TT-Huế:

Chàng SV ráp thành công xe ô tô điện từ... đồ phế thải

(Dân trí) - Đang theo học chuyên ngành Quang học - Quang phổ khoa Vật Lý, ĐH Khoa học Huế, nhưng với niềm đam mê xe máy, chàng trai Nguyễn Thanh Việt (sinh viên năm 4) đã mày mò và lắp ráp thành công một chiếc xe ô tô điện từ đồ phế thải với giá rất rẻ.

Đam mê đồ điện tử
 
Với bản tính thích nghịch đồ linh tinh từ nhỏ, Nguyễn Thanh Việt đã chế tạo được rất nhiều đồ chơi cho riêng mình như quạt nhỏ, đèn học, máy điều hòa chạy bằng nước nhỏ, cân bằng thủy lực. Đặc biệt, đến năm lớp 10, khi có 1 chiếc xe đạp, em đã tìm cách “độ” ra xe đạp điện. Cắt gọt khung xe, tìm cách ráp động cơ vào… nhưng cuối cùng, vì thiếu kinh nghiệm nên làm hỏng luôn cả chiếc xe, phải đi bộ đến trường.

Cách đây 2 năm, khi đang học năm 2 Quang học - Quang phổ, ngành học chỉ liên quan đến chủ yếu các ứng dụng vào điện chiếu sáng, nhưng với tính thích tìm hiểu về động cơ điện, Việt đã mua những chiếc xe đạp điện bị hư hỏng nặng về sửa lại, và đi được rất “ngon lành”.

Sau khi thấy đủ điều khiện chế ra một chiếc ô tô điện, xe này lại thân thiện với môi trường nên Việt đã nung nấu phải làm ra được 1 chiếc xe trong mơ của mình.

Trong suốt 1 năm, em sưu tầm đồ vật cũ như vô lăng cũ từ các xe ô tô bỏ, gương trước từ kính trước chịu lực đã bị bể gần đi bỏ sọt rác , lốp xe từ xe Spacy, phuộc sau từ phuộc của xe Sirius, phuộc trước của xe Attila, bộ khung sườn chính từ thép ống có độ bền cơ học cao, chân đạp phanh và ga lấy từ chân phanh và số của xe máy… Lang thang đi tìm ở các xưởng xe, nhà người quen, qua bạn bè - không lúc nào là Việt cảm thấy nản chí trước ước mơ của mình.

Chiếc xe ô tô điện ban đầu của Việt chỉ có thế này.
Chiếc xe ô tô điện ban đầu của Việt chỉ có thế này.

Ở bộ phận mô tơ truyền chuyển động được lấy từ xe đạp điện qua, rất dễ kiếm. Tuy nhiên vì công suất xe máy điện bằng khoảng 1 phần 4 xe ô tô điện nên phải lấy khoảng 2 động cơ xe máy điện để tăng điện thế lên. Ngoài ra, chiếc ô tô điện cần 1 bộ vi-sai ở giữa trục 2 bánh để truyền chuyển động từ tín hiệu mô tơ phát đến.

Nhưng Việt đã nghĩ, tại sao lại không làm 2 mô tơ ở 2 bên bánh xe sau, khi truyền lực đẩy cho xe cũng như thế mà sẽ tiết kiệm được khoảng chi phí lớn. Nên em đã dùng 2 mô tơ DC truyền động độc lập cho 2 bánh xe sau mà không cần dùng đến hệ thống vi-sai như những chiếc ô tô khác. Vì thế, đã đơn giản hóa kết cấu chiếc xe. Đây là yếu tố nổi bật, tạo nên sự khác biệt với các chiếc xe khác.

Nguyễn Thanh Việt với chiếc ô tô điện đã thành hình đầu tiên của mình.
Nguyễn Thanh Việt với chiếc ô tô điện đã thành hình đầu tiên của mình.

Nguồn năng lượng điện để cung cấp cho xe chạy được lấy từ 4 bình ắc quy để dưới ghế ngồi với công suất 100 ampe 12 volt/ắc quy. Xe sẽ chạy được 100km khi sạc đầy 4 bình ắc quy này. Khi hết năng lượng, cần sạc ắc quy lại 5 tiếng đồng hồ. Đây là phần nhiều tiền nhất chiếc xe với giá 10 triệu đồng cho 4 bình. Nhưng em được các anh em chia sẻ, bán rẻ với giá 4 triệu.

Và tốc độ tối đa cho chiếc xe ô tô điện này là hơn 40km/h, khi cần có thể đẩy lên 55km/h. Bộ phận phanh cũng được em gia công kỹ với 3 phan: phanh trước lấy từ phanh đĩa xe máy, phanh sau là phanh bố xe máy và 1 phanh điện hỗ trợ thêm. Với chiều dài 2 mét, cao 1,5 mét, ngang 1,2 mét, chiếc xe nhỏ gọn đã bắt đầu chạy thử vào cuối năm 2012.

“Lần đầu chạy được, xe chỉ có trơ bộ khung, không khác chi một đống sắt vụn biết đi. Nhưng em rất mừng vì tất cả nguyên lý áp dụng vào đã thành công. Dù có một số trở ngại như phần ở vô lăng phải cưa đi cưa lại gần cả 5 lần mới vận hành được dễ dàng, ra đường em bị cảnh sát giao thông hỏi nhưng lúc mở khóa xe, đạp chân ga thấy đứa con cưng mình chạy bon bon thì mừng đến ứa nước mắt” - Việt tâm sự.

