Bạn đọc viết:

Câu chuyện bà mẹ kiên trì cùng con “cai nghiện” game

(Dân trí) - Bức bối, bất lực và chán nản vì con học hành “tụt dốc”, chỉ mắt trước mắt sau là vào quán game, chị đồng nghiệp của tôi đã tìm hiểu tâm lý tuổi teen và lên kế hoạch tỉ mỉ cai nghiện game cho con từng bước một, kiên trì và khéo léo…

Tuổi teen là tuổi dở dở ương ương, ngang ngạnh và khó bảo nhất. Các con muốn được tự do làm theo ý thích, thích điện thoại, thích xe đẹp, thích lướt Facebook, thích chơi game xả láng. Con dùng chiêu bài năn nỉ, ỉ ôi, so sánh với các bạn để xin bố mẹ mua cho thứ này, thứ kia. Chị đồng nghiệp với tôi kể, hồi đầu chị thương con, chiều con nên con xin chơi game cuối tuần, giải trí khi học xong, chị đồng ý ngay.

Đến lúc phát hiện con lén lấy tiền của mẹ, bỏ học thêm để ôm máy tính trong quán game thì chị sửng sốt vì lâu nay con luôn là đứa trẻ chăm ngoan. Con mưu mẹo đến mức cất xe đạp phía sau quán để mẹ không tìm ra. Chị nhiều phen phóng xe đi lùng tìm con khắp mấy quán game giăng quanh trường học để lôi con về, quát mắng, đánh con, con vẫn cứ trơ lì. Con học xong ở trường lại chui vào quán, chơi độ 1-2 tiếng mới đạp xe về. Chị thấy bức bối, bất lực và chán nản vì con học hành “tụt dốc”, chỉ mắt trước mắt sau là vào quán game. Chị tìm hiểu tâm lý tuổi teen và lên kế hoạch tỉ mỉ cai nghiện game cho con từng bước một, kiên trì và khéo léo.

1. Con không biết tiền ở đâu

Cơ quan gần nhà, chị cất tiền ở phòng làm việc, chỉ cầm đủ tiền đi chợ mỗi ngày. Tiền đóng học cho con, chị đến tận trường đóng đầy đủ. Tiền con đi học thêm, chị dán phong bì để con gửi thầy cô và ngay hôm đó gọi điện hỏi thầy cô xem con có đóng không. Thỉnh thoảng chị lại sai con sang hàng xóm vay tiền đóng học theo buổi (chị giả vờ như vậy để con biết rằng mẹ không có nhiều tiền, mẹ đang khó khăn và con cần phải cố gắng).

2. Ủng hộ sở thích của con, rủ con chơi thể thao

Con chị thích nuôi chuột cảnh: chuột hamster và chuột lang. Chị để con nuôi mấy lồng chuột và khuyến khích con bán hàng online. Có những hôm chị cùng con đi mua thức ăn, mua lồng cho chuột, cùng con dọn dẹp lau chùi phòng nuôi chuột hàng ngày. Chị cùng con xem trên mạng cách nuôi chuột, cách phòng bệnh để chuột cảnh mạnh khỏe. Anh chị tình nguyện đi ship hàng cho con, tiền kiếm được chẳng đáng là bao nhưng vui nhất là mấy chú chuột cảnh này giúp con bớt say đắm mấy trò game vô bổ hại thần kinh.

Chiều nào anh chị cũng giục con ra sân chơi thể thao cùng các cô chú, các em nhỏ trong xóm. Con chơi được nhiều môn: đá bóng, cầu lông, đá cầu, bóng chuyền. Ban đầu con ra sân chơi với vẻ miễn cưỡng, bị bố mẹ giục giã, ép buộc nhưng chỉ nửa tháng sau, con ham thực sự vì sân chơi thể thao vui nhộn. Mọi người ai cũng khen con ra dáng thanh niên khiến con hào hứng.

3. Khuyến khích con lao động chân tay để hiểu giá trị đồng tiền

Hai bác hàng xóm có mối bốc hàng bánh kẹo, sữa ở cách nhà chỉ 1 km. Hàng về khi thì nhá nhem tối, khi thì đầu giờ chiều. Nếu vào ngày cuối tuần con nghỉ học, chị đều giục con đi làm. Mỗi ca bốc hàng này chừng 2 tiếng lao động quần quật, con về nhà trong tình trạng quần áo lấm lem, mặt mũi bơ phờ vì mệt. Tiền bốc vác này, chị đưa hết cho con và giao hẹn rõ ràng: Tiền lao động phải được sử dụng hiệu quả, con mua đồ dùng học tập và quần áo, giày dép.

4. Sẵn sàng cho con nghỉ học 1 ngày để suy nghĩ

Dù áp dụng nhiều biện pháp linh hoạt để con hết mê game nhưng con vẫn tranh thủ chơi khi bố mẹ nới lỏng “vòng kim cô”. Khi con thèm chơi game cùng các bạn, con lại về nhà muộn và quanh co nói dối. Chị tỉ tê khuyên nhủ con, áp dụng biện pháp cứng rắn là xin cho con nghỉ học chính khóa 1 ngày, chỉ ở trong phòng suy nghĩ để cố gắng thay đổi. Chị sang nhà tôi mượn cuốn sách mà tôi vẫn ca ngợi là cực hay cho con đọc, ngày hôm ấy con chỉ cần đọc sách, không phải học, không phải làm bất cứ việc gì. Chị muốn con quyết tâm xa rời game để tập trung học hành đàng hoàng.

Chị kiên trì đồng hành cùng con suốt 5 năm, để con từ chỗ nghiện game chỉ còn coi game là một trò chơi vui cuối tuần. Năm nay con chị vào đại học, chị thở phào nhẹ nhõm và đúc kết: “Không nghĩ mình có thể theo sát con lâu đến thế, cũng may con không sa đà quá mức, mình cũng coi như dạy con thành công!”.

Thanh Mai

(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.  

Xin trân trọng cảm ơn!