Chia sẻ của Thạc sĩ ĐH Harvard nhân vụ “thủ khoa nuôi lợn”

(Dân trí) - Bà Đào Thu Hiền (Thạc sĩ ĐH Harvard, Mỹ) nhấn mạnh, bất kỳ ai cũng có thể chọn sai nghề hay không may gặp thời thế thay đổi, dẫn tới thất nghiệp. Nhưng khi còn trẻ là lúc dễ làm lại hoặc thử cái khác nhất. Miễn là có quyết tâm và nghị lực.

Mấy hôm nay nghe chuyện nữ thủ khoa Sư phạm không tìm được việc về nhà nuôi lợn chờ thi tuyển giáo viên làm mình nghĩ tới một (trong những) trải nghiệm khủng hoảng của bản thân. Hồi học cấp 3 mình chẳng biết gì về chọn ngành chọn nghề và cũng không được hướng nghiệp gì nhiều.

Khi lên đại học, mình thích tiếng Anh nên chọn trường có khoa tiếng Anh tốt nhất để học. May năm ra trường kinh tế đang mở cửa, đi xin việc chỉ cần có tiếng Anh, không mấy ai hỏi học ngành gì. Thêm một cái may nữa là mình thích viết và lại gặp đúng hãng báo chí cần người, thế là học được nghề đưa tin. Sau này dùng kinh nghiệm đó đi xin học bổng học báo chí, lấy bằng cấp.

Nhưng may mắn cũng chỉ dừng lại ở đó: khi không nhìn thấy tương lai của nghề báo và mình muốn chuyển nghề thì chẳng biết xin việc gì với cái bằng Cử nhân Sư phạm chưa đi dạy bao giờ và bằng Thạc sỹ báo chí với 8 năm làm báo. Đi đâu, gặp ai, cũng bảo mình nên đi làm PR. Mặc dù đã 5 năm đưa tin tài chính, hiểu rõ thị trường chứng khoán, các công cụ tài chính, các quy định nhà nước, và các hình thức đầu tư, nhưng mình không có bằng cấp về tài chính, không ai thuê mình làm gì liên quan.

Hồi đó mình tiếc lắm, tiếc là lúc học đại học không học ngành gì đó “cơ bản” hơn như Khoa học, Kinh tế, Kỹ thuật… có nền tảng rộng để làm được nhiều việc hơn. Chuyên môn dạy tiếng Anh mà không đi dạy hay viết lách thì còn làm gì được nữa. Tóm lại là mình bị khủng hoảng mất một thời gian. Cuối cùng quyết định vác sách đi học thêm Kinh tế Vi mô vào buổi tối và một thời gian sau nghỉ làm báo đi xin thực tập không lương tại Ngân hàng Thế giới. Sau gần 1 năm, mình quay lại học bằng quản lý và chuyển sang làm quản lý tài chính.

Sau này nói chuyện với các bạn trẻ mình hay kể chuyện mình đã làm lại từ đầu không chỉ 1 mà 2 lần như thế nào. Mình nói rằng bất kỳ ai cũng có thể chọn sai nghề hay không may gặp thời thế thay đổi, dẫn tới thất nghiệp. Nhưng khi còn trẻ là lúc dễ làm lại hoặc thử cái khác nhất. Miễn là có quyết tâm và nghị lực.


Tác giả bài viết - Đào Thu Hiền, Thạc sĩ tại ĐH Harvard.

Tác giả bài viết - Đào Thu Hiền, Thạc sĩ tại ĐH Harvard.

Theo mình, quyết tâm và nghị lực thôi chưa đủ. Cái giúp bạn “quẳng đâu cũng sống tốt” còn là ở những kỹ năng và năng lực quan trọng khác. Khi điều gì không xảy ra như dự định, kỹ năng xử lý tình huống giúp ta giải quyết vấn đề để đạt mục tiêu. Còn khi cuộc sống không diễn ra như mong muốn hay mang đến thử thách chưa gặp bao giờ, khả năng thích ứng, dám lĩnh hội rủi ro và sự bền bỉ giúp chúng ta nhìn ra cơ hội và biến cái rủi thành cái may.

Cha mẹ nên giúp con xây dựng những kỹ năng này từ nhỏ. Trong gia đình, nên cho con tham gia công việc nhà và tập tự làm các việc cho mình, tới trường nên được thử thách và được thất bại, ngoài giờ được rèn luyện qua các hoạt động thể lực, ngoại khoá… Ở bậc đại học, các trường cũng cần thay đổi cách đào tạo và đánh giá sinh viên. Thay vì tuyên dương sinh viên qua các bài thi đạt điểm cao (thủ khoa), nhà trường cần chú trọng hơn các dự án có tính thực tiễn hay các vị trí thực tập thật sự, giúp thử thách sinh viên trong các kỹ năng làm việc, phối hợp, xây dựng quan hệ, tư duy sáng tạo, và tìm giải pháp cho các vấn đề thực tế trong xã hội. Có như vậy các em mới thực sự chuẩn bị tốt để bước ra đời.

Bà Đào Thu Hiền - tác giả bài viết - từng học Thạc sĩ tại ĐH Harvard từ 2003 - 2005 và học tại ĐH Columbia từ 1997 - 1998. Bà từng làm việc tại Sở Tài chính New York và văn phòng thị trưởng New York trong giai đoạn 2005 - 2011. Trước đó, tác giả Đào Thu Hiền làm báo cho Bloomberg và AP.

Bà Hiền từng là cố vấn cho các Sở Giáo dục tại Mỹ về cải tổ giáo dục trong giai đoạn 2010-2012.

Đào Thu Hiền

(Thạc sĩ ĐH Harvard)