Chi tiết "Thánh Gióng tắm hồ Tây": Do thiếu thận trọng khi chọn ví dụ

(Dân trí) - Nhà giáo Nguyễn Hùng Vỹ, giảng viên khoa Văn học (ĐH KHXH&NV-ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng: “Tôi không cho việc chọn đoạn trích chi tiết "Thánh Gióng tắm hồ Tây" là lỗi mà là thiếu kinh nghiệm sư phạm, thiếu thận trọng khi chọn ví dụ. Có thế mới sinh ra dị nghị xôn xao”.

Liên quan đến trích dẫn với chi tiết “Thánh Gióng tắm hồ Tây” trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 5 khiến nhiều phụ huynh băn khoăn, để hiểu rõ hơn về việc trích dẫn chi tiết “Thánh Gióng tắm hồ Tây” trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 5 mà dư luận đang xôn xao, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với nhà giáo Nguyễn Hùng Vỹ - chuyên gia văn học dân gian, giảng viên khoa Văn học (ĐH KHXH&NV-ĐH Quốc gia Hà Nội) về vấn đề này.

Biên soạn sách giáo khoa: Cần chọn kiến thức phù hợp với lứa tuổi
Nhà giáo Nguyễn Hùng Vỹ - chuyên gia văn học dân gian, giảng viên khoa Văn học (ĐH KHXH&NV-ĐH Quốc gia Hà Nội).
 
Ông đánh giá như thế nào về việc đưa phần trích dẫn của nhà văn Nguyễn Đình Thi vào sách Tiếng Việt dạy học sinh lớp 5 mà không có chú thích đầy đủ?
 
Có chú thích xuất xứ đầy đủ là một điều tốt và nên làm. Nhưng tùy theo mục đích và tính chất của loại sách mà cần đầy đủ hay không đầy đủ. Một sách giáo khoa lớp 5 có khi không cần đến mức như một luận văn in ở các tạp chí nước ngoài, một ví dụ cho bài tập về vấn đề ngữ pháp không cần như một chứng cứ tòa án.

Điều đáng nói là trong trích dẫn có 2 sai sót nhỏ là "nước nhà" hay "quốc gia" hay "Quốc gia", phần trong ngoặc đơn trong tác phẩm Nguyễn Đình Thi được bỏ đi mà không có dấu hiệu bỏ. Nhưng cái đó chỉ nhỏ thôi, sơ ý về thao tác.

Ông có ý kiến gì về việc nhiều phụ huynh băn khoăn khi phần trích dẫn dễ gây hiểu lầm đến truyền thuyết Thánh Gióng?

Băn khoăn của học sinh, phụ huynh là có thật, làm thế nào một trích dẫn vào sách giáo khoa không gây ra những dị nghị không đáng có, không cần thiết. Khi đã có dị nghị, cần thiết phải nghiên cứu, tiếp thu, sửa chữa. Làm việc này dễ thôi nếu là thực tâm vì việc chung.
 
Đây là sách dạy thử nghiệm.
Đoạn trích dẫn tác phẩm “Sức sống của dân Việt Nam trong ca dao và cổ tích” của nhà văn Nguyễn Đình Thi trong cuốn sách Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5, bài “Liên kết câu bằng từ ngữ thay thế”. (Ảnh: Thái Bá)

Việc xuất hiện đoạn trích với chi tiết “Thánh gióng tắm hồ Tây” có phải là sơ suất của người biên soạn hay không, thưa ông?

Cách đây đúng 40 năm, chúng tôi ngồi học giáo trình từ vựng tiếng Việt do Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn giảng dạy. Khi đưa chép ra một ví dụ lên bảng, cụ cao hứng quay ra nói: Các anh có biết tại sao tôi chép ra ví dụ này không, nó đơn giản quá phải không? Giáo trình đấy, ta hay Tây đều đúng cái ví dụ này, ai cũng vậy, các anh đọc sách mà xem. Sao chép của nhau chắc. Thưa không! Vì nó là ví dụ cơ bản. Hiểu chưa!

Rồi cụ nói tiếp: Cái giỏi của anh thầy là đưa ví dụ. Quy luật, định đề bao giờ cũng súc tích, ngắn gọn, ai chả thuộc ngay. Nhưng vấn đề là muốn hiểu thì phải có ví dụ. Nhưng ví dụ có rất nhiều loại, có nhiều cách đưa.

