Cấp tốc xây dựng khung trình độ quốc gia

(Dân trí) - Năm 2015, Việt Nam chính thức gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN, Bộ GD-ĐT đang gấp rút xây dựng khung trình độ quốc gia để lao động trong nước không bị “lép vế” so với lao động các nước trong khu vực và đặc biệt công nhận văn bằng giữa các quốc gia.

Chuẩn hóa để hội nhập

Trao đổi với báo chí bên lề Hội thảo Quốc tế và Hội nghị bàn tròn của mạng lưới đảm bảo chất lượng ASEAN, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Để nhầm chuẩn hóa trình độ đào tạo của sinh viên và lực lượng lao động được đào tạo ở VN thì Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội xây dựng Khung trình độ quốc gia (KTĐQG), dự kiến đến tháng 4 năm 2014 sẽ ban hành, trước khi Việt Nam gia nhập cộng đồng kinh tế  ASEAN năm 2015”. Theo Thứ trưởng Ga, KTĐQG sẽ xếp năng lực, kỹ năng của người học ở các cấp độ khác nhau, để làm sao bằng tốt nghiệp ở các cấp độ, chứng chỉ hành nghề của ta cấp sẽ tương thích với bằng cấp của các nước trong khu vực. Việc chuẩn hóa ban hành KTĐQG là hết sức quan trọng bởi vì giúp chúng ta lý giải cách quản lý mối tương quan giữa giáo dục, đào tạo và việc làm của mỗi nước.

Khung trình độ quốc gia được ban hành giúp lao động Việt Nam không bị thiệt thòi khi hội nhập
Khung trình độ quốc gia được ban hành giúp lao động Việt Nam không bị thiệt thòi khi hội nhập.

“Chuẩn bị để hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập ASEAN nói riêng, Bộ GD-ĐT đã triển khai từ rất sớm nhiều chương trình như đổi mới chương trình đào tạo, đổi mới quản lý đại học (ĐH), rồi tiến hành đề án ngoại ngữ 2020 để đào tạo ngoại ngữ cho đội ngũ giáo viên, sinh viên và tất cả các cấp học để hội nhập dễ dàng và mới đây nhất chúng ta đã ban hành luật giáo dục ĐH trong đó có nhiều chuyển biến trong việc giao quyền tự chủ cho các trường”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói.

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, trên thực tế việc xây dựng KTĐQG tốn rất nhiều thời gian, nhiều nước mất cả 10 năm để xây dựng. Tuy vậy, không phải đến tận giờ mà nhiều năm trước Bộ GD-ĐT đã thấy sự cần thiết của KTĐQG và đã khởi động, tìm hiểu thông tin, kinh nghiệm của nhiều tổ chức quốc tế như châu Âu và cả Đông Nam Á. Thứ trưởng Ga cho rằng: “Chúng ta đã đi một bước khá dài trong việc chuẩn bị cho tiến trình hội nhập này như thay đổi trình độ đào tạo, thay đổi chương trình đào tạo, giao quyền tự chủ cho các trường để họ có thể nhanh chóng cập nhật chương trình đào tạo của các nước và tiến tới nữa là xây dựng khung trình độ quốc gia”.

“Cách đây 3 năm, Bộ đã yêu cầu các trường xây dựng chuẩn đầu ra và đó là một bước tập dượt. Trước đây, mỗi trường tùy theo năng lực của mình thì đã xây dựng chuẩn đầu ra, chẳng hạn có trường xây dựng chuẩn đầu ra bằng ngoại ngữ, nhiều trường cạnh tranh với nhau để xây dựng chuẩn đầu ra tốt hơn. Bộ cho rằng thời gian qua các trường đã làm công tác tập dượt rất tốt. Bây giờ có khung trình độ rồi thì các trường căn cứ vào yêu cầu của khung đó để xây dựng chuẩn đầu ra phải phù hợp, tương thích với năng lực của người được đào tạo, sau khi tốt nghiệp một trình độ nào đó thì sẽ làm được việc gì. Khi trình độ đào tạo của ta phù hợp với các nước phát triển thì nhân lực của ta sẽ tương thích với các nước và không bị thiệt thòi”, Thứ trưởng Ga cho biết.

Vấn đề xây dựng KTĐQG là một hiện tượng toàn cầu và hiện tại đã có trên 120 quốc gia áp dụng, trong đó có một số nước ASEAN.

Đảm bảo chất lượng giáo dục

Thực tế là vài năm gần đây, nhiều trường đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề đăng ký kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo hoặc đánh giá bởi các tổ chức kiểm định quốc tế. Hiện nay, 19 chương trình đào tạo của ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM, trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trường ĐH Kinh tế TPHCM và trường ĐH Cần Thơ đã được Mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á (AUN) và chương trình ASEAN-QA. Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) và trường ĐH FPT thì có các chương trình đăng ký kiểm định bởi tổ chức ABET (Mỹ).

Ngoài ra, đầu tháng 9, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã quyết định thành lập tổ chức kiểm định đầu tiên của Việt Nam: Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội (VNU-CEA). Dự kiến, Bộ cũng xem xét thành lập Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐH Quốc gia TPHCM.

Theo TS Phạm Xuân Thanh, phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), việc đảm bảo chất lượng giáo dục ở Việt Nam vẫn còn là một vấn đề khá mới, tuy nhiên cũng đã có những bước tiến đáng kể trong việc phát triển và hội nhấp với xu hướng chung của khu vực và quốc tế. Riêng việc đảm bảo chất lượng ĐH vẫn còn đối mặt với nhiều vấn đề và cần sự hỗ trợ, hợp tác từ các đối tượng liên quan và các tổ chức đảm bảo chất lượng quốc tế.
 

Hội thảo Quốc tế và Hội nghị bàn tròn mạng lưới đảm bảo chất lượng ASEAN (AQAN) là hội nghị thường niên về trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH giữ các nước thành viên. Năm nay, Việt Nam đăng cai, tổ chức tại trường ĐH Tôn Đức Thắng từ ngày 16-18/10 do Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục chủ trì. Hội thảo có sự hiện diện của 40 đại biểu quốc tế đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực ASEAN và Diễn đàn hợp tác Á Âu; bên cạnh đó còn có 200 đại biểu đến từ các trường ĐH, CĐ trong nước.

 
Lê Phương