Chưa đến 10% tạp chí khoa học của Việt Nam được xuất bản bằng tiếng Anh

(Dân trí) - Theo Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, hiện nay mới có chưa đến 10% tổng số tạp chí khoa học của Việt Nam được xuất bản bằng tiếng Anh, một tỷ lệ rất nhỏ so với các nước trong khu vực ASEAN và trên thế giới.

Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước (HĐ CDGS NN) đã cùng với các Hội đồng chức danh giáo sư ngành/ liên ngành tiến hành rà soát danh mục các tạp chí khoa học được tính điểm năm 2017.

Theo đó, trong 387 tạp chí khoa học năm nay được đưa vào danh mục tạp chí được tính điểm công trình khoa học quy đổi của HĐ CDGS NN, mới chỉ có 32 tạp chí bằng tiếng Anh, một tỷ lệ rất thấp.

Đến nay, chỉ có 3 tạp chí của Việt Nam có tên trong danh mục Scopus: Tạp chí Advances in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechnology (ANSN) của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện này cũng đã từng có trong hệ thống SCIE), Acta Mathematica Vietnamica của Viện Toán học - thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ VN, và Vietnam Journal of Mathematics của Hội Toán học Việt Nam.

Từ năm 2016, đã có 2 tạp chí khoa học Kinh tế của Việt Nam có tên trong danh mục ACI: Journal of Economics and Development của trường ĐH Kinh tế quốc dân và Journal of Economic Development của trường ĐH Kinh tế TP.HCM.

Theo quy định trên thế giới, số lượng và chất lượng các công bố quốc tế của giảng viên và uy tín của tạp chí khoa học của trường đại học cũng là các tiêu chí cơ bản để xếp hạng hàng năm của trường đại học.

Để nâng cao chất lượng các tạp chí khoa học trong danh mục các tạp chí được tính điểm công trình khoa học quy đổi, Hội đồng chức danh GS Nhà nước lưu ý cần ghi rõ mã số chuẩn quốc tế ISSN và định dạng thông tin các bài báo khoa học trong tạp chí như quy định.

Các cơ sở giáo dục đại học nên chủ động chọn lọc, mời thêm các nhà khoa học Việt Nam có uy tín, cùng ngành, chuyên ngành trong nước, ngoài nước và các nhà khoa học nước ngoài tham gia ban biên tập, phản biện và viết bài.

Theo HĐ CDGS NN, hiện nay mới có chưa đến 10% tổng số tạp chí khoa học của Việt Nam được xuất bản bằng tiếng Anh, một tỷ lệ rất nhỏ so với các nước trong khu vực ASEAN và trên thế giới.

Cho đến nay, các tạp chí này chủ yếu thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ; trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn còn ít.

HĐ CDGS NN cũng yêu cầu các BBT tạp chí khoa học cần khẩn trương công bố online cả tiếng Việt và tiếng Anh để tăng cường hội nhập quốc tế.

Nhật Hồng