Bạn đọc viết:

Cần một cái nhìn công tâm cho người thầy trong clip xô xát với học sinh

(Dân trí) - Clip thầy trò xô xát trong lớp học ở Hậu Giang hẳn là khiến không ít người bàng hoàng. Nhiều ý kiến trái chiều đang được tranh luận một cách quyết liệt. Dưới góc nhìn của một phụ huynh có hai con đang đến trường, tôi mong muốn mọi người có một cái nhìn công tâm hơn với người thầy trong clip.

Giữa bao nhiêu vụ bạo lực học đường trò đánh trò, thầy đánh trò vẫn chưa kịp nguôi ngoai trong lòng người thì những hình ảnh về một tiết học Toán bậc THPT ở Hậu Giang lại tiếp tục bồi thêm một tiếng chuông cảnh tỉnh toàn xã hội về tình trạng xuống dốc của đạo đức học sinh và những “lỗ hổng” trong giáo dục nhân cách học sinh.

Thú thật, tôi đang đứng về phía thầy giáo N.Q.K. và rất chia sẻ với những áp lực mà thầy đang hứng chịu từ dư luận. Và rất may là tôi có khá nhiều “đồng minh” thông qua việc tìm hiểu những lời bình luận từ bạn đọc. Và ngay trên báo Dân trí, tôi rất mừng vì bắt gặp những câu chữ từ đáy lòng của những học trò cũ từng là học trò của thầy K. cách đây 6 năm: “Theo em thì phản xạ tự nhiên của thầy thôi… Tính thầy rất hiền và thương học trò…”.

Học trò cũ với những trải nghiệm của thời gian sẽ có cái nhìn đúng đắn về tấm lòng của người thầy trong quá khứ. Ngay chúng ta cũng vậy, thời gian qua đi, nhớ lại những thầy giáo, cô giáo đã từng dạy dỗ mình, tự nhiên ta nhận ra tấm lòng của thầy cô đã thương yêu, quan tâm dạy dỗ, uốn nắn mình ngày xưa nhiều hơn. Một người thầy giỏi không chỉ là người có chuyên môn vững vàng, có khả năng sư phạm tốt mà còn cần nhiều hơn thế là một tấm lòng với học trò.

Thầy K. đang lên lớp và việc học trò làm ồn trong giờ học đâu thể “bịt tai”, “nhắm mắt”, “làm ngơ” như nhiều bạn đọc “khuyên nhủ” để tránh tai tiếng, tránh phiền phức. Thầy đã nhắc nhở và em N.T.K.N. lớn tiếng hét lên trong lớp. Thầy dọa đánh thì em N. thách thức. Đặt vào vị trí của một người thầy, sự thách thức và ăn nói vô lễ của trò là điều tối kỵ.

Thầy đã không làm chủ được mình và cầm sách gõ vào đầu trò. Hành động gõ sách ấy bị rất nhiều bạn đọc quy chụp thành bạo lực thân thể học sinh thì quả thật quá khe khắt. Cái sai của thầy là không kìm được cơn nóng giận, không làm chủ cảm xúc và hành động nhất thời có phần khô cứng. Thay vì đủ bình tĩnh hơn, thầy có thể dùng lời lẽ phân tích đúng sai, giao em nữ sinh ấy cho phòng giám thị, giáo viên chủ nhiệm và liên hệ phụ huynh học sinh.

Nhưng đặt vào tình huống ấy, mấy người đủ bình tĩnh để ứng xử mực thước trước một học sinh vô lễ như thế? Chung quy lại, thầy đã sai một phần và thầy đã nhận sai. Tôi mong những hình thức xử lý kỷ luật sắp tới của các ban ngành sẽ nương nhẹ tay cho một người thầy còn có “tâm” uốn nắn học sinh thay vì sống theo câu “thần chú” mà một số giáo viên hay mách nhau “MACKENO” (Mặc kệ nó).

Về phía em N., thật chẳng có từ ngữ nào để diễn tả thái độ thách thức, lời lẽ vô phép và hành động quá quắt của một học sinh đối với thầy giáo đang dạy mình: Cầm sách đánh lại thầy, ném sách vào thầy và cầm bút đe dọa. Và không chỉ N., quan sát không khí lớp học cùng một vài khuôn mặt học sinh tình cờ xuất hiện trong clip, tôi tự hỏi lẽ nào đạo đức học sinh lại xuống dốc nhiều như thế?

“Lỗ hổng” trong giáo dục nhân cách, đạo đức cho học sinh là ở đâu? Gia đình đừng bênh vực, bao che quá trớn cho cái sai của con cái mình nữa. Thấy con bị thầy cô đánh mắng, chưa tìm hiểu đúng sai đã vội vội vàng vàng bênh con chằm chặp, lên tiếng chửi mắng, đe dọa và thậm chí là lao đến trường hành hung thầy cô như một vài vụ việc trước đây. Giáo dục trẻ cần tình yêu thương nhưng cũng cần sự nghiêm khắc trong chừng mực, để trẻ vào khuôn nếp, biết giới hạn và điểm dừng của mình. Và cả xã hội nên chăng trao trả cho nhà trường, thầy cô quyền giáo dục học sinh?

Ngọc Hùng