“Chiến thuật” dạy con tự lập

Thời “con vàng con bạc”, nhiều ông bà cha mẹ xót con lại sẵn điều kiện khá giả nên thuê người giúp việc “phục vụ” con từ A đến Z; hệ quả là những chú “gà công nghiệp” vụng về và ỷ lại ra đời. Cũng may, nhiều bậc phụ huynh chịu khó "lội ngược dòng" để rèn con nên người.

Như nhiều bậc phụ huynh khác, vợ chồng anh Tiến - chị Hương (Quán Thánh, Hà Nội) mong cho con mình điều kiện sống tốt nhất. Gia đình làm kinh doanh nên vợ chồng anh rất bận bịu, ít thời gian quan tâm các con. Hai vợ chồng đầu tư thuê người giúp việc, thuê gia sư, thậm chí thuê cả xe ôm đưa đón con đi học lẫn đi chơi; cho con tiền tiêu vặt cũng như đáp ứng mọi yêu cầu của chúng trong cuộc sống. Có lẽ vì thế nên hai đứa trẻ lớn đầu mà cứ như “gà công nghiệp” và đặc biệt, chúng rất lười: Cơm dọn tận nơi, còn phải giục chán chê con mới chịu ăn, việc học hành, ngủ nghỉ, đều phải có người đe nẹt, nhắc nhở chúng mới chịu miễn cưỡng làm…

Trong lần đưa các con về quê thăm ông bà nội, anh Tiến được bố phê bình nghiêm khắc vì dạy con không đến nơi đến chốn. “Cha nhắc tôi đã nuông chiều, làm hư các con. Chúng èo uột hơn các anh chị em cùng lứa nhiều, ứng xử kém. Chúng không biết giúp đỡ, thông cảm với mọi người, hoàn toàn lạnh nhạt với người thân. Đặc biệt, chúng chẳng biết tự làm bất kì việc nhỏ nào. Nghe cha nói, tôi như tỉnh ngộ.” - anh nhớ lại.

Vợ chồng anh quyết định “đưa bọn trẻ vào khuôn khổ”. Nhà vẫn thuê người giúp việc, nhưng anh chuyển hẳn nhiệm vụ dọn phòng riêng và cọ rửa nhà vệ sinh cho hai con. Lần lượt, những việc nhà khác vợ chồng anh cũng chú ý để cùng làm với các con vào cuối tuần.

Kỳ nghỉ hè năm đó của các con, thay vì đưa cả nhà đi du hí ở các khu nghỉ mát, anh đưa chúng về quê cả tháng để sống “cách ly” bố mẹ lẫn cách ly khỏi đời sống quá tiện nghi. Khi “bàn giao” con cho ông bà, anh thoả thuận: “Bọn trẻ phải tự làm hết mọi việc nhà, việc cá nhân; lẫn giúp đỡ ông bà việc vườn tược đồng áng”.

Tuần đầu tiên đúng là tuần đau khổ của công chúa hoàng tử nhà anh. Bọn trẻ gọi điện kêu ca việc phải lao động nặng nhọc, đen cháy đi vì lê la ngoài đồng, người đầy vết tích của muỗi đốt hay xước xát, và nằng nặc đòi bố mẹ đón về. Tuần thứ hai, nghe ông bà kể hai con anh đã tiến bộ không ngờ. Hết một tháng, hai cục bột trắng bóc của anh đã thành hai hòn than đen sì nhưng rạng rỡ và ra dáng người lớn rất nhiều.

Nhìn con thoăn thoắt giúp đỡ mọi người trong nhà, tự tính toán việc cào thóc phơi ngoài sân khi trời đen mây, hối hả dọn dẹp đồ đạc, thoăn thoắt hái rau ngoài vườn và tự đứng bếp vài món đơn giản, anh thở phào nhẹ nhõm. Hoá ra cuộc sống xa bố mẹ lại dạy cho con anh nhiều điều mà hơn chục năm trời các con chưa học được.

Cuộc sống nội trú rèn luyện tính ngăn nắp và kỷ luật
Cuộc sống nội trú rèn luyện tính ngăn nắp và kỷ luật.

Cùng hoàn cảnh như anh Tiến, gia đình chị Phượng (Hoàng Mai, Hà Nội) đã quyết tâm cho cậu con trai quý tử theo học nội trú ngay từ lớp 10, vì chị tin rằng trường nội trú là môi trường lý tưởng để đứa trẻ rèn luyện và phát huy sự độc lập.

Theo chị Phượng, ở nước ngoài, đứa trẻ 15 tuổi đã có thể tự sắp xếp không gian riêng, cuộc sống riêng, thậm chí là ra ở riêng. Là một người có lối suy nghĩ hiện đại, chị tin việc học nội trú giúp đứa trẻ tự chủ hơn trong cuộc sống, có thêm nhiều trải nghiệm cũng như rèn luyện bản thân chín chắn, chững chạc trước những khó khăn.

“Học nội trú, con gần như được tách khỏi cha mẹ. Cháu sẽ phải học cách xoay sở với những tình huống phong phú trong cuộc sống, học cách quản lý thời gian, chi tiêu, tự mình làm nhiều việc. Con cũng sẽ trải nghiệm cảm giác thiếu vắng sự săn sóc của cha mẹ, mà từ đó trân trọng hơn tình cảm gia đình. Hơn nữa, con cũng sẽ học được nhiều điều bổ ích từ chính bạn bè mình trong điều kiện 24/24 ở cùng các bạn” - chị Phượng lý giải về lựa chọn của mình.

Chưa biết thực tế đáp ứng mong đợi của chị đến đâu, nhưng sau gần một năm học, chị Phượng đã phấn khởi “khoe” trên Facebook những cuối tuần gia đình đoàn tụ được con trai trổ tài nấu ăn; con chủ động nhờ mẹ dạy cách ủi, là quần áo… Trước kia, có thời gian rảnh là con lại bỏ vào phòng riêng ngồi với cái máy tính, bây giờ thì trái lại, lúc nào cũng quấn lấy bố mẹ, hào hứng kể chuyện này, chuyện kia.

“Cho con đi học nội trú, tôi đã phải đấu tranh nhiều vì những lúc nhớ và lo lắng khi phải xa con. Nhưng đến giờ thì tôi đã hoàn toàn yên tâm khi nhìn thấy con trưởng thành, khôn lớn từng ngày.” - chị tự hào chia sẻ.

Một giờ học Công nghệ đòi hỏi tự thân vận động của học sinh nội trú THPT FPT
Một giờ học Công nghệ đòi hỏi tự thân vận động của học sinh nội trú THPT FPT.

Chị Phượng cũng cho biết, ở Hà Nội hiện tại mới chỉ có 2 trường cho học sinh Hà Nội học nội trú. Cất công tìm hiểu và cuối cùng tin tưởng cho con lên Khu CNC Hoà Lạc học nội trú, giờ chị đã thấy an nhàn và yên tâm hơn rất nhiều khi thấy con mình tự lập gấp bội. “Một năm theo dõi quá trình trưởng thành của con khi đi học nội trú, ông xã tôi còn tự tin: “Giờ thì vứt vào môi trường nào, con cũng sống khoẻ re. Còn tôi thì chỉ hạnh phúc vì chọn cho con được ngôi trường tốt.”, chị cởi mở chia sẻ.