Chiếc xe gây lạ lẫm cho không ít người dân Huế
Chiếc xe gây lạ lẫm cho không ít người dân Huế. Hệ thống phần trước ô tô được tận dụng từ đồ phế thải như bóng đèn phản quang, đèn xi-nhan, sườn xe...

Sẽ đi du lịch Đông Nam Á cùng chiếc xe ô tô điện bảo vệ môi trường

Với hình dáng nhỏ nhắn, hơi thô vì chưa được tân trang bề ngoài kỹ, chiếc xe của Việt chạy ngoài đường được rất nhiều người chú ý, tò mò hỏi thăm. Em cũng đã chạy lên về quê ở thôn Nam Phổ Cần, xã Lộc An, huyện Phú Lộc, cách TP Huế hơn 30km nhiều lần. Xe leo đèo, vượt qua các chường ngại khá tốt. Bà con xóm làng thấy lạ bèn xin lên xe đi thử và rất khoái.

Trên xe có 2 chỗ ngồi, băng sau tuy còn chỗ nhưng được dùng làm nơi bỏ đồ. Một hệ thống âm thanh khá tốt có thể nghe nhạc tốt bằng USB và 1 màn hình xem tivi để giải trí lúc đi trên đường. Việt còn gắn vào 1 hệ thống báo động đề phòng kẻ cắp. Nếu cần để tăng thêm năng lượng, có thể lắp thêm tấm pin năng lượng mặt trời vào. Nhưng vì giá tiền cao và hiệu suất loại pin này chưa cao vì công nghệ sản xuất tại Việt Nam nên chỉ dùng ngang ắc quy là đủ.

Phần sau của xe.
Phần sau của xe.
 
Những mảng nhựa alu mát, rẻ tiền được tạo thành phần thân bao bọc xe
Những mảng nhựa alu mát, rẻ tiền được tạo thành phần thân bao bọc xe.
Xe ô tô điện độc đáo đang chạy trên đường phố Huế.
Xe ô tô điện độc đáo đang chạy trên đường phố Huế.

Được biết, Việt tham khảo các nguồn tài liệu ở trên các diễn đàn mạng nước ngoài là chủ yếu. Ngoài ra có 1 người anh làm trưởng nhóm ở công ty viễn thông ở Huế giỏi về kỹ thuật điện có giúp đỡ em thêm. “Xe em cũng không có chi đặc sắc so với những chiếc xe điện ô tô trước. Em chỉ thấy thích và suy nghĩ rồi tìm các công thức ở nhiều nơi để làm ra nó. Chừ, ngay bản vẽ thiết kế em không có cái nào nữa mà chỉ làm từ suy nghĩ” - Việt vui vẻ cho biết.

Hiện Việt cũng cho biết là giá 1 xe điện em được biết, rẻ thì cũng phải 70, 80 triệu đồng, xe đắt hơn thì trên 100 triệu. Có nằm mơ cũng không thể có số tiền như trên mà làm xe để thỏa mãn sở thích của mình được. Vì vậy phải tận dụng từ nguồn nguyên liệu phế thải, chắt chiu những mua sắm khác mà dồn sức cho “con cưng” của mình. Tổng số tiền 15 triệu đồng em làm xe là những đồng tiền em đi dạy kèm môn Lý lúc học đại học, và có thêm một ít xin ba mẹ để hoàn tất “giấc mơ xe ô tô điện”. Nếu làm lại 1 chiếc xe điện tương tự, em sẽ làm nhanh hơn với thời gian chỉ vài tháng. 

TS. Lê Văn Tuất, Trưởng Bộ môn Quang học - Quang phổ, khoa Vật lý, ĐH Khoa học Huế cho nhận xét về Việt: “Đây là một trong những sinh viên có trí tò mò và ham tìm tòi, khám phá. Nên em đã từ học vật lý cơ bản mà nhảy sang lĩnh vực kỹ thuật. Nếu nói sáng chế thì thật sự không phải vì không đảm bảo các bước như không có thiết kế, quy trình cụ thể. Và đây cũng không phải là một đề tài nghiên cứu khoa học. Nhưng nó ý nghĩa ở chỗ là chiếc xe đã chạy được. Vật liệu lắp ráp xe từ các nguồn nguyên liệu cũ, đã thải đi mua với giá tiền ít, làm lợi cho môi trường”.

Vô lăng được nối chuyển động với 2 sợi xích xe máy

Vô lăng được nối chuyển động với 2 sợi xích xe máy.
 
Tò mò trước chiếc xe ô tô điện xinh xắn.
Tò mò trước chiếc xe ô tô điện xinh xắn.

Việt cũng trăn trở khi thời gian tới, nếu có 1 cơ quan chuyên môn về thẩm định, cấp giấy phép hoạt động cho ô tô điện thì sẽ “chắp cánh” cho việc có nhiều loại xe thân thiên không gây ô nhiễm với môi trường này chạy trên đường phố.

Hiện đang có nhiều định hướng ở chàng sinh viên năng động và thông minh này, Việt cho biết sẽ dự định làm một chuyến đi du lịch trong hè 2013 (sau khi ra trường) kết hợp với tuyên truyền bảo vệ môi trường qua chiếc xe điện mình tự làm để khám phá bản thân. Hành trình sẽ là Huế - TPHCM - Campuchia - Lào - Quảng Trị - Huế với dự tính 20 ngày, vừa đi vừa sạc điện, mỗi ngày chạy 200km. Đi đến đâu sẽ ăn cơm bụi và xin ở nhà người dân đến đó để tiết kiệm chi phí.

Clip xe ô tô điện làm từ đồ phế thải:


Đại Dương