Câu chuyện cảm động của ngôi trường mang tên nữ sinh Nhật Bản

(Dân trí) - Ngôi trường tiểu học mang tên một nữ sinh Nhật Bản được xây dựng 25 năm trước bằng tất cả tấm lòng của gia đình cô. Đó là ngôi trường mang tên Junko tại xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam.

Mùa hè năm 1993, người con gái Nhật Bản có tên Junko Takahashi tròn 20 tuổi, là sinh viên năm thứ 3 của Trường Đại học Minh Trị Thiên Hoàng, học ngành Quan hệ quốc tế.

Tranh thủ thời gian nghỉ hè, cô cùng những người bạn lên đường sang Việt Nam tìm hiểu, nghiên cứu các tư liệu phục vụ cho bài luận văn với chủ đề “Sự phát triển kinh tế và đầu tư trực tiếp nước ngoài ở khu vực Đông Nam Á”.

Câu chuyện cảm động của ngôi trường mang tên nữ sinh Nhật Bản - 1

Trường tiểu học Junko tại xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn

Khi đặt chân đến vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng, Junko ấn tượng bởi cuộc sống của người dân nơi đây. Tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng họ sống hiền hòa chân chất, nghĩa tình.

Từ những người nông dân lam lũ đến những em bé thơ ngây, ai cũng chào đón cô và những người bạn rất nhiệt tình bằng sự mộc mạc gần gũi theo cách của người dân quê nghèo khổ.

Đi thực tế chứng kiến, Junko trăn trở về cuộc sống của người dân xứ Quảng - Đà. Dọc đường gặp những gì, cô đều ghi vào cuốn sổ nhật ký.

Trong đó có trang Junko ghi rằng, khi tốt nghiệp ra trường, cô muốn tìm kiếm việc làm tại Việt Nam và dành tiền lương để xây dựng một ngôi trường cho các em nhỏ học hành tử tế, đầy đủ tiện nghi.

Câu chuyện cảm động của ngôi trường mang tên nữ sinh Nhật Bản - 2

Tiểu sử của nữ sinh Junko Takahashi được đặt trong phòng truyền thống của nhà trường

Sau chuyến đi thực tế, cuối năm đó Junko trở lại Nhật Bản nhưng không may qua đời sau một tai nạn giao thông.

Những tâm nguyện của cô gái trẻ xứ hoa anh đào sẽ không thực hiện nếu như không có bố cô là ông Horotaro Takahashi. Sau khi con gái mình tử nạn, ông đã lật giở những trang nhật ký và biết được ước mơ của con gái mình. Thương con, ông Horotaro Takahashi quyết định sang Việt Nam thực hiện điều này.

Ngoài số tiền ba mẹ cho cùng với tiền tiết kiệm, tiền bồi thường bảo hiểm, phúng điếu… của Junko, ông Horotaro bàn với giáo sư Ebashi (hướng dẫn Junko thực tập-PV) “làm một cái gì đó hiện hữu ở Việt Nam”.

Và cuối cùng, họ đã quyết định dùng số tiền đó để giúp đỡ trẻ em và nền giáo dục ở Việt Nam là tốt nhất. Do đó, họ đã quyết định xây dựng một ngôi trường tiểu học tại xã Điện Phước, huyện Điện Bàn (nay là thị xã Điện Bàn, nơi Junko có nhiều kỉ niệm).

Câu chuyện cảm động của ngôi trường mang tên nữ sinh Nhật Bản - 3

Đại sứ Nhật Bản - ông Umeda Kunio thắp hương cho Junko

Theo đề nghị, họ lấy tên cô để đặt cho trường là “Trường tiểu học Junko”. Trường được khởi công xây dựng tháng 12/1994 và hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 9/1995. Lúc này trường có 8 phòng, một nhà thi đấu và một công trình vệ sinh.

