Câu hỏi khiến hàng nghìn sinh viên trường Luật rơi nước mắt

(Dân trí) - “Sinh nhật của mình chính là ngày mẹ mất rất nhiều máu, khâu sống 6-7 mũi sau mang nặng 9 tháng 10 ngày đẻ đau để sinh ra mình. Rồi đến lúc con ốm đau, đói khát, mẹ đều thức đêm còng lưng để nuôi mình thành hình hài con người to lớn như ngày hôm nay. Vậy sinh nhật ấy, ai mới là người xứng đáng được tặng quà, được tri ân nhất?”.

Đây là một trong những câu chuyện truyền cảm xúc mạnh của cô giáo Nguyễn Khánh Tuân, Trưởng Câu lạc bộ Học tập đạo đức văn hóa truyền thống, Trung tâm Giáo dục Quốc tế UNESCO Việt Nam trong buổi talk show "Giáo dục đạo đức văn hóa, đạo đức công dân, đạo đức nghề Luật" dành cho sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức ngày 26/9.

Học biết ơn trước khi học kiến thức

Đứng trước hội trường hơn 2.200 tân sinh viên K44, trường Đại học Luật Hà Nội, cô Khánh Tuân đặt câu hỏi “trong sinh nhật của mình, các em sẽ làm gì?”.

Tất cả sinh viên đều hào hứng trả lời sẽ đi chơi, đi ăn, tự thưởng cho bản thân một bộ quần áo hoặc món đồ đắt tiền… Nhưng cô Khánh Tuân cho rằng, chúng ta đều đã sai, ngày sinh của mình, các em đi vui với bạn bè, đòi bố mẹ mua quà, muốn tất cả mọi người vây quanh chúc mừng… nhưng chúng ta quên rằng người xứng đáng nhận được quà vào sinh nhật của mình chính là Bố Mẹ.

Bởi vì, sinh nhật của mình chính là ngày mẹ mất rất nhiều máu, khâu sống 6-7 mũi sau mang nặng 9 tháng 10 ngày, đẻ đau để sinh ra mình. Rồi đến lúc con ốm đau, đói khát, mẹ đều thức đêm còng lưng để nuôi mình thành hình hài con người to lớn như ngày hôm nay. Vậy sinh nhật của mình, ai mới là người xứng đáng được tặng quà, được tri ân nhất?

Câu hỏi khiến hàng nghìn sinh viên trường Luật rơi nước mắt - 1
Hình ảnh cô Khánh Tuân quỳ xuống để kể cho các bạn sinh viên câu chuyện về tri ân cha mẹ nhân ngày sinh nhật khiến không ít sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội phải rơi nước mắt, soi lại chính mình.

Tiếp tục mạch câu chuyện, cô Khánh Tuân bộc bạch trước hàng nghìn sinh viên: “Bản thân tôi cũng từng ở trong tình cảnh như vậy, các hđây 5 năm con trai tôi xin tiền tổ chức sinh nhật cùng bạn bè. Lúc đó tôi rất buồn, vì đã dạy con mình sai, quá nuông chiều nó.

Tôi nói với con rằng, một thanh niên năm thứ ba đại học lại ngửa tay xin tiền mẹ để làm sinh nhật mời bạn bè, trong khi người cần mời nhất là bố mẹ thì nó không quan tâm.

Dù chỉ là một bữa cơm do chính tay các con nấu, một món quà, một lá thư thay lời tri ân đến cha mẹ nhưng cũng khiến bậc sinh thành ra con được tự hào và ấm lòng”.

Mục đích cô Khánh Tuân muốn kể ví dụ này để cho các bạn sinh viên thấy được hình ảnh, hành động của mình cũng có trong câu chuyện đó, giúp các bạn sinh viên nhận ra giá trị nhân văn, cách sống, cách biết ơn trước khi học để thành tài, thành ‘ông nọ bà kia’ trong xã hội.

