Chuyện trẻ con Việt kể từ nước Đức

"Các gia đình ở Việt Nam sang Đức ban đầu đều bị “sốc” vì giáo dục ở đây, và sau đó đều thừa nhận một nền giáo dục thẳng thắn, không giả dối có ích lợi thế nào”.

Thế nhưng chị Nguyễn Thị Hòa, khoảng hơn 50 tuổi, một phụ nữ bán hàng ăn ở đường Obentrautstrasse, 32, 10963, Berlin- Kreuzberg lại khác. Chị cởi mở và đầy lòng trắc ẩn.

Tôi gặp chị một cách ngẫu nhiên trên đường đi viết đề tài khác về nông nghiệp nước Đức. Cửa hàng của chị nhỏ - chỉ kê đủ 2 bàn- bán đồ ăn Thái Lan, Việt Nam (trong đó chủ yếu là món mì xào khô). Chị nhiệt tình chỉ dẫn đường sá. Mặn chuyện hơn, tôi hỏi chị về chuyện kinh doanh, chị trả lời không cần giấu giếm. Thế rồi chị thở dài, lái sang câu chuyện khác: “Làm ăn ở đây nhưng tôi vẫn đau đáu về quê nhà. Mọi thứ ở Việt Nam, theo tôi là khá tốt, trừ giáo dục. Các gia đình ở Việt Nam sang đây ban đầu đều bị “sốc” vì giáo dục ở đây, và sau đó đều thừa nhận một nền giáo dục thẳng thắn, không giả dối có ích lợi thế nào”.

Chị Nguyễn Thị Hòa hướng dẫn các lưu học sinh mới sang Đức cách tiếp cận hệ thống Metro
Chị Nguyễn Thị Hòa hướng dẫn các lưu học sinh mới sang Đức cách tiếp cận hệ thống Metro.

Khi chị mới sang Đức (cách đây hơn 15 năm), con chị còn nhỏ, bắt đầu đi học tiểu học và chị ngạc nhiên khi thấy trẻ con được được tiếp thu kiến thức về sức khoẻ sinh sản ngay từ lớp 2-3. “Tôi sốc vì ở tuổi đó chúng đã được dạy trẻ con sinh ra từ đâu, làm thế nào để có trẻ con… Thời điểm đó, nhiều gia đình người Việt vẫn quen truyền thống dạy con là trẻ sinh ra từ rốn, từ nách. Con tôi đi học tiểu học, nói như vậy với cô giáo, cô giáo bảo mẹ em nghĩ thế là mẹ em… khùng. Mới nghe thì hơi nóng mặt, nhưng sau tôi thấy cô giáo có lý, trẻ cần được học kiến thức đúng và không nói dối”.

Cùng học với con, chị Hòa hài lòng vì trẻ tiểu học không phải làm những bài toán quá lắt léo, mà được học lồng ghép nhiều kỹ năng thích ứng với cuộc sống, không học thêm, không phải “chạy điểm” thầy cô, không bị bố mẹ “chạy” cho vào công chức sau khi ra trường để có biên chế, để nhàn hạ. Trẻ có nhiều “quyền” với cuộc sống của mình, đồng nghĩa với sự tự lập.

“Tôi thấy bố mẹ ở Việt Nam “ấp” con cái nhiều quá, tôi luôn tin rằng trẻ độc lập hơn sẽ phát triển hơn, đồng nghĩa đất nước phát triển hơn. Điều đó rất giản dị, nhưng không biết bao giờ mới học được?”- chị Hòa nói.

Bài học đơn giản thế thôi nhưng có học được không? Câu trả lời dành cho mỗi phụ huynh, câu trả lời còn dài. Và tôi còn chờ đợi.