Châu Âu: Sinh viên quốc tế mắc kẹt giữa tâm dịch Covid-19

(Dân trí) - Theo các trường ĐH ở châu Âu, việc các quốc gia châu Âu đóng cửa biên giới và nỗi lo nhiễm bệnh khiến nhiều sinh viên quốc tế tại “lục địa già” phải ở nguyên tại chỗ với một tâm lý hết sức lo lắng.

Châu Âu: Sinh viên quốc tế mắc kẹt giữa tâm dịch Covid-19 - 1

Các nước châu Âu đóng cửa biên giới khiến sinh viên quốc tế mắc kẹt giữa tâm dịch Covid-19. Ảnh:  Times Higher Eduation

Thông tin từ các nhóm sinh viên quốc tế cho thấy nhiều sinh viên trao đổi đang bị mắc kẹt ở châu Âu do đại dịch Covid-19. Tất cả các chuyến bay đã bị hủy bỏ và các nước đã đóng cửa biên giới, tạo nên tâm lý phân vân không biết nên đi hay nên ở giữa nhóm sinh viên xa nhà này.

Lo lắng trước điều kiện kinh tế và sức khỏe của sinh viên quốc tế hiện đang trong tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, nhiều người cho rằng các trường đại học chủ quản cần phải hỗ trợ nhóm đối tượng này càng nhiều càng tốt.

Tuy nhiên, về vấn đề di chuyển thì lời khuyên nói chung hiện nay là sinh viên quốc tế nên ở nguyên tại chỗ do việc di chuyển hiện đang rất khó khăn và có nguy cơ lây lan virus khi về nước.

Phó Chủ tịch Hiệp hội sinh viên châu Âu (ESU) Gohar Hovhannisyan mô tả tình trạng hiện nay là “rất, rất hỗn loạn”. Các hiệp hội thành viên đang nhận được rất nhiều câu hỏi mà theo Gohar Hovhannisyan là họ “hiện đang cố gắng đi tìm những câu trả lời không hề tồn tại”.

Theo Chủ tịch Mạng lưới sinh viên Chương trình trao đổi Erasmus (ESN) Kostis Giannidis, một vấn đề nảy sinh là rất nhiều nước đã thông báo cho sinh viên của họ về nước, nhưng nhiều sinh viên lại đang mắc kẹt giữa một bên là lời kêu gọi về nước và một bên là các quốc gia mình đang theo học hiện đã đóng cửa biên giới.

Trên thực tế, sinh viên vẫn có thể về nước, nhưng tâm lý hoang mang vẫn phổ biến do “có những kênh thông tin nhiễu loạn từ mỗi bên”. Một số sinh viên nhận được những hướng dẫn rất mâu thuẫn khi được cơ sở đào tạo chủ quản trong nước thông báo ở nguyên tại chỗ, nhưng chính quyền sở tại nơi đang theo học lại muốn họ về nước. Những thông tin này đang tạo nên một “mớ hỗn độn” cho cộng đồng sinh viên quốc tế.

Tình hình đang diễn biến rất nhanh và phức tạp và không nhóm sinh viên nào dám đưa ra hướng dẫn cho sinh viên vào thời điểm này. Tuy nhiên, ESN cho biết sinh viên quốc tế hiện đang ở đâu thì nên ở nguyên đó nếu có thể, trừ trường khác.

Theo ông Kostis Giannidis, điều tệ hại là di chuyển về nước hiện nay rất khó khăn. Nhiều điều khoản giới hạn di chuyển cũng đã được các nước đưa ra, trong đó có việc cấm trung chuyển ở một nước thứ ba.

Ngoài ra, sinh viên một số nước chỉ có thể về bằng máy bay do chính phủ của họ thuê riêng do không còn đường bay thương mại. Giá vé máy bay về nước cũng tăng cao và “sinh viên về nước còn có thể có nguy cơ nhiễm bệnh khi di chuyển”.

Giám đốc truyền thông Chương trình trao đổi học thuật Đức (Daad) Michael Harms cho biết: “Nếu là tôi, ở thời điểm hiện tại, tôi sẽ không về nước hay đi đâu cả”. Ông Michael Harms cũng nói rõ thêm rằng nếu về nước vào lúc này, tất cả sinh viên Đức đều sẽ bị cách ly. Còn theo bà Gohar Hovhannisyan thì sinh viên quốc tế cần phải “có quyền được về nước nếu muốn”.

Năm ngoái, chương trình Daad trao 145.000 suất học bổng cho sinh viên Đức và sinh viên quốc tế, nhưng năm nay chương trình này đã hủy bỏ tất cả các khoản học bổng hè của mình do Covid-19. Daad cũng cam kết sẽ hỗ trợ tài chính theo quyết định của sinh viên, dù là ở lại nước sở tại hay về nước.

Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) cũng thông báo sẽ “linh động tối đa” cho các chương trình của Erasmus và các chương trình liên quan để có thể kéo dài hoặc tạm hoãn.

Đối với sinh viên ở lại nơi đang học tập, các trường đại học chủ quản cần theo dõi chặt chẽ sức khỏe tâm lý của họ. Một số trường đã hỗ trợ sức khỏe tâm lý trực tuyến, nhưng hoạt động này vẫn còn chưa phổ biến.

Hữu Dương (theo Times Higher Education)