Một, ví dụ cơ bản, loại này dành cho giáo khoa, giáo trình, phải điển hình, đúng mục tiêu, đơn giản, dễ hiểu, phải nhằm vào trọng tâm của qui luật hay định đề mình định trình bày.

Hai, ví dụ mở rộng, là ví dụ tiếp theo cũng một vấn đề đó nhưng mở rộng nhằm mục đích nhắc lại, mục đích dành cho những sự phong phú của thực tế và để học trò nói rằng, thầy chỉ biết "đọc" giáo khoa.

Ba, ví dụ ứng xử, dạy chính qui đưa ví dụ khác, dạy tại chức đưa ví dụ khác, đi nói chuyện đưa ví dụ khác, giáo viên trẻ ví dụ khác, giáo viên già dùng ví dụ khác, như thế người nghe mới tin mà chăm chú vào mình.

Bốn, ví dụ tương tác, khi lớp vui đưa ví dụ này, khi lớp buồn dùng ví dụ kia, lớp lộn xộn đưa ví dụ dễ tranh cãi cho họ đối thoại với nhau và với thầy,thiết lập lại sự chú ý.

Năm, ví dụ độc quyền, anh thầy thử lấy một số ví dụ đắc địa nhất, độc đáo nhất, công phu nhất làm vốn riêng mà dạy, chưa vội in báo, tạp chí. Bao giờ kiếm được cái hay hơn thì mới in cái trước ra. Anh bao giờ cũng khiến người ta tò mò, người ta chú ý.

Lời thầy tôi dạy tôi nhớ vậy. Tôi cho đó là kinh nghiệm của một người rất lão thực.

Nói dài như vậy là để quay lại với cái cách soạn giả sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5 đã đưa đoạn trích của nhà văn Nguyễn Đình Thi vào để ta thấy cái được và cái chưa được, để ta hiểu sao nhiều người dị nghị đến thế, nhiều hơn hẳn người bao biện cho nó.

Theo tôi, đoạn văn trích dẫn đó được đưa ra với mục tiêu rõ ràng là dạy cho học trò hiểu cách "liên kết câu bằng từ ngữ thay thế", đồng thời nó hướng đến việc học trò theo đó mà sáng tạo được một câu, một đoạn tương tự. Cái này thuộc về "ngữ pháp" và có liên quan đến "từ vựng" tiếng Việt.

Ở phía này, tác giả biên soạn đã thành công (trừ một vài sơ suất thao tác như tôi đã nói) vì đã chọn được một đoạn ngắn mà có đến 4 từ ngữ thay thế (Phù Đổng Thiên Vương, trang nam nhi, tráng sĩ, trai làng Phù Đổng...).

Nhưng khổ nỗi là, đã là câu hoặc đoạn văn thì nó chứa đựng thông tin "ngữ nghĩa". Ngữ nghĩa của nó là "tưởng tượng" của Nguyễn Đình Thi về Thánh Gióng khi "nghe" truyền thuyết rồi viết ra trong thời điểm 1944. Và ông đã tưởng tượng rất riêng, độc đáo và mạnh bạo.

Sự đặc biệt về "ngữ nghĩa" đó tạo ấn tượng mạnh mẽ với tất cả chúng ta, sẽ là ví dụ tốt nếu nằm trong một giáo khoa có tên môn là "Tưởng tượng học" và yêu cầu bài là hãy tưởng tượng sau khi nghe truyền thuyết.

Sự quá đặc biệt của "ngữ nghĩa" tạo ra nguy cơ vấn đề cần hướng tới là "ngữ pháp" có bị lu mờ, xuống hàng thứ yếu. Mà nó lu mờ thật, bằng chứng quá rõ là bao nhiêu người lớn hẳn hoi (qua ý kiến của hàng trăm bạn đọc), chủ yếu tranh luận về "ngữ nghĩa"(cả những người dị nghị và những người bao biện). Người lớn còn thế, học sinh lớp 5 sẽ như thế nào?

