Cảm phục những giáo viên không biết đến nghỉ hè

(Dân trí) - Trong khi các đồng nghiệp nghỉ ngơi sau 1 năm đứng lớp thì những giáo viên xóa mù chữ vẫn miệt mài soạn giáo án, chuẩn bị các bài giảng. Những trưa hè chói chang, những đêm mưa gió họ vẫn lặn lội vượt rừng vào bản gieo chữ cho người dân.


Thời điểm hiện tại, xã Lục Dạ (huyện Con Cuông, Nghệ An) có 5 điểm xóa mù chữ, cứ mỗi điểm 2 lớp, mỗi lớp 2 giáo viên thì có 20 giáo viên của Trường Tiểu học Lục Dạ không được nghỉ hè. Lớp học xóa mù chữ được khai giảng vào ngày 17/3/2015, nghĩa là vẫn đang trong thời gian của năm học chính thức. Bởi vậy, ngoài giờ dạy ở lớp chính khóa, các giáo viên này phải “cáng đáng” thêm lớp xóa mù chữ.

Lớp học xóa mù chữ tại bản Mọi (xã Lục Dạ, huyện Con Cuông, Nghệ An).
Lớp học xóa mù chữ tại bản Mọi (xã Lục Dạ, huyện Con Cuông, Nghệ An).

“Lúc đó đang là mùa đông, ban ngày dạy các cháu tiểu học, lớp xóa mù chữ phải dạy vào ban đêm. Cái lạnh ở miền núi thì không phải nói nữa, buốt đến tận xương. Từ nhà vào bản mất 5 cây số đường rừng, đôi chỗ được đổ đá cấp phối, lên dốc hay đổ đèo bánh xe đều bị trượt trên đá dăm lổn nhổn, không vững tay lái thì ngã luôn. Đường khó đi hay bóng tối không đáng sợ lắm nhưng đi qua nghĩa địa thì hơi rợn rợn hoặc đi dạy về khuya, lúc thanh niên bản đi chơi, rượu ngà ngà rồi cũng sợ”, cô Vi Thị Xài (Trường Tiểu học Lục Dạ) cho biết.

Tất nhiên, để lựa chọn giáo viên tham gia các lớp xóa mù chữ, ban giám hiệu nhà trường cũng phải cân nhắc rất kỹ. Trước hết đó phải là những giáo viên có kinh nghiệm trong giảng dạy, nhiệt tình, có tâm huyết, sinh sống gần các điểm lớp xóa mù chữ. Nói là gần nhưng từ bản nọ sang bản kia cũng mất cả tiếng chạy xe máy với những cung đường ngoằn ngoèo, dốc cao hay qua những đập tràn mênh mông mỗi khi có mưa rừng đột ngột đổ về. Đường sá đi ban ngày đã khó nói gì đến buổi đêm, nhất là khi xe hỏng hóc thì quả là một thử thách không nhỏ đối với các giáo viên.

Lớp học xóa mù chữ tại bản Mọi (xã Lục Dạ, huyện Con Cuông, Nghệ An).
Giáo viên phải là người cầm tay đưa những nét bút đầu tiên cho những học viên lớn tuổi hơn cả bản thân.

“Có những hôm trời mưa, tối, không yên tâm để vợ đi một mình, chồng cô bảo để chở đi. Đến lớp, vợ vào dạy, chồng ngồi ngoài hiên chờ. Mười rưỡi đêm hai vợ chồng lại đèo nhau về”, cô Xài kể. Hiểu công việc và những vất vả của vợ, chồng cô cũng hỗ trợ rất nhiều trong công việc gia đình để vợ yên tâm bám lớp.

Không may mắn như cô Xài, chồng cô Lưu Thị Phượng là bộ đội công tác xa nhà. Để có thể bám lớp, sau giờ dạy chính khóa ở trường, cô Phượng phải tự tay chuẩn bị cơm nước, tắm rửa cho các con. Có những đêm, không yên tâm để hai con ở nhà, cô Phượng phải mang con đi gửi. Khi tan lớp, ứa cả nước mắt khi đến đón thấy con đã ngủ tự bao giờ. “Nhiệm vụ ban giám hiệu giao thì phải thực hiện. Không chỉ bằng trách nhiệm mà việc xóa mù chữ phải được chúng tôi làm cả bằng tình thương và sự cảm thông lẫn nhau”, cô Phượng tâm sự.

