Chọn ngành nào cho bậc học Đại học?

Lựa chọn trường học và ngành học nào ở bậc Đại học trong bối cảnh xu hướng dịch chuyển nhu cầu nguồn nhân lực sôi động ngày nay đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh và các em học sinh, đặc biệt trong giai đoạn chuẩn bị hồ sơ tuyển sinh ĐH.

Những phân vân trong lựa chọn ngành học, trường học hiện nay đặc biệt hiện rõ đối với các ngành kinh tế, Tài chính - Ngân hàng khi những báo cáo về nhu cầu nguồn nhân lực trình độ đại học và sau đại học gần đây thể hiện rõ hướng bão hoà nhân lực đối với các ngành này. Thực tế, nếu xem xét kỹ hơn cân đối nguồn nhân lực hiện nay ở Việt Nam, có thể thấy rõ xu hướng thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao ở những lĩnh vực đan xen, có kiến thức và kỹ năng đủ sâu, đủ bao quát cả khía cạnh vĩ mô và vi mô của quá trình phát triển, kể cả đối với lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng, Kinh tế Đối ngoại và Quản trị Doanh nghiệp.

Ở khía cạnh nguồn đào tạo, dễ nhận thấy lỗ hổng nhân lực có hiểu biết về bối cảnh kinh tế vĩ mô và quốc tế đối với hoạt động của doanh nghiệp đang hiện hữu. Như đã đề cập, trong khoảng chục năm trở lại đây, các ngành được coi là “hot” chủ yếu rơi vào khối ngành Kinh tế và Tài chính - Ngân hàng như: Quản trị Kinh doanh, Kinh tế Đối ngoại, Tài chính Doanh nghiệp và Ngân hàng.

Các ngành này được các trường thiết kế chủ yếu trang bị kiến thức và kỹ năng làm việc cho khu vực doanh nghiệp, ngoại trừ một số ít trường có bề dày đào tạo trong lĩnh vực kinh tế và quản lý. Do vậy, phần lớn trong đội ngũ nhân lực được đào tạo với các ngành trên chủ yếu được trang bị các kiến thức và kỹ năng ở tầm hoạt động của doanh nghiệp mà không chú trọng nhiều đến những kiến thức và kỹ năng làm việc cho các lĩnh vực này ở tầm cao hơn mà có liên quan trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp nói chung. Cụ thể, những ngành đào tạo trang bị kiến thức và kỹ năng trong cả cho quản lý vĩ mô và quản lý vi mô bị thiếu hụt, đó là các ngành: Tài chính Công, Chính sách Công, Kinh tế Đối ngoại (hướng nhiều hơn đến quản lý hoạt động Kinh tế Đối ngoại). Xem xét ngành đào tạo của các trường đại học về kinh tế hiện nay nhận thấy rõ sự thiếu hụt trầm trọng này.

Xét trên góc độ nhu cầu nguồn nhân lực, Chiến lược phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam chỉ rõ nhu cầu nguồn nhân lực rất lớn cho giai đoạn 10 năm tới trong các lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc các lĩnh vực Quản lý kinh tế, Tài chính công, Quản lý Doanh nghiệp, Dự báo vĩ mô, Quản lý Đầu tư, Quản lý các ngành, lĩnh vực, Quản lý Đất đai, Quản lý Dự án, v.v... Đội ngũ nhân lực này phải được trang bị bài bản những kiến thức cơ bản và chuyên sâu về kinh tế học, kinh tế đối ngoại, tài chính công và quy trình chính sách công song song với những hiểu biết sâu về hoạt động của khu vực doanh nghiệp, làm cơ sở gắn kết giữa quản lý nhà nước về các lĩnh kinh tế, tài chính, các ngành - lĩnh vực trong phát triển ở bình diện vĩ mô với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp trong mọi thành phần kinh tế. Đội ngũ nhân lực này đồng thời sẽ là nền tảng để góp phần nâng cao độ phù hợp trong quy trình quản lý, quy trình thực thi chính sách giữa các cấp quản lý với khu vực doanh nghiệp và xã hội. Một cách tiếp cận khác, đội ngũ nhân lực được đào tạo ở các trường đại học theo hướng đào tạo phục vụ doanh nghiệp lại không thực sự được trang bị đầy đủ những kiến thức, kỹ năng quan sát xu thế kinh tế vĩ mô liên quan đến lĩnh vực mà mình đang thực hiện ở doanh nghiệp, điều này càng cho thấy nhu cầu đối với nhân lực được trang bị cả kiến thức, kỹ năng ở tầm vĩ mô và vi mô là rõ rệt.

