầm gậy uy hiếp, bắt nạt người khác quan tâm đến con mình thế nào. Ngay đến cô học trò là nạn nhân bị bạo hành trong clip thà chấp nhận quỳ gối, bốc cát ăn còn hơn là… chia sẻ với bố mẹ về vấn đề mình gặp phải. Được biết, trước đó, em cũng đã từng bị cô gái này đánh một lần nhưng kể cả sau khi bị ép ăn cát thì gia đình em cũng không hề hay biết cho đến khi… clip được tung lên mạng.

Hình ảnh của cô nữ sinh cúi mình chấp nhận bốc cát cho vào miệng phải chăng cũng là hình ảnh của không ít bạn trẻ ngày nay: cô đơn, thiếu tình yêu thương, chia sẻ, sự quan tâm và thiếu niềm tin vào chính những người ruột thịt?

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)