Cần Thơ: Gần 1.000 học sinh bỏ học

(Dân trí) - Mặc dù ngành giáo dục Cần Thơ đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhưng năm học qua TP Cần Thơ tỷ lệ học sinh bỏ học vẫn còn cao, nhất là cấp THPT tăng hơn so với năm trước.

Cụ thể, theo báo cáo của sở GD&ĐT Cần Thơ năm học 2014-2015, TP Cần Thơ có 907 học sinh bỏ học chiếm tỷ lệ 0,47% (tăng 0,03%), trong đó, cấp tiểu học 73 em (giảm 0,02%); trung học cơ sở 538 học sinh (tăng 0,02%); trung học phổ thông 296 học sinh (tăng 0,25%).

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Cần Thơ cho biết, nguyên nhân học sinh bỏ học chủ yếu do học lực yếu kém không có khả năng lên lớp nên sinh ra tâm lý chán nản, bên cạnh đó, do hoàn cảnh gia đình khó khăn các em theo cha mẹ đi nơi khác kiếm sống; học sinh không sống chung với cha mẹ mà ở với người bảo hộ ít được quan tâm hay một số gia đình không quan tâm đến chuyện học của con.

Trước tình hình trên, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ đã đưa ra các giải pháp khắc phục như: Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện để giảm tỷ lệ học sinh yếu kém; tiếp tục vận động học sinh trở lại trường và tạo điều kiện giúp đỡ các em thường xuyên đến lớp; tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, đoàn thể và cha mẹ học sinh để hỗ trợ, ngăn chặn các em bỏ học hoặc có nguy cơ bỏ học.

Bên cạnh đó ngành giáo dục sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục vận động các em đã bỏ học ra lớp phổ cập, giáo dục thường xuyên hoặc vào học trung cấp chuyên nghiệp, học nghề.

Cũng theo báo cáo của ngành giáo dục, năm qua quy mô trường học từ mầm non đế THPT đều tăng, tỷ lệ huy động trẻ vào lớp 1 đúng tuổi đạt 100%, THCS đạt 95,59% còn ở bậc THPT chỉ đạt 67,22%. Đối với giáo dục mầm non, ngành đã thực hiện đại trà chương trình mới; THPT thực hiện dạy học trên chuẩn kiến thức, đồng thời chú trọng phụ đạo cho những học sinh yếu;giáo dục chuyên nghiệp, tiếp tục mở rộng ngành nghề, đa dạng hóa các loại hình đào tạo…

Ngành giáo dục Cần Thơ cũng đưa ra phương hướng, nhiệm vụ của năm học mới, tăng cường, nền nếp trong các cơ sở giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Trong giáo dục phổ thông chú trọng lối sống, đạo đức, kỹ năng, trách nhiệm công dân đối với xã hội, đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục…

Phạm Tâm