Gia Lai:

Chung tay xây dựng nhà vệ sinh trong trường học vùng cao

(Dân trí) - Qua rà soát, trên địa bàn toàn tỉnh Gia Lai có hơn 1.554 nhà vệ sinh trường học phải sửa chữa và còn thiếu 1.853 phòng. Trước tình hình đó, nhiều trường học trên địa bàn đã huy động từ nguồn xã hội hóa để xây dựng nhà vệ sinh nhằm phục vụ thuận lợi cho học sinh trong việc sinh hoạt cá nhân và học tập.

Mới đây, Đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai đã có báo cáo về kết quả giám sát “Công trình vệ sinh và việc đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm tại các trường học trên địa bàn tỉnh”. Theo kết quả khảo sát, các trường mầm non thiếu 399 phòng vệ sinh; 489 phòng cần sửa chữa; các trường tiểu học thiếu 782 phòng vệ sinh; 495 phòng cần sửa chữa; các trường THCS thiếu 398 phòng vệ sinh; 430 phòng cần sửa chữa.

Chung tay xây dựng nhà vệ sinh trong trường học vùng cao - 1
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai còn thiếu hơn 1.853 phòng vệ sinh trong trường học

Theo ghi nhận, tại một số điểm trường lẻ ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt còn thiếu rất nhiều công trình vệ sinh. Ngoài ra, trong khi đầu tư dự án xây trường học với kinh phí hàng tỷ nhưng không được đầu tư công trình vệ sinh. Cụ thể, trường Kông Bờ La (huyện Kbang, Gia Lai) đầu tư gần 6 tỷ đồng để xây 8 phòng học, phòng hiệu bộ nhưng không có phòng vệ sinh. Chính vì những nguyên nhân trên khiến cho tình trạng thiếu vệ sinh, nhất là vùng khó khăn càng trầm trọng hơn.

Chung tay xây dựng nhà vệ sinh trong trường học vùng cao - 2
Các phòng vệ sinh vùng cao thiếu và không đảm bảo về quy chuẩn

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Căn - Chánh văn phòng Sở GD- ĐT tỉnh Gia Lai cho hay: “Theo kết quả rà soát công trình vệ sinh tại các trường học trên địa bàn tỉnh trong năm học 2018 - 2019 thì có 1.554 phòng vệ sinh cần phải sửa chữa và còn thiếu 1.853 phòng vệ sinh. Theo đó, hầu như các công trình vệ sinh tại các trường học được đầu tư xây dựng từ nhiều năm trước nên các công trình đã xuống cấp; hư hỏng hoặc không sử dụng được… Trước tình hình đó, Sở GD-ĐT tỉnh cũng đã tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục. Ngoài ra, tuyên truyền cho học sinh về vấn đề vệ sinh và an toàn thực phẩm trong trường học. Khi lập dự án đầu tư các công trình về giáo dục thì ưu tiên xây dựng các công trình vệ sinh, nước sạch và hệ thống thoát nước theo đúng quy chuẩn.”.

Chung tay xây dựng nhà vệ sinh trong trường học vùng cao - 3
Nhờ các nguồn xã hội hóa và hỗ trợ, một số trường vùng cao được đầu tư xây dựng các công trình vệ sinh

Do khó khăn vì thiếu nhà vệ sinh nên trường THPT Lê Hồng Phong (xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa, Gia Lai) đã vận động Hội Cha mẹ học sinh để tiến hành đóng góp xây dựng khu vệ sinh cho học sinh với tổng kinh phí hơn 160 triệu đồng.

Tương tự, tại trường THPT Trường Chinh (huyện Mang Yang, Gia Lai), Hội cha mẹ học sinh cũng đã đóng góp hơn 30 triệu đồng để mua xi măng, cát… nhằm cải tạo khu vệ sinh cho học sinh. Ngoài ra, Hội còn đóng góp ngày công và cây xanh để trồng trong khuôn viên nhà trường.

Chung tay xây dựng nhà vệ sinh trong trường học vùng cao - 4
Các học sinh trường DTBT Kon Pne được đầu tư xây dựng hệ thống các công trình vệ sinh đạt quy chuẩn từ nguồn hỗ trợ

Trước đó, quỹ nhân ái báo Dân trí cũng đã trao hơn 150 triệu đồng từ bạn đọc trên cả nước cho Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Kon Pne (xã Kon Pne, huyện Kbang). Qua đó, trường đã sử dụng nguồn hỗ trợ này để cải tạo và xây dựng hệ thống nhà vệ sinh nhằm phục vụ cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số đang học bán trú.

Thầy Phạm Văn Hinh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Do nguồn kinh phí hạn hẹp nên các công trình vệ sinh trong trường còn chưa được xây dựng đầy đủ. Điều này khiến có các em học sinh bất tiện trong việc đi sinh hoạt cá nhân. Theo đó, nhà trường đã huy động ngày công của phụ huynh và nguồn hỗ trợ từ bạn đọc báo Dân trí để tiến hành sửa chữa và xây mới lại các công trình vệ sinh, bồn nước, chậu…Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao lên”.

Phạm Hoàng