Đại diện Hội Khuyến học báo Asahi Nhật Bản thăm Hội Khuyến học Việt Nam

(Dân trí) - Ngày 25/12/2018, tại trụ sở Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, GS-TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đã tiếp ông Hikawa Hiroshi, Đại diện Hội Khuyến học của Báo Asahi tại Việt Nam.

 Đại diện Hội Khuyến học báo Asahi Nhật Bản thăm Hội Khuyến học Việt Nam - Ảnh 1.

Chủ tịch Hội Khuyến học VN tiếp ông Hikawa Hiroshi, Đại diện Hội Khuyến học báo Asahi tại Việt Nam

  Cùng dự buổi tiếp có Bà Phạm Thị Hòe, Phó Chủ tịch Hội và các đồng chí lãnh đạo Ban Thông tin – Tuyên truyền, Ban Tổ chức - cán bộ Trung ương Hội.

Ông Hikawa cho biết, Báo Asahi là tờ báo lớn thứ hai của Nhật Bản kể cả về số lượng và uy tín của báo, mỗi ngày xuất bản gần 10 triệu tờ cho bản buổi sáng và gần 4 triệu tờ cho bản buổi chiều, chỉ đứng sau Yomiuri Shimbun.

Theo ông Hikawa, báo Asahi có Hội Khuyến học chuyên lo việc đào tạo, tiếp nhận và cấp học bổng cho du học sinh các nước trong khu vực, chủ yếu là cho Việt Nam.

 Đã từ hơn 20 năm nay, Hội Khuyến học của Báo đã thực hiện Chương trình hỗ trợ các em học sinh nghèo hiếu học của Việt Nam có nguyện vọng sang học ở Nhật Bản, trực tiếp thông qua Hội Khuyến học của các tỉnh, thành Việt Nam (không qua trung gian) mỗi năm có hàng trăm em được cấp học bổng sang Nhật học.

Hiện Hội Khuyến học của Báo Asahi đang phối hợp với Trường Đông Du-Nhật Bản tiếp tục tiếp nhận và cấp học bổng cho học sinh Việt Nam, đồng thời cũng mở rộng sang lĩnh vực hợp tác lao động giữa Việt Nam với thị trường lao động đang sôi động ở Nhật Bản.

GS-TS Nguyễn Thị Doan đã cảm ơn ông Hikawa cùng Tổng Biên tập và Ban biên tập Báo Asahi đã quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và khuyến học của Việt Nam mấy chục năm qua.

Chủ tịch Doan mong Hội Khuyến học của Báo tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hội Khuyến học các tỉnh, thành địa phương của Việt Nam để thực hiện và mở rộng Chương trình khuyến học của Báo nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, đặc biệt là giáo dục đào tạo, kể cả kinh nghiệm của Nhật Bản về học tập của người lớn trong các Kominkan (Trung tâm học tập cộng đồng)./.

Lương Thanh