Mỹ:

Chuyến bay không trọng lực khơi gợi niềm say mê khoa học

(Dân trí) - Mới đây, trong buổi học môn Vật lý, thầy Glenn Coutoure, giáo viên Trường trung học Norwalk (bang Connecticut, Mỹ) đã cho học sinh xem video trong đó thầy và các giáo viên đang bay lơ lửng trong tình trạng không trọng lực. Trong mắt học trò, thầy bỗng chốc trở thành một “người hùng”.

Chuyến bay không trọng lực khơi gợi niềm say mê khoa học  - 1
Các giáo viên dạy môn Khoa học tham gia chuyến bay không trọng lực cuối tháng 9 vừa rồi. (Ảnh: New York Times)

Trước khi trình chiếu một video cho các học sinh lớp 11 và 12 trong buổi học môn Vật lý, thầy Glenn Coutoure đã cảnh báo các em rằng miệng của thầy có thể sẽ mở trong một lúc lâu như thể trẻ con há miệng vì ngạc nhiên.

Sau đó, thầy Coutoure ấn nút đầu máy DVD. Trên màn hình hiện ra cảnh thầy Coutoure và các giáo viên khác dạy môn Khoa học đang bay lơ lửng trong một chuyến bay. Máy bay bay lên lượn xuống như một tàu lộn vòng khổng lồ. Tiếp đó là tình trạng không trọng lượng trong 30 giây.

Chuyến bay mà thầy Coutoure tham gia diễn ra hồi cuối tháng 9 vừa rồi, do hãng Zero Gravity Corporation cung cấp, hãng này chuyên phục vụ các chuyến bay không trọng lực với giá 5.000USD/vé.

Chuyến bay của các giáo viên được Quỹ Northrop Grumman tài trợ. Trong 4 năm qua, nhằm khơi dậy niềm đam mê về khoa học và toán học cho cả giáo viên và học sinh, Quỹ Northrop Grumman đã chi 5,1 triệu USD để cho các giáo viên dạy môn Khoa học tham gia những chuyển bay không trọng lực.

Hình ảnh các thầy cô giáo trong tình trạng không trọng lượng được quay thành video và giáo viên sẽ trình chiếu video này cho học sinh xem trong buổi học về các định luật chuyển động.

Các giáo viên hy vọng những hình ảnh này sẽ giúp họ giải thích tốt hơn cho học sinh về các định luật chuyển động mà nhà bác học người Anh Isaac Newton công bố từ thế kỷ 17.

Francis Q. Eberle, giám đốc điều hành Hiệp hội Các giáo viên Khoa học quốc gia, nhận định rằng các chương trình kiểu như chuyến bay không trọng lực của Quỹ Northrop Grumman rất có hiệu quả trong việc cải thiện việc giảng dạy môn Khoa học vốn bị coi là khô khan. Theo Tiến sĩ Eberle, những chương trình này giúp khơi dậy niềm đam mê khoa học của các giáo viên. Mục tiêu của chương trình là giúp các giáo viên lấy lại niềm hứng khởi và truyền đạt hiệu quả cho học sinh.

Sau chuyến bay, cô Adrienne Manzone, giáo viên Trường Captain Nathan Hale ở Coventry (bang Connecticut) nhận xét: “Giờ đây chỉ số trẻ trung và đam mê của tôi lên tới 100%”.

Thầy giáo Geoffrey Bergen ở Trường cấp 2 Whisconier (Brookfield, bang Connecticut) nhận xét rằng trong các phương pháp giảng dạy truyền thống, giáo viên phải “vật lộn” mới duy trì được niềm say mê của học sinh khi mà thời đại ngày nay, các trò video game tràn ngập và công nghệ tiên tiến phát triển vượt bậc.

“Thực sự là khó khơi gợi hứng thú của học sinh nếu chỉ dạy từ sách giáo khoa. Bởi vậy mà các chuyến bay không trọng lực mang đến cho các giáo viên một công cụ mới khi giảng dạy về các định luật của Newton về chuyển động”, thầy Bergen nói thêm.

Thầy Bergen nói rằng khi xem cảnh các giáo viên biểu diễn như những nhà du hành vũ trụ, các học sinh cũng cảm thấy như mình đang được tham gia vậy.

Còn Sandra Evers-Manly, Chủ tịch Quỹ Northrop Grumman, thì nói rằng bỗng nhiên các giáo viên Khoa học trở thành một “người hùng” trong mắt học trò khi dự các chuyến bay không trọng lực.

Vào năm 2005 và 2006 khi Quỹ Northrop Grumman kêu gọi 205 giáo viên dự các chuyến bay không trọng lực, niềm say mê khoa học của học sinh tăng gần 92%. Nhiều học sinh bày tỏ khao khát muốn tiếp tục tìm hiểu môn toán và khoa học.

Trong lớp học của thầy Glenn Coutoure, video về chuyến bay không trọng lực được chiếu vào cuối buổi học sau khi thầy đã giảng hết phần lý thuyết về chuyển động.

Jamie Heverin, một học sinh trong lớp học của thầy Coutoure, nói: “Em rất tò mò không biết buổi học tới thầy sẽ mang đến cho chúng em những gì”.

Xuân Vũ
Theo New York Times