Bạn đọc viết:

Cha mẹ và áp lực “văn võ song toàn” cho con

(Dân trí) - Sự hoàn thiện và trưởng thành của một con người cần có kinh nghiệm, sự tích lũy và các kỹ năng. Để trở thành người “văn võ song toàn” đều phải có sự rèn luyện và tu dưỡng qua thời gian, chứ không phải bằng việc học nhồi, học cấp tốc cùng với thúc giục và áp lực.

Hiện nay, việc học hành thi cử ngày càng trở nên nặng nề với học sinh, học càng nhiều thì nỗi lo càng lớn và nhiều gánh nặng. Quanh năm suốt tháng phải gồng mình với việc học khiến đa phần tụi trẻ chán học, sợ học và chỉ coi việc học là trách nhiệm và nghĩa vụ chứ không ham thích.

Tôi đang dạy thêm cho một học sinh lớp 8, mục đích học là theo mong muốn của phụ huynh muốn cho con mình có kiến thức vững chắc, sâu rộng và toàn diện. Tất nhiên, vì những điều này ở trường học không thể đáp ứng hết nên nhiều người phải trả chi phí cao để thuê giáo viên riêng cho con mình. Học sinh của tôi và tụi bạn sắp bước vào năm cuối cấp đều lo lắng khi sắp tới ngành giáo dục có kế hoạch thi tuyển theo hình thức đánh giá năng lực đầu vào đối với học sinh đầu cấp. Tôi chỉ nói với em đó rằng, nếu kiến thức của học sinh mà chắc và sâu thì dù thi theo hình thức nào, các em vẫn làm được bài.

Từ khi còn học tiểu học, lịch học của học sinh dày kín cả tuần, nào học chính, học thêm, ôn thi, học bồi dưỡng, nhiều em không có thời gian để ăn và nghỉ chứ chưa nói đến thời gian vui chơi giải trí. Con mới học lớp 4 là bố mẹ đã lo thi chọn vào lớp 6, rồi khi vào được trường cấp 2 như ý thì lại lo chọn trường để thi chạy vào cấp 3. Như vậy từ lớp 1 đến lớp 12, phụ huynh luôn phải chạy đua cùng con trong việc học hành và thi cử. Cuộc chạy đua này luôn cam go, vất vả và nhiều diễn biến phức tạp.

Con học hành giỏi giang thì cha mẹ vui mừng phấn khởi, một phần vì tin tưởng vào tương lai, một phần vì muốn đẹp mặt với bạn bè, đồng nghiệp, họ hàng. Bản thân nhiều cha mẹ vì tuổi thơ không được học tập và chăm sóc tốt nhất nên dồn sức đầu tư cho con và kì vọng nhiều vào chúng. Ngoài việc các con phải thông minh, học giỏi lại phải có sức khỏe tốt và có năng khiếu nghệ thuật khác nữa.

Trong khi cả ngày ngồi học ở trường lớp, đến nhà cô học và cô đến nhà dạy, không còn thời gian cho con luyện tập thể dục, thể thao nhưng cha mẹ nào cũng muốn con phải cao lớn, khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Hè đến, vừa dứt khỏi kỳ thi cuối năm là họ lại chuẩn bị các kế hoạch cho con học vẽ, học nhạc, học võ... Ngay cả bản thân cha mẹ, sức lực và khả năng đều có hạn nhưng họ vẫn muốn con mình phải là số một, phải là biết tuốt.

Ngày nay, gần như cả xã hội chạy đua với việc học của con trẻ. Ai cũng muốn con vừa học tốt kiến thức văn hóa, vừa giỏi giang ở các môn năng khiếu. Không những thế, xu hướng nuôi con trong xã hội hiện đại và phát triển với tốc độ chóng mặt thì một đứa trẻ còn phải nhanh nhẹn, linh hoạt trong quan hệ ứng xử với những người xung quanh. Cha mẹ muốn con học nhiều nhưng phải thoát khỏi cái bóng “gà công nghiệp” để có kiến thức thực tế tự giải quyết các vấn đề xã hội xung quanh.

Bản thân mỗi con người, từ lúc còn nhỏ tới lớn luôn muốn được vừa tươi vừa giòn và hơn người khác. Tuy nhiên, không có ai là hoàn hảo mọi mặt, chúng ta vẫn luôn cố gắng hoàn thiện bản thân trong sự hài lòng và dung hòa. Sự hoàn thiện và trưởng thành của một người cần có kinh nghiệm, sự tích lũy và các kỹ năng. Để trở thành người “văn võ song toàn” đều phải có sự rèn luyện và tu dưỡng qua thời gian, chứ không phải bằng việc học nhồi, học cấp tốc với thúc giục và áp lực. Đó là sự phát triển tốt nhất và bền vững nhất không chỉ đối với một đứa trẻ mà với cả những người trưởng thành như chúng ta.

Nguyễn Thị Minh

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!