Học sinh thành phố và học sinh nông thôn:

Chênh lệch rất lớn về chỉ số IQ

(Dân trí) - Đa số các trường học sinh có điểm số IQ cao là những trường ở khu vực thành phố. Học sinh có bố mẹ làm nghề nông có chỉ số IQ thấp hơn đáng kể học sinh có bố mẹ làm các nghề khác.

Nếu như chỉ số thông minh (IQ) của học sinh trường THPT Kim Bôi (Hoà Bình) chỉ đạt điểm trung bình 87,08 thì con số này tại trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) lên tới 106,67 và như vậy, sự chênh lệch chỉ số IQ giữa hai trường đã lên tới gần hai mươi lần.

 

Đó là kết quả nghiên cứu đề tài: “Phương pháp nghiên cứu chỉ số thông minh ở học sinh THPT”của Tiến sĩ Nguyễn Công Khanh thuộc trường ĐH Quốc gia Hà Nội đối với 1177 học sinh từ lớp 10 đến lớp 12 thuộc nhiều trường đại diện cho nhiều vùng miền trên phạm vi cả nước.

 

Chậm phát triển trí tuệ là những học sinh có điểm chuẩn IQ dưới 70. Số này chiếm khoảng 1,6%.

28,8% học sinh có điểm chuẩn IQ từ 70-89 thường là những học sinh có khó khăn trong các hoạt động học tập;

48,2% học sinh có điểm từ từ 90-109 là những học sinh có trí tuệ nhận thức ở mức bình thường;

14,4% từ 110-119 là những học sinh khá và các em này đều có khả năng đạt thành tích cao trong các hoạt động học tập nếu có điều kiện thuận lợi như sức khoẻ thể chất, điều kiện gia đình, nhà trường…

6,7% từ 120- 129 là những học sinh có năng khiếu cao trong các hoạt động đòi hỏi trí tuệ nhận thức, các em này thường là những học sinh xuất săc nếu có môi trường giáo dục thuận lợi và động cơ học tập đủ mạnh, các em có thể trở thành những tài năng trong tương lai.

Chỉ có 0,3 % học sinh đạt mức chỉ số trên 130. Đó là những học sinh được xem là “thần đồng”.

Cũng theo kết quả nghiên cứu khi phân tích điểm IQ trên mẫu học sinh này cho thấy học sinh từ lớp 10 đến lớp 12 có sự tăng không đồng đều. Điểm IQ tăng đáng kể ở giai đoạn giữa lớp 10-11 và không tăng giữa lớp 11-12. Nếu tính tương ứng theo lứa tuổi thì điểm IQ tăng đáng kể ở giai đoạn giữa tuổi 16-17, không tăng giữa tuổi 17-18 và đạt đỉnh cao nhất vào tuổi 17.

 

Trong khi chỉ số IQ giữa học sinh nam và học sinh nữ hầu như không có sự khác biệt đáng kể thì lại có sự chênh lệch rất lớn về chỉ số IQ giữa học sinh thành phố và học sinh nông thôn. Cùng đó, sự khác biệt về IQ còn có nguồn gốc từ gia đình, học sinh có bố mẹ làm nghề nông có chỉ số IQ thấp hơn đáng kể so với học sinh có bố mẹ làm các nghề khác.

 

Theo các chuyên gia, sự khác biệt này là do môi trường gia đình ở nông thôn không có nhiều thuận lợi cho sự phát triển nhận thức, các hoạt động nhận thức không được khuyến khích. Do bố mẹ làm nghề nông thường có học vấn thấp, hiểu biết hạn chế, điều kiện vật chất khó khăn.

 

Tuy nhiên, không loại trừ có những học sính cả bố và mẹ đều làm ruộng, trình độ học vấn thấp, điều kiện vật chất khó khăn nhưng họ biết sớm tạo ra môi trường có nhiều những cơ hội để phát triển những kỹ năng, thói quen học tập tốt, tự giác ham học… đặc biệt, họ luôn biết cách động viên, khuyến khích con cái học tập và chính sự hỗ trợ đắc lực này từ cha mẹ đã giúp phát triển nhanh trí tuệ nhận thức của các em.

 

 

Châu Bi