Cảm động hình ảnh cha mang chân giả đưa con đi thi

(Dân trí) - Những ngày qua, nhiều bậc phụ huynh đưa con đi thi tại điểm thi Trường Cao đẳng Y Thanh Hóa quen thuộc với hình ảnh một cựu chiến binh với chiếc chân giả cùng con đến trường thi.

Qua tiếp xúc, được biết người thương binh ấy là ông Đỗ Ngọc Ấn (SN 1957), trú tại thôn Thọ Văn, xã Hoằng Phúc, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Những ngày qua, ông Ấn đưa cậu con trai út Đỗ Ngọc Dũng đi thi tại điểm thi Trường Cao đẳng Y Thanh Hóa. Dũng đăng ký thi xét tuyển vào Học viện Nông nghiệp Việt Nam, thi tại cụm thi do Trường ĐH Hồng Đức chủ trì.

Ông Đỗ Ngọc Ấn với chiếc chân giả nhưng vẫn luôn đồng hành cùng con trong những ngày thi.
Ông Đỗ Ngọc Ấn với chiếc chân giả nhưng vẫn luôn đồng hành cùng con trong những ngày thi.

Đây đã là ngày thứ ba, ông Ấn cùng cậu con trai ít của mình đương đầu với nắng nóng đến điểm thi. Nhà ở cách thành phố khoảng 25km, nhưng để thuận lợi cho con đi thi, hơn nữa, do thời tiết nắng nóng đi lại vất vả nên ông đã tìm một phòng trọ gần điểm thi cho con ở.

Ngày đầu tiên đưa con lên thành phố, sau khi tìm cho con chỗ nghỉ gần trường, ông tất tả về quê giúp vợ làm công việc nhà. Nhưng để động viên tinh thần con, ông lại lặn lội lên thành phố chờ con thi.

“Tuy cháu nó có thể tự lo được, nhưng thời tiết nắng nóng như thế này, để con đi một mình tôi không yên tâm. Tôi chỉ lên rồi tối lại về vì cháu nó ở với bạn học cùng lớp”, ông Ấn cho biết.

Khi chúng tôi thắc mắc về đôi chân, ông Ấn chia sẻ, ông vốn sinh ra và lớn lên ở phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa. Năm 1977, trong một lần đang tham gia chiến đấu tại mặt trận 49 của Cam-pu-chia, ông dính mìn và phải cắt mất chân phải.

Sau khi rời quân ngũ trở về quê sinh sống, trên người mang vết thương của chiến tranh, sức khỏe yếu. Nhưng với ý chí, nghị lực phi thường của bản thân, ông đã vượt lên chính mình, dần thích nghi với chiếc chân giả. Rồi ông học nghề sửa xe để hỗ trợ cho vợ cùng nuôi con ăn học.

“Ban đầu mới lắp chân giả vào, đi lại rất khó khăn, máu tại vết thương cứ túa ra. Rồi nghĩ mình tàn chứ không phế, không có gì là không làm được, mình còn một chân và đôi bàn tay, nên tôi quyết tâm vượt qua. Nhưng mình dù có khổ sở, vất vả thế nào thì cũng chỉ mong muốn cho con cái được học tập đến nơi, đến chốn”, ông Ấn tâm sự.

Người cựu chiến binh muốn tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho cậu con trai út.
Người cựu chiến binh muốn tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho cậu con trai út.

Ngồi bên cạnh người cha của mình, Dũng chia sẻ, mấy môn thi vừa qua, em làm bài cũng tạm được. Dũng cho biết, em ước mơ trở thành một bác sĩ thú y về quê phục vụ cho bà con nông dân cũng như có thời gian để đỡ đần cho bố mẹ lúc tuổi về già.

Chia tay hai bố con Dũng, chúng tôi chợt nghĩ phía trước hành trình của hai bố con đang còn nhiều gian nan vất vả, nhưng hi vọng với tình cảm, sự chịu khó của người cha cùng với quyết tâm, Dũng sẽ đạt được mơ ước của mình.

Duy Tuyên