Câu hỏi khiến hàng nghìn sinh viên trường Luật rơi nước mắt - 2
Hội trường đông nghẹt sinh viên lúc này đã im lặng, rất nhiều bạn sinh viên đã khóc hoặc ngồi trầm ngâm để suy nghĩ về hành động của chính mình qua câu chuyện của cô Khánh Tuân.

Bài học dài nhất là… đạo đức

Để làm thay đổi không khí đang trùng xuống ở hội trường, cô Khánh Tuân chia sẻ thêm về câu nói tâm đắc nhất trong cuộc đời mình, “con chim Anh Vũ dù biết nói thì vẫn chỉ là loài chim; con Tinh Tinh dù biết nói thì vẫn chỉ là loài thú; còn con người, tuy biết nói, hình tướng là người nhưng nếu không có nhân cách, lễ nghĩa làm người thì cũng chỉ như con thú”.

Qua câu nói này để thấy được rằng, mức độ quan trọng việc rèn luyện đạo đức, nhân tính tốt mới hình thành nên một “Người” có đầy đủ nhân sinh quan, thế giới quan thực sự.

Câu hỏi khiến hàng nghìn sinh viên trường Luật rơi nước mắt - 3
Cô Khánh Tuân chia sẻ cần học làm Người, trước khi học kiến thức.

Tuy nhiên, cô Khánh Tuân cho rằng, học làm người không đơn giản, chúng ta học từ khi bắt đầu biết bò, biết đi cho đến khi ta nhắm mắt xuôi tay từ biệt trần thế.

Dù có là sinh viên, cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ, giáo sư… cũng đều cần học làm người; bằng cấp chỉ là kiến thức, học làm người mới là học vấn vĩ đại nhất. Các bạn sinh viên hãy nhớ, ở vị trí nào cũng cần đặt chữ “Đức” lên hàng đầu.

“Học đối nhân xử thế, kìm nén cái giận, phát huy cái thiện, hiếu đạo, vẹn nghĩa, trọn tình… những điều đó không sách vở nào dạy hết mà nó nằm xung quanh ta.

Tôi tin khi các bạn hiểu được những điều này thì thành công sẽ đến với các bạn sinh viên rất dễ dàng. Nên nhớ trước khi muốn làm người đứng đầu, làm lãnh đạo thì phải rèn chữ “Đức” trước tiên”, cô Khánh Tuân khuyên sinh viên.

Cô cũng đưa ra một ví dụ khác, như đối với ở nước Nhật, không phải người dân nào cũng có đủ điều kiện để mua ô tô dù họ rất giàu có. Bởi vì khi mua ô tô riêng, công dân Nhật tự ý thức được rằng phải đảm bảo có chỗ đậu xe, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người đi trên đường, không bao giờ có tình trạng đậu đỗ ở lòng đường, trên vỉa hè. Mặc dù điều đó trong luật không quy định.

Câu hỏi khiến hàng nghìn sinh viên trường Luật rơi nước mắt - 4
Hàng nghìn tân sinh viên bị cuốn hút và chăm chú nghe buổi trò chuyện từ đầu đến cuối.

Hoặc trong báo cáo tổng kết một năm của hệ thống tàu điện ngầm Nhật Bản dù chỉ đi trễ giờ hơn 01 phút, nhưng toàn bộ lãnh đạo và nhân viên các nhà ga tàu đều đứng nghiêm chỉnh và cúi đầu xin lỗi tất cả hành khách. Họ xin lỗi vì đã thiếu kỷ luật, chưa nghiêm túc để trễ 01 phút/năm vận hành tàu.

Những điều đó không quy định trong luật, cũng không bị xử phạt hay bất cứ khiển trách nào, nhưng đối với họ vẫn là lỗi, cần phải sửa chữa. Đó chính là văn hóa, đạo đức công dân của văn minh hiện đại.

Cuối cùng cô Khánh Tuân gửi gắm, hi vọng thông qua buổi trò chuyện sẽ giúp các bạn tân sinh viên định hình tốt hơn cách sống, niềm tin và mục tiêu cho chính mình.

Kiến thức là điều kiện cần để thành công, nhưng đạo lý, đạo đức mới là cái gốc, cái cốt lõi nhất của một đời người.

Hà Cường