Quan sát các trường đại học đào tạo về kinh tế và quản lý ở Việt Nam, một trong số ít các trường đại học đào tạo theo hướng này là Học viện Chính sách và Phát triển (APD) - một trường đại học công lập được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập năm 2008. Học viện là một cơ sở đào tạo và nghiên cứu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư-cơ quan tham mưu quan trọng của Chính phủ về Kế hoạch và Đầu tư, với quy mô đào tạo nhỏ, môi trường và chương trình đào tạo tiên tiến, phục vụ nhu cầu nhân lực quản lý nhà nước về hoạch định, phân tích chính sách tài chính của Nhà nước như quản lý ngân sách, quản lý thuế, nợ công; về hoạch định, phân tích và thực thi chính sách công; về quản lý công tác quy hoạch phát triển; về quản lý kinh tế quốc tế và đầu tư quốc tế; về quản lý dự án, quản lý đầu tư, xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư, kế hoạch phát triển và về quản trị doanh nghiệp.

Cơ sở đào tạo của Học viện Chính sách và Phát triển
Cơ sở đào tạo của Học viện Chính sách và Phát triển.

Học viện Chính sách và Phát triển có chương trình đào tạo tiên tiến được xây dựng trên sự tham vấn ý kiến các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực kinh tế, chính sách, tài chính và đầu tư kết hợp với việc đối chiếu với các chương trình đào tạo cùng lĩnh vực cập nhật nhất của các trường đào tạo nổi tiếng ở nước ngoài về phát triển kinh tế và đầu tư nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng phủ rộng và chuyên sâu cho sinh viên, giúp sinh viên có khả năng thích ứng tốt nhất với môi trường làm việc quốc tế sau khi tốt nghiệp với trình độ tiếng Anh cao theo chuẩn quốc tế. Chương trình này được hướng dẫn và giảng dạy bởi các giảng viên nhiệt huyết, nhiều kinh nghiệm, có kiến thức và kỹ năng cập nhật kết hợp với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong từng lĩnh vực kiến thức và kỹ năng tương ứng, những người đang công tác thành công ở các vị trí chuyên môn khác nhau ở các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Các chuyên gia quốc tế cũng sẽ được mời dưới nhiều hình thức để cùng tham gia hướng dẫn và tập huấn cho sinh viên Học viện. Hơn nữa, sinh viên của Học viện được bố trí đi thực tế hai tuần ngay từ năm thứ hai của chương trình học, giúp các em xác định rõ kế hoạch trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết trong quá trình học ở những năm tiếp theo tại Học viện. Học viện áp dụng chương trình trang bị kỹ năng mềm chuyên nghiệp và sôi động, giúp sinh viên trang bị kỹ năng toàn diện trong quá trình học tập tại trường, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của các nhà tuyển dụng.

Cơ sở đào tạo của Học viện được toạ lạc ở toà nhà 17 tầng - là cơ sở nghiên cứu và đào tạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong khu đô thị Cầu Giấy, Hà Nội. Cơ sở đào tạo của Học viện được thiết kế hệ thống điều hòa trung tâm; hệ thống cửa kính cách âm và cách nhiệt để đảm bảo môi trường học tập yên tĩnh; hệ thống đèn chiếu sáng đồng bộ đảm bảo ánh sáng tiêu chuẩn tại giảng đường; hệ thống cửa đi được làm bằng gỗ; các lớp học được trang bị máy chiếu overhead; toàn bộ khu giảng đường được lắp đặt hệ thống Wifi tốc độ cao để phục vụ việc cập nhật các thông tin cho sinh viên và giảng viên. Cùng với hạ tầng tốt đảm bảo cho công tác giảng dạy và nghiên cứu, trụ sở của Học viện Chính sách và Phát triển còn đứng chân trên địa bàn có hạ tầng giao thông thuận lợi, cảnh quan đẹp, không khí trong lành, gần các trường đại học lớn như: ĐH Sư phạm; ĐH Ngoại ngữ; ĐH Thương mại; ĐH FPT, v.v. Đây là điều kiện tốt để tạo ra sự giao lưu, liên kết trong học tập và sinh hoạt của cộng đồng sinh viên.

Năm 2013, Học viện tuyển sinh Khoá 4, đại học chính quy cho năm ngành đào tạo: Kinh tế, Chính sách Công, Kinh tế Quốc tế, Tài chính Ngân hàng và Quản trị Doanh nghiệp. Thông tin thêm về ngành học, chỉ tiêu, học phí… của Học viện Chính sách và Phát triển xin xem thêm tại website: http://apd.edu.vn hoặc trong quyển “Những điều cần biết về tuyển sinh 2013” của Bộ Giáo dục và Đào tạo phát hành.

Video giới thiệu về Học viện Chính sách và Phát triển tại đây: