Chấm thi THPT quốc gia: Nhiều bài thi Ngữ văn từ 4,5 - 7 điểm

(Dân trí) - Một số giáo viên chấm thi tại tỉnh Hòa Bình cho biết, qua số bài thi đã chấm, điểm thi môn Ngữ văn, kì thi THPT quốc gia phần lớn ở mức từ 4,5- 7 điểm. Đã có bài thi đạt 9 điểm ở môn này.

Mong Bộ đưa hướng dẫn chấm thi mở

Hiện nhiều địa phương đang gấp rút chấm thi các môn tự luận và quét xong dữ liệu môn trắc nghiệm. Ở môn Ngữ văn, một số địa phương đã chấm được hàng trăm bài thi.

Cô Nguyễn Thị Hồng Phương, giáo viên phòng chấm thi số 2 tại Hòa Bình cho biết, qua số lượng bài thi đã chấm cho thấy, phổ điểm chủ yếu khoảng từ 4,5 điểm đến 7 điểm.

Ở phần nghị luận xã hội của đề thi Ngữ văn năm nay đề cập đến nội dung về sứ mệnh đánh thức tiềm lực của đất nước và phân tích sự đối lập giữa vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực ở gia đình hàng chài được nhiều người đánh giá “hay”, có đáp án “mở” có gây khó khăn cho công tác chấm?

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) thanh tra công tác chấm thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh Hòa Bình.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) thanh tra công tác chấm thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh Hòa Bình.

Cô Phương cho biết, hầu hết các em đều đạt được ý chính của yêu cầu hướng dẫn chấm, đảm bảo được kiến thức cơ bản. Qua các bài thi chấm vòng 1 và vòng 2 cho thấy, điểm các bài thi không chênh lệch nhau. Các thầy cô chấm khá sát.

“Có một bài thí sinh đã trình bày ý kiến riêng rất ấn tượng. Em ấy đã trình bày vai trò trách nhiệm của công dân với việc đánh thức tiềm lực của đất nước ra sao, cần khai thác như thế nào. Bài thi ấn tượng khiến tôi cho điểm 9”, cô Phương cho biết.

Cô Bùi Thị Hải Yến, giáo viên tại phòng chấm kiểm tra, Hội đồng chấm thi tỉnh Hòa Bình cho biết, nhìn chung đáp án mở tạo thuận lợi khi chấm thi, phát huy yếu tố sáng tạo của học sinh.

Đã có bài thi môn Ngữ văn đạt điểm 9.
Đã có bài thi môn Ngữ văn đạt điểm 9.

“Chúng tôi khuyến khích học sinh sáng tạo nhưng bám sát theo chuẩn kĩ năng. Từ khi Bộ GD&ĐT đưa ra đề thi mở, chúng tôi thấy khá tích cực”, cô Yến nói.

Cô Loan, tổ trưởng tổ chấm thi môn Ngữ Văn của Hội đồng chấm thi Hòa Bình chia sẻ, đáp án của Bộ GD&ĐT đưa ra về môn Ngữ văn không gây khó cho các cán bộ giáo viên khi chấm thi.

“Ở câu hỏi “mở” trong phần nghị luận, nhiều em đưa ra ý kiến riêng rất sáng tạo nhưng hầu như không có bài thi nào vi phạm về thuần phong mỹ tục. Chúng tôi vẫn mong muốn Bộ GD&ĐT đưa ra hướng dẫn chấm thi “mở” như hiện nay”, cô Loan cho biết.

Khoảng 37% bài thi dưới 5 điểm

Ông Nguyễn Đức Lương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình cho biết, địa phương này đã tiến hành chấm thi từ ngày 1/7.

Tổng số bài thi môn Ngữ văn của Hòa Bình có 8.806. Hiện, địa phương mới chấm được 393 bài. Trong số những bài thi được chấm cho thấy có 37% bài thi dưới 5 điểm, có khoảng 63% trên điểm 5. Dự kiến 8/7/2018 công tác chấm thi sẽ xong.

“Phổ điểm chỉ thật sự có ý nghĩa khi kết thúc việc chấm thi. Với con số hơn 300 bài/hơn 8 nghìn bài thi môn Ngữ văn, chưa nói được gì bởi có thể cán bộ chấm thi bốc được túi bài thi của trường chuyên, đương nhiên điểm sẽ khác so với trường thường hoặc ngược lại”, ông Lương nói.

Về tiến độ chấm thi môn Toán cũng như đánh giá mức độ khó của đề thi có ảnh hưởng tới bài làm không, ông Lương cho biết, việc chấm thi trắc nghiệm chưa thực hiện xong nên chưa thể biết.

Theo ông Mai Văn Trinh, việc chấm thi phải nghiêm túc và chính xác.
Theo ông Mai Văn Trinh, việc chấm thi phải nghiêm túc và chính xác.

Trao đổi với Hội đồng chấm thi Hòa Bình trong buổi thanh tra công tác chấm thi ngày 3/7, ông Mai Văn Trinh cho hay, điểm khác biệt năm nay, việc làm tròn đến 0,25 điểm, do đó cần chấm nghiêm túc và chính xác để các trường đại học dễ dàng khi xét tuyển.

Hướng dẫn thêm về công tác chấm thi môn Ngữ văn, ông Trinh cho hay, câu hỏi “mở” đáp án phải mở. Về nguyên tắc, bài làm của thí sinh có thể khác hướng dẫn chấm, khác với đáp án của Bộ GD&ĐT.

“Phương án xử lý là nếu câu trả lời có khác hướng dẫn nhưng câu trả lời đưa ra được những ý cơ bản của yêu cầu.

Cách trả lời đó không đi ngược lại thuần phong mỹ tục của Việt Nam, không đi ngược truyền thống dân tộc thì cán bộ chấm thi có quyền cho điểm các em”, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) hướng dẫn.

Mỹ Hà