Cần ngăn chặn tình trạng “chạy trường” của phụ huynh

(Dân trí) - Năm nào cũng vậy, đón đầu mùa tuyển sinh là lại xôn xao việc “chạy trường” của phụ huynh học sinh. Phụ huynh nào có điều kiện đều cố gắng chọn trường tốt cho con, mục đích là cho con em mình có môi trường đào tạo tốt nhất, để các em nền tảng kiến thức và có thể tiến xa hơn trong tương lai.

Nhiều phụ huynh chấp nhận “chạy trường” cho con bằng mọi giá nên đã phát sinh những vấn đề bất cập, tiêu cực trong môi trường giáo dục hiện nay như: Phụ huynh tìm mọi các để nhập khẩu hoặc đăng ký tạm trú cho con để được vào học trường tốt, nhờ người thân quen công tác trong ngành giáo dục giúp đỡ, thậm chí nhiều phụ huynh mất tiền cho các đối tượng "cò" chạy trường mà chưa chắc đã mang lại kết quả.

Bên cạnh đó, việc phụ huynh “chạy trường” trái tuyến sẽ tạo nên áp lực không nhỏ đối với các trường tốt, trường điểm, đồng thời, tạo nên sự không công bằng giữa trường với nhau, kéo theo đó, là sự phân biệt của cơ quan quản lý giáo dục trong việc ưu tiên đầu tư các nguồn lực giữa các trường; phát sinh sự chênh lệch về mức thu nhập của giáo viên giữa các trường trong cùng một cấp học...

Nếu không có giải pháp ngăn chặn thì tình trạng “chạy trường” sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và chất lượng giáo dục. Mặt khác, đối với các em học sinh, có một môi trường học tập tốt là hết sức quan trọng, tạo cho các em có khả năng cạnh tranh, nỗ lực, phấn đấu trong học tập... Tuy nhiên, việc phát huy khả năng học tập của các em là tổng hòa các yếu tố chứ không phải nhất thiết vào trường tốt, trường điểm là có thể học tốt. Đôi khi phụ huynh vô tình tạo áp lực trong việc học tập của các em như cố gắng chạy theo thành tích ảo, có tính ỷ lại, dựa vào cha mẹ và nghĩ rằng có tiền thì học ở đâu cũng được, mặt khác, có thể làm cho các em có hành vi coi thường, miệt thị đối với các bạn cùng trang lứa đang học tại các trường có chất lượng giáo dục thấp hơn.

Thiết nghĩ, việc phụ huynh “chạy trường” để con em mình được giáo dục trong môi trường tốt là nhu cầu chính đáng nhưng việc “chạy trường” chưa hẳn là việc làm tốt nhất cho các em. Đồng thời, các cơ quan quản lý giáo dục cần phải khắc phục tình trạng các trường tiếp nhận hồ sơ của học sinh trái tuyến; ngăn chặn và đẩy lùi các tiêu cực phát sinh trong việc “chạy trường”; khi đầu tư cơ sở hạ tầng, cũng như đầu tư chất lượng giáo dục cho các trường của các cấp học phải công bằng với nhau, tránh trường hợp phân biệt đối xử làm xuất hiện những hệ lụy phát sinh như tình trạng “chạy trường” đang là nỗi ám ảnh của phụ huynh học sinh và những người làm công tác quản lý giáo dục hiện nay.

Đỗ Văn Nhân