Gia Lai:

Cảm động tình thầy, cô bám trường dạy chữ

(Dân trí)-Hết lòng vì học sinh, các thầy cô Trường Bán trú Tiểu học Đăk Rong (Gia Lai) thay nhau chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho các em. Mỗi năm nhà trường phát động 4 đợt góp tiền mua quần áo cho học trò. Nếu em nào đau ốm, thầy cô lại tất tả chăm lo...

Giáo viên góp tiền mua quần áo cũ cho học trò

Sau khi đọc bài viết này, nhiều độc giả ngỏ ý muốn xin số điện thoại liên lạc của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Đăk Rong (xã Đăk Rong, huyện Kbang, Gia Lai) để chia sẻ, hỗ trợ nhà trường. Đáp ứng yêu cầu của độc giả, chúng tôi xin đăng tải số điện thoại của thầy hiệu trưởng Phạm Quốc Tuấn: 0163 888 1758

Cha mẹ gần như “khoán trắng” con cái cho thầy cô, từ học hành đến miếng ăn, giấc ngủ và ngay cả quần áo cũng do các thầy, cô giáo đảm nhận trong khi mỗi em chỉ được Nhà nước hỗ trợ 460 nghìn đồng/tháng. Coi học trò như người thân trong gia đình, nhìn các em mặc những bộ quần áo cũ, mỏng manh để chống chọi với cái rét nơi rừng núi âm u mà các giáo viên (GV) Thầy cô Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Đăk Rong (xã Đăk Rong, huyện Kbang, Gia Lai) không cầm được lòng. Trong số 26 GV trong trường thì nhiều thầy, cô vẫn chưa có nhà ở, sống trong khu tập thể của trường, đời sống còn nhiều khó khăn. Nhưng với tình thương yêu học trò nghèo, mỗi năm thầy Phạm Quốc Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường lại phát động công đoàn khoảng 4 đợt để góp tiền mua quần áo cho học trò.

Thầy Tuấn cho biết, mỗi lần phát động, các thầy, cô ủng hộ được khoảng gần 10 triệu đồng. Số tiền này nếu để mua quần áo mới cho 338 em HS trong trường thì không thể đủ, chính vì vậy, các thầy cô lại lặn lội chạy xe máy hơn 50km ra trung tâm huyện Kbang mua quần áo ở tiệm đồ xổ về cho các em mặc: “Mùa lạnh thì chúng tôi mua áo ấm cho các em, mùa nóng thì mua đồ mỏng hơn cho các em mặc. Thời tiết ở đây khắc nghiệt, mỗi em cũng chỉ có 2, 3 bộ rất phong phanh nếu không đủ ấm cho các em thì rất dễ bị đau ốm, ngồi học không thể tập trung được”, thầy Tuấn cho biết.

Những chiếc áo ấm các em đang mặc được các thầy, cô quyên ghóp ủng hộ mua
Những chiếc áo các em đang mặc được các thầy, cô quyên góp ủng hộ mua.

Để các em được vui chơi, giải trí có ích, thầy Tuấn đã vận động, đầu tư thêm 1 máy chiếu và ti vi để buổi tối các em có thể xem những chương trình thiếu nhi bổ ích. Vào mùa mưa, để đảm bảo an toàn cho HS, nhà trường phải giữ các em ở lại trường cả cuối tuần. Cũng  vì vậy mà khiến nhiều em nhớ gia đình, để giúp các em tạm thời quên nỗi nhớ, yên tâm ở lại trường các thầy, cô lại góp mỗi người vài chục nghìn mua bánh, kẹo và tổ chức trò chơi cho các em.

Những chiếc áo ấm các em đang mặc được các thầy, cô quyên ghóp ủng hộ mua
Đội văn nghệ của trường được thầy, cô hướng dẫn tập vào buổi tối để các em dạy lại cho các bạn trong trường.