Thầy Bùi Hoài Nam và lớp học đặc biệt nhất 8 năm làm nghề giáo.
Thầy Bùi Hoài Nam và lớp học "đặc biệt" nhất 8 năm làm nghề giáo.

Thầy giáo Bùi Hoài Nam là một trong 2 giáo viên của Trường Tiểu học Mỹ Lý (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) được lựa chọn tham gia lớp xóa mù chữ được tổ chức ở bản Yên Hòa. 30 tuổi, 8 năm kinh nghiệm, “vui tính và vẫn độc thân” – thầy Nam hài hước khi lý giải vì sao mình được chọn đứng lớp dạy chữ cho 23 phụ nữ đã có chồng con, thậm chí có người đã lên chức bà ngoại.

“Dạy chữ cho các học viên không phải như học sinh tiểu học. Các chị có tuổi, tiếp thu có phần hạn chế nên phải kiên trì nhưng cũng phải hài hước để “kéo” các chị đến lớp. Nhiều khi học viên kêu khó, thầy phải dùng chuyện Trạng để thư giãn cho cả lớp nhưng vui chuyện lại bị học viên “chỉnh” kể ít để còn học bài. Dạy các chị phải biết động viên, khích lệ kịp thời để không thấy khó mà các học viên bỏ cuộc”, thầy Nam cười.

Cô Vi Thị Xài hướng dẫn học viên tập đọc.
Cô Vi Thị Xài hướng dẫn học viên tập đọc.

Thầy Nam vẫn không thể nào quên được hôm tổ chức khai giảng lớp học xóa mù chữ ở Yên Hòa. Sau phần lễ khai giảng, các học viên mời rượu thầy giáo và đại biểu. Cứ mỗi học viên chúc thầy 2 chén, 1 chén chúc thầy của con, 1 chén chúc thầy của mẹ. Rồi các ông chồng cũng lần lượt chúc rượu thầy, cứ 1 chén chúc thầy của con lại đến 1 chén chúc thầy của vợ. Kết thúc lễ khai giảng, thầy giáo say mềm, chả còn biết gì nữa. “Đồng bào là vậy, khi vui, họ sẽ vui hết mình. Họ có quý mến mới nhiệt tình như thế, mình không thể không đáp lại tình cảm của bà con được”, thầy giáo xóa mù chữ đúc kết. Quê ở huyện Thanh Chương nhưng nghỉ hè thầy Nam vẫn bám bản, bám lớp để xóa mù chữ. 

Để có thể lên lớp, các giáo viên phải chuẩn bị giáo án đặc thù phù hợp với trình độ và khả năng tiếp thu của các học viên. Dạy xóa mù, “cháy” giáo án là chuyện thường tình. Có những bài trong phân phối chương trình chỉ có một tiết nhưng cô trò “đánh vật” với nhau đến 3 tiết mới xong. Bởi vậy, không có sự kiên trì, nhẫn nại, không bằng trách nhiệm xã hội, trách nhiệm nghề nghiệp và tình thương đối với học trò thì giáo viên xóa mù chữ khó mà hoàn thành được nhiệm vụ của mình.

Cô Vi Thị Xài hướng dẫn học viên tập đọc.
Cô Lưu Thị Phương: "Giáo viên phải ý tứ, cân nhắc trong từng lời nói để khuyến khích học viên cố gắng và không khiến họ mặc cảm".

Cái khó nhất của xóa mù chữ đó là vận động được các học viên đến lớp và duy trì được sỹ số từ đầu đến khi hoàn thành chương trình. Đó thực sự là một “cuộc chiến” dài hơi của các giáo viên xóa mù. Học viên lớn tuổi hơn giáo viên, đồng bào lại giàu lòng tự trọng, bởi vậy giáo viên phải ý tứ trong từng câu nói để làm sao khuyến khích học viên cố gắng mà không khiến họ mặc cảm.

Khó khăn là vậy, vất vả là vậy nhưng niềm vui của những giáo viên xóa mù chữ nhiều khi đơn giản lắm. Đó là nụ cười của học viên khi được thầy giáo khen đọc lưu loát một câu đơn. Đó là nhìn những con chữ tròn trịa được viết nên từ những bàn tay gầy guộc, nham nhở vết thương của cuộc mưu sinh hay chỉ là niềm vui không thể diễn tả thành lời khi học viên tự hào khoe đã tự lưu được tên và số điện thoại của thầy trong máy di động…

Hoàng Lam
(hoanghonglam@dantri.com.vn)