Quảng Nam:

Chung tay xóa điểm trường tạm ở miền núi

(Dân trí) - Đầu tháng 10 vừa qua, thêm một điểm trường ở xã Trà Tập (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) được kiên cố hóa nhờ lòng hảo tâm của các mạnh thường quân. Đã có hàng chục điểm trường ở vùng sâu vùng xa của huyện miền núi Nam Trà My được kiên cố hóa từ tấm lòng của các nhà hảo tâm.

Điểm trường vừa được kiên cố hóa đầu tháng 10 vừa qua mang tên Tắk Rối (thôn 3, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam). Đây là 1 trong 11 điểm trường thuộc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập được các mạnh thường quân hỗ trợ để kiên cố hóa từ trước đến nay.

Chung tay xóa điểm trường tạm ở miền núi Quảng Nam

Điểm trường Tắk Rối trong thời gian thi công

Điểm trường Tắk Rối này có 39 em học sinh ở lớp mẫu giáo và lớp ghép 1+2. Giờ đây các em đã được ngồi học dưới mái trường kiên cố, khang trang, đầy đủ tiện nghi; các em không còn phải thấp thỏm lo sợ mỗi khi mưa về.

Ngày khánh thành và bàn giao ngôi trường, tất cả giáo viên, các em học sinh, người dân Tắc Rối đều vô cùng xúc động trước ngôi trường mới.

Cách đây không lâu, lo sợ “núi đè”, 41 hộ dân làng Tắk Rối đã di dời về làng mới cách làng cũ chừng 2km, các em học sinh phải học tạm nhà dân. Nay Tắk Rối đã có trường kiên cố, các em sẽ có nơi học ổn định hơn, người dân cũng yên hơn.

Chung tay xóa điểm trường tạm ở miền núi Quảng Nam

Điểm trường Tắk Rối vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng vào đầu tháng 10 vừa qua

Thầy Lê Huy Phương - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập cho biết, nhờ tấm lòng của các mạnh thường quân, giờ đây các điểm trường của xã không còn cảnh tạm bợ nữa.

Điểm trường này được sự hỗ trợ của câu lạc bộ (CLB) Bạn Thương Nhau (TP Đà Nẵng) huy động từ các thành viên và mạnh thường quân với kinh phí trên 500 triệu đồng.

Chia sẻ với PV Dân trí, anh Nguyễn Bình Nam - Chủ nhiệm CLB Bạn Thương Nhau chia sẻ, ở huyện miền núi Nam Trà My còn nhiều điểm trường lẻ cách trở và đường giao thông rất khó khăn nên đây là một nơi để CLB vận động, xây trường cho các em.

Chung tay xóa điểm trường tạm ở miền núi Quảng Nam
Chung tay xóa điểm trường tạm ở miền núi Quảng Nam

Thầy trò cùng học sinh điểm trường Tắk Rối được dạy và học ở điểm trường mới khang trang

Để tiến hành xây trường, CLB Bạn Thương Nhau đến tận điểm trường khảo sát, chụp hình rồi làm việc với chính quyền địa phương, sau đó tính toán chi phí và chia sẻ thông tin lên mạng xã hội vận động.

“Bạn em chủ yếu vận động trên mạng xã hội, 100 ngàn, 200 ngàn của các mạnh thường quân đóng góp cũng rất quý”, anh Nguyễn Bình Nam chia sẻ. Anh Nam cũng cho biết, vào trung tuần tháng 11 tới, CLB sẽ tiếp tục khánh thành một điểm trường ở Măng Lùng (xã Trà Linh, Nam Trà My). Đây là điểm trường thứ 10 mà nhóm của anh vận động xây dựng ở Quảng Nam.

Anh Nguyễn Bình Nam cũng chia sẻ, những chương trình về với vùng cao Nam Trà My đều có một sự cộng hưởng rất lớn của cộng đồng, một sự lan tỏa về cảm xúc… nên mỗi lần kêu gọi về xây trường ở Nam Trà My là cả nhóm nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các mạnh thường quân. Từ cách làm như ở Nam Trà My hiện đang nhận được tình cảm rất lớn của cộng đồng.

Trao đổi với PV Dân trí, thầy Võ Đăng Thuận - Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Nam Trà My cho biết, những năm qua, từ sự chung tay giúp sức của cộng đồng, ngành giáo dục huyện Nam Trà My đã xóa dần những điểm trường xây dựng tạm bợ.

Đối với điểm trường Tắk Rối, việc xây dựng kiên cố hóa và đưa vào sử dụng là một món quà ý nghĩa rất lớn ở vùng núi Nam Trà My, giúp các em có điều kiện học tập. Ngoài điểm trường Tắk Rối, những năm qua được sự giúp đỡ và chia sẻ từ cộng đồng, nhiều điểm trưởng lẻ ở huyện Nam Trà My được xây dựng kiên cố.

Theo thầy Thuận, toàn huyện Nam Trà My có 116 điểm trường lẻ được xây dựng tường gỗ lợp tôn nhưng đến nay chỉ còn 36 điểm trường chưa kiên cố. Tranh thủ nguồn xã hội hóa và nguồn vốn đầu tư của nhà nước, trong thời gian đến, Phòng GĐ-ĐT huyện tiếp lục xây dựng những điểm còn lại.

Đối với 36 điểm trường còn lại, việc kiên cố hóa cũng rất khó khăn. Thầy Thuận cho biết, đa số các điểm trường này không có đường giao thông để vận chuyển nguyên vật liệu đến. Cũng có nhiều mạnh thường quân có ý định xây dựng điểm trường kiên cố nhưng giao thông rất khó khăn.

“Một bao xi măng cõng lên đến nơi giá tăng lên 4-5 lần, mà cũng không có người cõng đi vì đồi núi độ dốc rất lớn, không đi được. Nếu có đường giao thông thuận lợi, chỉ trong vòng vài năm nữa huyện sẽ xóa hết những điểm trường lẻ, tạm bợ”, thầy Thuận nói.

Công Bính