Phó Chủ tịch UBND TPHCM:

Chương trình tiếng Anh Cambrigde: Phải minh bạch để phụ huynh không thấy thiệt thòi

(Dân trí) - “Phải nói rõ vì sao Cambrigde không tiếp tục cung cấp chương trình này cho hệ thống giáo dục công lập. Chúng ta phải rõ ràng minh bạch để phụ huynh học sinh không thấy thiệt thòi cho học sinh đã, đang theo học chương trình này”.

Đó là ý kiến của ông Hứa Ngọc Thuận - Phó Chủ tịch UBND TPHCM khi trao đổi với đại biểu trong hội nghị tổng kết năm học 2013 -2014 và Triển khai nhiệm vụ năm học mới 2014-2015 do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức sáng nay 9/8.

Ph
Phó chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận phát biểu tại
Hội nghị tổng kết năm học 2013 -2014 và Triển khai nhiệm vụ năm học mới 2014-2015 của Sở GD-ĐT TPHCM.

Tại hội nghị, các đại biểu trong ngành giáo dục TPHCM đề xuất lãnh đạo sớm cho phép triển khai đề án đổi mới giảng dạy môn Toán, tiếng Anh và khoa học theo hướng tiên tiến, tích hợp.

Tuy nhiên, theo ông Thuận thì UBND TP đã yêu cầu phải dừng đề án, đó là vì: Khi muốn chấm dứt một chương trình thí điểm thì phải sơ kết để thấy thí điểm chương trình đó được gì và chưa được gì. Chúng ta phải nói rõ vì sao Cambrigde không tiếp tục cung cấp chương trình này cho hệ thống giáo dục công lập. Phải rõ ràng minh bạch để phụ huynh học sinh không thấy thiệt thòi cho học sinh đã, đang theo học chương trình này. Chính từ đó, rút kinh nghiệm để chuyển sang chương trình tích hợp. Bởi, trong khi chưa sơ kết chương trình thí điểm trước, đã  lại chuyển qua thí điểm một chương trình khác, thì phụ huynh không hài lòng, rất dễ gây hoang mang trong dư luận”, Phó Chủ tịch thành phố nhấn mạnh.

Ông Thuận cũng "cụ thể hóa" việc lãnh đạo ngành giáo dục TP phải làm  là phải (theo chỉ đạo của thường vụ Thành ủy, HĐND), rằng: Những gì liên quan đến đa số người dân thì phải lấy ý kiến rộng rãi và công khai. Dừng triển khai chương trình mới để làm thêm một bước đánh giá lại kết quả hiệu quả đầu tư trong đào tạo thời gian qua. Nếu tiếp tục chương trình mới thì chương trình sẽ như thế nào phải công khai, minh bạch cho người dân biết. Dự kiến, trong tuần tới UBND TP sẽ chủ trì buổi họp để nghe lại ý kiến của ngành giáo dục, các đơn vị liên quan và có thể mời cả Hội đồng Anh nói rõ cho chính quyền thành phố vì sao dừng chương trình này. “Có phải vì chạy theo lợi nhuận không, có phải vì thấy rằng thí điểm là có thị trường nên muốn nâng giá lên không?”, ông Thuận nói.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng đồng ý trước đề xuất kiến nghị chỉ đạo Sở Nội vụ tham mưu hướng dẫn thực hiện Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ quy định về quản lý nhà nước đối với giáo dục. Ông Thuận cho rằng “Đánh giá hiện nay trong quá trình quản lý phân cấp theo Nghị định 115 còn vướng nhiều vấn đề, nếu xử lý không khéo thì hầu hết các trường tư thục sẽ rơi vào "cơn lốc" như ĐH Hùng Vương, ĐH Hoa Sen. Do vậy, chỉ đạo của Chủ tịch TPHCM là giao cho Sở nội vụ làm rõ lại để có báo cáo Bộ GD-ĐT và Chính phủ”.

Cũng trong hội nghị này, bên cạnh đánh giá những mặt đạt được trong năm học 2013-214, ngành giáo dục TPHCM đã đề ra những nhiệm vụ triển khai trong năm học mới sắp tới.  Theo đó, trong năm học 2014-2015, ngành giáo dục TPHCM sẽ: Huy động mọi nguồn lực để đầu tư, xây dựng mới, mở rộng mạng lưới trường lớp theo quy hoạch, tăng cường trang thiết bị, đồ dùng dạy học hiện đại; xây dựng các trường tiên tiến, hiện đại hội nhập khu vực và quốc tế theo tiêu chí đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục thành phố cần tiếp tục phối hợp và phát huy sức mạnh tổng hợp của việc gắn kết gia đình - nhà trường - xã hội trong công tác giáo dục; Giữ mối liên hệ và kết họp chặt chẽ với hệ thống chính trị địa phương, với phụ huynh học sinh thực hiện các chế độ chính sách xã hội trong giáo dục, đáp ứng yêu cầu và quyền lợi học tập của con em nhân dân  thành phố.

Lê Phương