Ngoài giờ dạy chính trên lớp, do nhà xa nên các GV đều phải ở lại trường cả tuần. Vì vậy, mỗi buổi tối, các thầy, cô lại tình nguyện phân công nhau đến từng phòng để dạy phụ đạo cho HS. Rồi khi các em ốm đau, các thầy cô lại chăm sóc và nếu em nào ốm nặng, GV sẽ báo cho phụ huynh, rồi cùng phụ huynh đưa các em đến bệnh viện: “Các môn nào các em còn yếu thì các thầy, cô sẽ chỉ dạy thêm cho các em. Rồi hướng dẫn các em ngủ nghỉ đúng giờ”, thầy Tuấn chia sẻ.
Không chỉ dạy các em con chữ, các thầy cô Trường TH Đăk Rong còn dạy học trò những kỹ năng về sinh hoạt cá nhân. Mỗi buổi sáng thức dậy, các em đều tự gấp chăn, màn của mình vuông vắn, ngay ngắn.
Dạy các em gấp chăn, màn vuông vức như trong quân ngũ
Giáo viên dạy cho các em gấp chăn màn gọn gàng.
“Các thầy, cô ở đây không chỉ bỏ công sức, thời gian mà nhiều khi còn phải hy sinh tình cảm của mình như về thăm gia đình để ở lại chăm sóc HS, nhiều lúc các em ốm đau phải đưa các em đi bệnh viện. Có thể nói tôi độc đoán nhưng cái gì có lợi cho HS thì tôi sẽ làm bằng được, cái gì có lợi cho GV mà hại cho HS, tôi sẽ không bao giờ làm”, thầy Tuấn bộc bạch.

Góc giảng dạy của giáo viên chủ nhiệm được các em học sinh trang trí
Góc giảng dạy của giáo viên chủ nhiệm được các em học sinh trang trí.

Bước vào cửa mỗi lớp là các chậu cây cảnh do giáo viên và học sinh trang trí
Bước vào cửa mỗi lớp là các chậu cây cảnh do giáo viên và học sinh trang trí. 

Từ 20 đến… 100%

Chỉ cách đây 3 năm, trong số hơn 300 HS Trường TH Đăk Rong thì chỉ có 20 HS biết đọc. Nhưng bây giờ, thầy hiệu trưởng Phạm Quốc Tuấn khẳng định như đinh đóng cột: 100% HS trong trường đều biết đọc, biết viết, biết làm các phép tính nhân, chia… Điều này nghe có vẻ “lạ” đối với HS miền xuôi, nhưng đối với HS dân tộc thiểu số ở Gia Lai, Kon Tum thì là điều rất… hiếm. Bởi, nhiều nơi khác, HS tốt nghiệp THCS vẫn chưa thông thạo các phép tính nhân, chia, nhiều em chưa biết đọc. Ngay cả một số Trưởng phòng Giáo dục địa phương mà PV Dân trí đã từng làm việc trước đó cũng thừa nhận với PV về thực trạng HS học sinh “ngồi nhầm lớp” và căn bệnh thành tích.

Để có được thành quả trên chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm, công lao đi đầu phải kể đến thầy Hiệu trưởng với nhiều cách làm sáng tạo, mạnh dạn, quyết đoán và đầy tâm huyết. Nếu ở các trường khác, GV không dám cho học trò ở lại lớp thì ở Trường TH Đăk Rong, thầy Tuấn dành riêng một lớp “đặc biệt” cho những em HS yếu, kém của trường học chung, sau một năm sẽ kiểm tra, rà soát chất lượng HS. Để các em chịu học ở lớp này, thầy không chỉ động viên phụ huynh mà còn động viên các em bằng cách: “Khi đưa các em xuống lớp này học, mình động viên các em cố gắng học thật tốt, nếu sau một thời gian các em có tiến bộ thì sẽ cho các em ráp lại với lớp cũ. Em nào mới được đưa vào lớp đặc biệt thì phải bầu chức vụ cho em đó ở lớp mới, ví dụ như lớp trưởng, tổ trưởng… tự dưng được “thăng chức” nên các em sẽ thích thú và sẽ đồng ý học ở lớp đặc biệt này” - thầy Tuấn tiết lộ.

Buổi tối các thầy, cô phân công nhau đến từng phòng của các em giám sát và dạy các em học bài
Buổi tối các thầy, cô phân công nhau đến từng phòng của các em giám sát và dạy các em học bài.

Hết mình vì học trò, nhiều khi các thầy, cô giáo cũng hy sinh thầm lặng tình cảm của mình. Toàn trường TH Đăk Rong có 26 GV trong đó có 6 GV chưa lập gia đình với tuổi đời cũng trên 24 tuổi. “Hầu hết các thầy, cô trong trường đều lấy chồng hoặc vợ trong trường hoặc ở xã. Vì không lấy người làm ở xã thì cũng chẳng biết lấy ai, tôi không lấy anh, anh không lấy tôi thì cũng chẳng biết lấy ai. Em 25 tuổi nhưng cũng chưa biết yêu ai, vì ở đây hầu hết đều lập gia đình, nhà em ở mãi thị trấn, cả tuần ở đây cuối tuần về được hơn 1 ngày cũng chẳng biết đi chơi với ai, chỉ ở nhà với bố mẹ cho hết ngày rồi quay về trường”, một GV vừa đùa vừa thật tâm sự.
(Còn tiếp)

Thiên Thư