Trước sự ra đi của Junko, một nhóm sinh viên Trường Đại học Minh Trị Thiên Hoàng, nơi Junko học tập đã thành lập Hiệp hội Junko. Hội đứng ra quyên góp tiền của, vật dụng để đầu tư vào ngôi trường mà ông bà Horotaro xây dựng.

Năm học 1995-1996, trường khánh thành và khai giảng năm học đầu tiên. Đến năm 2000, những người bạn của bố mẹ Junko tiếp tục quyên góp, xây thêm 5 phòng học...

Từ đó đến nay, hằng năm ông bà Horotaro và sinh viên Hiệp hội Junko đều sang thăm trường và trao tặng hàng trăm suất học bổng cho trẻ em nghèo vượt khó của tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng. Trong đó có học sinh của Trường tiểu học Junko.

Suốt chặng đường 25 năm hình thành và phát triển, ngôi trường đã đào tạo và nâng bước nhiều thế hệ học sinh. Rất nhiều người từ ngôi trường đã trưởng thành và đóng góp đáng kể cho quê hương, đất nước…

Hiệu trưởng Trường tiểu học Junko, thầy Lê Quốc Hà cho biết, trường được thành lập từ năm 1997, đến ngày 27/8/2003, trường được đổi tên từ Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám thành Trường Tiểu học Junko. Hiện nay toàn trường có 19 lớp với 612 học sinh.

Nhà trường có đầy đủ các khối phòng học, phòng phục vụ học tập cho học sinh, phòng hành chính đáp ứng yêu cầu dạy và học. Tổng diện tích khuôn viên của trường 7.919 m2.

Chất lượng giáo dục luôn được giữ vững, tỷ lệ học sinh khá, giỏi luôn đạt từ 50-70%. Hằng năm có 99,4-100% học sinh hoàn thành chương trình lớp học; 100% học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học. Trong nhiều năm qua, thành tích học sinh giỏi (năng khiếu) cấp thị xã luôn được giữ vững.

Thầy Hà cho biết, hàng năm, Hiệp hội Junko tại Nhật Bản kết hợp với sinh viên Đại học Đà Nẵng đều tổ chức các hoạt động giao lưu với các học sinh của trường Tiểu học Junko và một số trường trên địa bàn xã Điện Phước.

Ngày 6/3/2020, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam – ông Umeda Kunio cùng Hiệp hội Junko, gia đình nữ sinh Junko đã đến thăm và trao tặng 50 quả bóng đá đến các em học sinh của trường.

Câu chuyện cảm động của ngôi trường mang tên nữ sinh Nhật Bản - 4

Đại sứ Umeda Kunio (trái) tặng bóng đá đến các em học sinh trường Junko

Theo Đại sứ Umeda Kunio, việc xây dựng ngôi trường đã nhận được sự giúp đỡ và ủng hộ của những người bạn Việt Nam có duyên với đất nước Nhật Bản như GS Trần Văn Thọ - GS danh dự của ĐH Waseda, người đã đưa ra sáng kiến về xây dựng ngôi trường trên địa bàn xã Điện Phước và ông Trần Văn Nam - nguyên Giám đốc ĐH Đà Nẵng đã luôn ủng hộ, kết nối để xây dựng trường Tiểu học Junko cách đây 25 năm.

Đại sứ Umeda Kunio nhấn mạnh, trường Tiểu học Junko có thể được xem là biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị, tình gắn kết giữa nhân dân Nhật Bản và nhân dân Việt Nam.

Thông qua chuyến thăm, làm việc này sẽ tiếp tục tiếp nối và thúc đẩy thêm mối quan hệ hữu nghị giữa Nhật Bản và Việt Nam nói chung, giữa các doanh nghiệp, Đại học Minh Trị Thiên Hoàng và Hiệp hội Junko (Nhật Bản) với trườngTiểu học Junko, với nhân dân tỉnh Quảng Nam nói riêng.

Công Bính