Ta tưởng tượng tương tác giữa cô và trò lớp 5. Ví dụ đưa ra, học trò ngỡ ngàng vì xưa nay đọc khác và văn này nghĩa khác. Từng tầng bậc câu hỏi tại sao và tại sao sẽ được đưa ra, toàn về "ý" và "nghĩa" đoạn trích thôi.
 
- Tại sao Thiên Vương lại chết?
 
- Là tưởng tượng của Nguyễn Đình Thi.
 
- Tại sao ông ấy lại tưởng tượng thế?
 
- Nhà văn có quyền tưởng tượng!
 
- Em có quyền tưởng tượng Thánh Gióng vui thú chơi diều giấy trên trời không?...
 
Ta thấy rằng tất yếu câu chuyện sẽ phải giải quyết bằng lí luận văn học về "người đọc" và năng lực xây dựng thế giới nghệ thuật riêng của "người đọc" thông qua tín hiệu ngôn ngữ của tác phẩm..., cái điều mà sinh viên chuyên ngành còn khó hiểu.

Vài tiết trôi qua mà cái mục đích, cái trọng tâm "ngữ pháp" không được chú ý, dẫn cô trò vào lạc đề khi dạy và học. Cái này rõ ràng là do thiếu thận trọng khi chọn ví dụ, lại là ví dụ cơ bản của giáo khoa.

Không phải gì thầy thạo, thầy thích, thầy khoái là đem làm ví dụ cơ bản được đâu. Điều này nó còn gắn với nghiệp vụ sư phạm, tâm lí sư phạm, tâm lí tiếp nhận lứa tuổi. Người soạn sách nhiều khi phải hoãn cái sự “tự sướng” lại để chọn cho khoa học hơn. Mà biển văn Việt Nam thiếu gì cái để chọn cơ chứ.

Như vậy tôi không cho việc chọn đoạn trích là lỗi mà là thiếu kinh nghiệm sư phạm. Có thế mới sinh ra dị nghị xôn xao chứ.

Nhiều người cho rằng, khi biên soạn sách giáo khoa đã không có sự chọn lọc kĩ càng về nội dung, đã có nhiều “thảm họa sách giáo khoa” xảy ra, ông có ý kiến gì về vấn đề chọn lọc nội dung khi đưa vào giảng dạy cho các em học sinh, đặc biệt là lứa tuổi tiểu học?

Tôi chưa bao giờ dùng cụm từ "thảm họa sách giáo khoa" vì tôi hay sưu tầm giáo khoa giáo trình có từ thời phong kiến đến nay. Cái nào cũng có mặt hay mặt dở. Có những cái vừa đọc vừa cười. Nhân vô thập toàn.

Tôi coi đó là bình thường. Chưa hoàn thiện, có nhiều dị nghị thì tiếp thu, xem lại mình, luôn luôn phản tỉnh, đặc biệt là đừng quá tự tin vào chuyên môn của mình mà tìm cách bao biện. Hướng tới sự tốt hơn, tốt hơn một tí thì mọi chuyện sẽ ổn dần. Mình có thể giỏi một lĩnh vực thôi, còn viết sách ra dạy thiếu niên nhi đồng thì cần nhiều chuyên gia giỏi trên nhiều lĩnh vực của khoa học sư phạm.

Tôi đọc các chuyên luận về Tâm lí học thế giới thì thấy rằng nghiên cứu tâm lí lứa tuổi học đường của chúng ta chưa là cái gì cả. Chọn một ví dụ vừa đúng chuyên môn vừa phù hợp lứa tuổi tiểu học là rất cần sự cẩn trọng.
 
Trân trọng cảm ơn ông!
 

Về đoạn trích của nhà văn Nguyễn Đình Thi trong sách Tiếng Việt lớp 5, thầy Trần Hinh - giảng viên khoa Văn học, Trường ĐH KHXH & NV Hà Nội cho rằng, vì là nhà văn nên tác giả trong một khoảnh khắc, bối cảnh nào đó có thể tưởng tượng ra những chi tiết như vậy, điều này không có gì sai. Tuy nhiên, những gì đưa vào sách giáo khoa thì phải chuẩn và phù hợp với truyền thống. Việc đưa chi tiết trên vào sách giáo khoa dễ gây nên hiểu lầm, không nên trích dẫn để đưa vào trong giảng dạy.

 

 

Lê Tú
 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!