Chính sách khởi nghiệp thiếu khung lý thuyết mang tính khoa học

(Dân trí) - Các chương trình, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp hiện nay đang thiếu một khung lý thuyết mang tính khoa học. Nhiều đại biểu đưa ra nhận định này tại hội thảo quốc tế Khởi tạo Doanh nghiệp cho sinh viên các trường ĐH, CĐ trên địa bàn TPHCM do Sở GD-ĐT TPHCM và Trường ĐH Sài Gòn tổ chức ngày 18/12.

Với tham luận tại hội thảo, Thạc sĩ Trẩm Bích Ngọc, Trường ĐH Sài Gòn chỉ ra những thực trạng khởi nghiệp tại các trường đại học Việt Nam. Theo đó, nhờ chính sách của nhà nước khuyến khích hỗ trợ khởi nghiệp đã có, các trường đại học chú trọng hơn trong việc đào tạo khởi nghiệp cho sinh viên (SV). Tuy nhiên, có thể thấy hầu hết những hoạt động này đều chưa mang lại hiệu quả cao, SV được truyền cảm hứng nhưng đó chỉ là cảm xúc nhất thời, các dự án khởi nghiệp phần lớn vẫn nằm trên giấy chứ khó đưa vào thực tế.

Các chuyên gia tại các trường ĐH chia sẻ về vấn đề hởi tạo Doanh nghiệp cho sinh viên các trường ĐH, CĐ
Các chuyên gia tại các trường ĐH chia sẻ về vấn đề hởi tạo Doanh nghiệp cho sinh viên các trường ĐH, CĐ

Theo bà Ngọc, nguyên nhân có thể là vì sự hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp vẫn còn ở mức độ thấp, chủ yếu chỉ dừng lại ở việc đưa SV đến thực tập hoặc doanh nghiệp cấp học bổng cho SV trường, hỗ trợ trường mua thiết bị… Điều này khiến cho những dự án của SV chưa mang tính thực nghiệm cao và đòi hỏi sự hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp ở mức độ sâu hơn.

Chẳng hạn như: tuyển các nhà khoa học từ đại học vào làm tại doanh nghiệp theo thời hạn; doanh nghiệp tham gia hội đồng tư vấn chuyên môn trong trường đại học; khai thác giá trị thương mại từ các nghiên cứu theo các hợp đồng chuyển giao công nghệ; xây dựng công viên khoa học công nghệ; trường thành lập các công ty (sở hữu một phần hoặc toàn bộ) để đầu tư nghiên cứu, thí điểm, sản xuất thử; trường xây dựng trung tâm ươm tạo doanh nghiệp... Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) chưa được nhiều trường chú trọng, dẫn đến các giảng viên hầu như chỉ tập trung vào giảng dạy chứ chưa có nhiều động lực trong nghiên cứu, điều này dẫn đến việc hỗ trợ SV khởi nghiệp cũng bị xem nhẹ.

Đông đảo chuyên gia trong và ngoài nước tham dự hội thảo bàn chuyện khuyến khích khởi nghiệp
Đông đảo chuyên gia trong và ngoài nước tham dự hội thảo bàn chuyện khuyến khích khởi nghiệp

Bà Ngọc cho rằng, thực tế cho thấy, khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ nói riêng có tỷ lệ thành công khá thấp (dưới 50%); điều này cho thấy quá trình khởi nghiệp chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn và sóng gió. Chính vì vậy, người khởi nghiệp cần trang bị cho mình không chỉ kiến thức, mà còn cả ý chí kiên định và khát khao thành công. Do đó, sinh viên là giai đoạn tốt nhất để tiếp thu những kiến thức và kỹ năng đó. Điều này đặt ra trọng trách quan trọng cho các trường đại học nhưng nếu trường đại học làm đơn lẻ một mình thì kết quả đạt được chắc chắn sẽ không cao.

Thạc sĩ Bích Ngọc đề xuất, "các trường đại học cần tích cực hơn nữa trong việc hợp tác với các doanh nghiệp; trong đó, cần cố gắng xây dựng mô hình spin-off đang khá phổ biến ở các nước phát triển để thương mại hóa các công trình nghiên cứu khoa học và đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ giữa trường đại học và doanh nghiệp. Khi kết quả nghiên cứu khoa học có thể đem lại lợi nhuận và mang tính ứng dụng thì mới khuyến khích các nhà nghiên cứu tích cực hơn nữa trong việc tìm ra cái mới, nhiệt huyết hơn trong việc hỗ trợ và hướng dẫn sinh viên, cũng như giúp trường đại học nâng cao uy tín của mình trong mắt các doanh nghiệp nói riêng và xã hội nói chung. Điều này không chỉ giúp việc hợp tác với doanh nghiệp dễ dàng hơn trong tương lai mà còn tạo động lực cho SV trong vấn đề khởi nghiệp".

Trong khi đó, nghiên cứu sinh Trần Thiên Trà, Trường Quản lý Việt Pháp (CFVG), cùng với nhóm nghiên cứu cho rằng các chương trình, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp hiện nay đang thiếu một khung lý thuyết mang tính khoa học. Do đó, nhóm nghiên cứu đã đề xuất một khung lý thuyết làm nền tảng cho việc xây dựng các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam. Cụ thể, khung lý thuyết bao gồm hai nhóm yếu tố liên quan đến các thể chế chính thống và phi chính thống.

Bà Trần Thiên Trà cho biết: “Với khung lý thuyết này, Chính phủ hoặc những nhà hoạch định chính sách khi đưa ra chính sách có thể kiểm tra những yếu tố này có quan trọng hay không, mình có bỏ sót một yếu tố nào quan trọng, yếu tố nào chưa tính đến hay không. Khi có một khung lý thuyết, mình sẽ phát triển các chương trình hỗ trợ. Nhóm mình cũng đề xuất cần nghiên cứu về thực nghiệm, có thể đo lường mức độ tác động của từng yếu tố lên các hoạt động khởi nghiệp”.

Bà Trần Thiên Trà cũng chia sẻ thêm, hiện các NCKH về vấn đề khởi nghiệp của Việt Nam đang rất thiếu. Các chính sách hay chương trình về khởi nghiệp được đưa ra thiếu cơ sở NCKH, bài bản để làm nền tảng.

Hiện nay, hầu hết các nghiên cứu về khởi nghiệp chủ yếu về ứng dụng mà ít nghiên cứu để tìm ra cơ sở lý thuyết, nền tảng vững vàng cho vấn đề khởi nghiệp. Trong khi đó, chính khung lý thuyết này mới giúp cho các chính sách về khởi nghiệp mang tính bền vững.

Lê Phương