Cha dượng châm thuốc vào bé 6 tuổi: Vì sao trẻ thường bị người thân bạo hành?

(Dân trí) - Ngày 30/10 vừa qua, dư luận bức xúc khi cha dượng ở TP Hồ Chí Minh châm thuốc vào bé gái 6 tuổi, là con riêng của bạn gái. Mặc dù đối tượng đang bị công an củng cố hồ sơ để xử lý về tội cố ý hành hạ trẻ em nhưng dư luận đặc biệt lo ngại về tình trạng bạo hành do chính người thân trong gia đình.

Nhiều vụ bạo hành trẻ em gần đây khiến dư luận bàng hoàng và đau xót. Điều đáng nói, người bạo hành phần lớn là cha mẹ.

Theo các chuyên gia, đó không chỉ là nỗi đau về thể xác, mà nó còn là vết thương không bao giờ hàn gắn trong tâm hồn của những đứa trẻ, để lại di chứng lâu dài sau này.

Năm 2018, cộng đồng "giật mình" về câu chuyện bé trai 10 tuổi sống giữa Hà Nội bị chính cha ruột bạo hành đến mức gãy xương sườn, rạn sọ não khiến ông bà nội và mẹ ruột không thể nhận ra được con cháu của mình đã gây phẫn nộ với dư luận vừa qua. 

Cháu cho biết, trong suốt thời gian ở cùng bố và mẹ kế, ban ngày bé không được đi học, ban đêm cũng không được ngủ, thường xuyên bị đánh vào người và đầu. Không chịu đựng được, ngày 5/12/2018, cháu đã trốn ra ngoài, sau đó bắt xe bus về nhà ông bà nội cầu cứu.

Vụ cha dượng bạo hành dã man con riêng của vợ xảy ra gần đây cũng gây bức xúc dư luận khi một học sinh 8 tuổi đến lớp với cơ thể chằng chịt lằn roi, đặc biệt vùng lưng.

Nhà trường đã đưa học sinh này đến cơ ở y tế và phát hiện trên người cháu có 18 vết sẹo, 35 vết bầm tím… Nhiều vết thương mới khép miệng và có hiện tượng rỉ máu.

Cha dượng châm thuốc vào bé 6 tuổi: Vì sao trẻ thường bị người thân bạo hành? - 1

Đối tượng bạo hành trẻ em ở TP Hồ Chí Minh ngày 30/10 vừa qua. 

Ngày 30/10 vừa qua, dư luận bức xúc khi cha dượng ở TP Hồ Chí Minh châm thuốc vào bé gái 6 tuổi, là con riêng của bạn gái.

Theo lời khai của mẹ cháu bé, chị phát hiện ra con bị nhiều vết bỏng trên người nhưng cha dượng "hờ" của cháu cho rằng cháu bé nghịch than. Lúc thì cho rằng, do tàn thuốc lá bắn vào người cháu. 

Mặc dù đối tượng đang bị công an củng cố hồ sơ để xử lý về tội cố ý hành hạ trẻ em nhưng dư luận lo ngại, nhiều trẻ em sẽ ra sao nếu tình trạng người thân liên tục bạo hành trẻ trong gia đình, khi chế tài xử phạt các đối tượng này đang rất nhẹ. 

Theo TS Vũ Thu Hương (giảng viên khoa Tiểu học, Trường ĐHSP Hà Nội), phần lớn đối tượng bạo hành trẻ đều là cha mẹ.

Nguyên nhân là vì họ xem con trẻ là của để dành, xem là "tài sản" là "của để dành", nên có quyền dạy trẻ.

“Tôi không hiểu sao nhiều người cho rằng, trẻ con là "của để dành"?

Trẻ là trẻ, chúng không phải đồ vật nên không thể xem là tài sản. Nhiều vụ bạo hành xảy ra, bởi bố mẹ trẻ cho rằng, mình sinh ra nên có quyền dạy bảo, người ngoài không được can thiệp”, TS Hương cho hay.

Cũng theo chuyên gia này, không có lý do gì để bố mẹ trút đòn roi lên thân thể trẻ em. Chúng ta cần có quy định về quyền làm bố làm mẹ. Chẳng hạn ở Đức, nếu bố mẹ chỉ tát con một lần, người đó có thể bị đưa vào tù ngay lập tức. Đứa bé sẽ được đưa vào trại trẻ mồ côi nên hạn chế được tình trạng bạo hành.

Còn ở chúng ta, nghiễm nhiên con cái thuộc về bố mẹ, là “của để dành”.

"Đành rằng quyền nuôi con của công dân là hợp pháp nhưng nếu người đó bỏ bê con hoặc bạo hành thì không được quyền nuôi con và phải xử lý nặng mới có tính răn đe.

Cha dượng châm thuốc vào bé 6 tuổi: Vì sao trẻ thường bị người thân bạo hành? - 2

Cháu bé 6 tuổi ở TP Hồ Chí Minh được phát hiện khi cơ thể có nhiều vết bỏng. 

Một khi biện pháp mạnh mẽ như thế, tôi nghĩ sẽ hạn chế được tình trạng bạo hành bởi ai cũng có thể mất con nếu cha mẹ không nuôi dạy tử tế”, TS Hương khẳng định.

Về câu chuyện của bé gái 6 tuổi bị cha dượng châm thuốc vào khắp người, ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cũng cho rằng, các cơ quan bảo vệ trẻ em phải vào cuộc ngay để em bé được an toàn, sớm tách em bé ra khỏi nguy cơ bị tiếp tục bạo lực.

Đặc biệt, cơ quan tư pháp vào cuộc để răn đe kẻ bạo hành. “Cần áp dụng điều 62-67 của Luật trẻ em, tiến hành tước quyền làm cha mẹ tạm thời, chăm sóc bởi họ hàng và gia đình thay thế tại cộng đồng”, chuyên gia này cho hay.

Trẻ em khi bị bạo hành thể xác và tinh thần thường bị di chứng rất lâu dài, do đó theo ông Nguyễn Trọng An, cần tiếp tục hỗ trợ điều trị và tư vấn tâm lý những tổn thương về thể chất và tinh thần theo các hướng dẫn của các văn bản hiện có.

Đặc biệt, cần quan tâm điều trị để tránh tổn thương dai dẳng, ám ảnh nặng nề về tinh thần cho cháu bé.

Mỹ Hà