Chuyện vui buồn của cô giáo “quản” lớp học online

(Dân trí) - Dù không trực tiếp đứng lớp nhưng cô Hồ Thị Bích Liên vẫn được nhiều sinh viên gọi một cách trìu mến là “cô giáo Liên” bởi sự tận tâm, nhiệt tình của một người làm công tác quản nhiệm. Bốn năm làm quản lý học tập cho hơn 650 sinh viên học trực tuyến với đủ lứa tuổi khác nhau quả không hề là một chuyện đơn giản.


Cô Hồ Thị Bích Liên người đang quản hơn 650 sinh viên học đại học trực tuyến

Cô Hồ Thị Bích Liên người đang quản hơn 650 sinh viên học đại học trực tuyến

Công nghệ số ngày càng phát triển và mô hình đào tạo từ xa bằng phương pháp trực tuyến (online) cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Nếu như ở các trường đại học đào tạo chính quy trực tiếp thì sinh viên được “mặt đối mặt” với giảng viên và giáo viên chủ nhiệm của mình thì hình thức học online sẽ ngược lại. Chỉ là những buổi học offline, thiếu không khí trao đổi như một lớp học bình thường nên sinh viên muốn hoàn thành tốt các môn học quả là có sự kiên trì và tinh thần tự giác cao. Bên cạnh ý chí của bản thân người học thì yếu tố người quản lý học tập đóng vai trò quan trọng trong mô hình học trực tuyến.

Với hình thức học này, sinh viên rải khắp nơi từ Bắc chí Nam, nhưng người quản lý học tập vẫn nắm được lịch học của người học. Ai đang bỏ học, nghỉ bao lâu, không làm bài tập … họ đều biết và đưa ra hình thức nhắc nhở thông qua điện thoại, tin nhắn, thư điện tử hoặc trực tiếp khi cần thiết. Họ cũng sẽ là người lắng nghe những chia sẻ của sinh viên khi gặp vướng mắc từ tài chính, khó khăn thời gian và thậm chí cả những chuyện riêng tư trong cuộc sống. Với 4 năm làm tròn vai trò quản lý học tập của đơn vị giáo dục trực tuyến Topica, cô Hồ Thị Bích Liên vẫn được các sinh viên gọi trìu mến là “cô giáo Liên” dù chưa đứng lớp bao giờ.

Anh Bạch Lăng, sinh viên lớp O31 ngành Quản trị Kinh doanh thuộc hệ đào tạo từ xa của Viện đại học Mở Hà Nội liên kết với đơn vị dạy trực tuyến này cho biết rất ngưỡng mộ cô giáo Liên, bởi sự tận tụy mà cô mang đến cho sinh viên trong lớp.

“Đa phần người học trực tuyến như tôi đều có công việc riêng nhưng để học tốt như hiện nay thì không thể nào quên vai trò của cô Liên được. Cô ấy là cầu nối, là người đốc thúc, giúp đỡ để sinh viên chúng tôi sắp xếp và theo học trọn vẹn quá trình học trực tuyến không đơn giản này”, anh Lăng chia sẻ.

Khi hỏi bí quyết quản được hàng trăm sinh viên để họ không phàn nàn và theo học xuyên suốt, cô Bích Liên chỉ lý giải đơn giản rằng bởi mình thích công việc này và làm hết mình với nó. Cô Liên cho biết dù tốt nghiệp về Công nghệ thông tin nhưng cô lại có duyên với lĩnh vực giáo dục. Theo cô, làm giáo dục online lại càng đặc biệt hơn. Nếu một giáo viên bình thường trực tiếp đứng lên giảng bài, trao đổi “mặt đối mặt” với sinh viên đã không dễ thì giáo viên chủ nhiệm lớp trực tuyến lại càng khó hơn nhiều.

Cô bộc bạch: “Mỗi sinh viên với những độ tuổi khác nhau đã có những suy nghĩ khác nhau, mối quan tâm cũng khác nhau trong khi đó mình phải nắm bắt được tâm lý của họ dù không gặp mặt nhau quả không chuyện dễ. Đó là chưa kể đa phần sinh viên ở các tỉnh xa thậm chí có những người còn đang có địa vị trong xã hội. Điều quan trọng là phải trải lòng mình với họ thì họ mới sẵn sang chia sẻ những vướng mắc làm ảnh hưởng đến chuyện học tập.

Đặc biệt, Liên cho biết làm việc trong lĩnh vực này cô được tiếp xúc với nhiều câu chuyện vui buồn của nghề và cả tấm gương học tập đáng khâm phục. Liên vẫn day dứt mãi về chuyện của T., một nam sinh viên 9X vốn rất ham học thế nhưng bẵng một thời gian không thấy vào học (cô theo dõi qua tài khoản). Sau nhiều lần liên lạc thì cô Liên gặp được T. và học viên này cho biết mình vừa phát hiện mắc ung thư giai đoạn cuối và “chỉ sống được không bao lâu nữa thì học đại học để làm gì”. “Trong tình cảnh ấy mình không biết phải chia sẻ làm sao với T nhưng dù sau đó mình cố gắng động viên em ấy cố gắng điều trị, khi nào khỏe hãy học. Ngạc nhiên là sau đó T. vẫn cố gắng học thêm vài tháng nhưng mình đành bất lực vì bệnh nặng em ấy đã không qua khỏi để tiếp tục theo đuổi con đường học tập của mình”, cô Liên chia sẻ.

Còn nhiều trường hợp sinh viên gặp khó khăn về tài chính hoặc thời gian làm việc quá bận, là giáo viên quản lý, cô Liên phải động viên, sắp xếp thậm chí lên kế hoạch học tập sẵn cho sinh viên theo hướng thuận tiện nhất. “Có thể với công việc này đối với nhiều người nó khá lặng lẽ, âm thầm do ít được tiếp xúc trực tiếp sinh viên nhưng bản thân mình nghĩ làm cầu nối cho người học và yêu thích công việc đó nên luôn cảm giác xung quanh luôn có đông người bên cạnh”, cô Bích Liên tâm sự.

Lê Phương