Câu chuyện giáo dục:

Cái chỉ tay vào mặt con trẻ

(Dân trí) - Trong giao tiếp với con trẻ, những người gắn bó nhất với việc giáo dục trẻ là bố mẹ, giáo viên rất hay chỉ tay vào mặt các em. Hành động đó không chỉ là việc thiếu tôn trọng trẻ nhỏ mà còn làm méo mó, lệch lạc tư duy trẻ nhỏ.

Đến các trường học, trong bối cảnh sinh hoạt có thầy và trò, rất dễ thấy hình ảnh giao tiếp thầy chỉ thẳng tay vào mặt học sinh. Trong nhiều tình huống, khi ra yêu cầu hay đề nghị nào đó, thay vì dùng lời, không ít giáo viên có thói quen sử dụng ngón tay trỏ.

Em nào xếp hàng mà đang ngọ nguậy, giáo viên đứng trên chỉ tay. Em nào ngồi trong lớp còn quay ngược quay xuôi, giáo viên chỉ tay. Thầy cô cũng chỉ tay thẳng mặt khi ra hiệu lệnh học sinh phải im ngay kể cả lúc các em đang trình bày… Học trò “nhạy cảm” với cái chỉ tay của giáo viên đến mức các em phản ứng ngay tức thì theo đúng yêu cầu của thầy.

Cùng với cái chỉ tay, thái độ của thầy cô qua một cái nhíu mày, cái nheo mắt hay trợn mắt đều quyết định đến phản xạ của học trò.

Nhiều giáo viên có thói quen giao tiếp với học trò bằng cái chỉ tay
Nhiều giáo viên có thói quen giao tiếp với học trò bằng cái chỉ tay

Không chỉ thầy cô mà ngay trong gia đình, cũng rất nhiều phụ huynh giao tiếp với con bằng cái chỉ tay. Từ khi con còn bé tí, bố mẹ đã chỉ tay ra hiệu lệnh bắt ăn, uống; dùng cái chỉ tay đề nghị trẻ nín khóc, im lặng hay làm theo điều mà mà bố mẹ muốn. Từ trong nhà ra ngõ đến nơi công cộng đều rất dễ thấy hình ảnh bố mẹ chỉ tay vào mặt con trẻ.

Chỉ tay vào mặt người khác là một hành vi phản cảm trong giao tiếp, thể hiện sự xúc phạm, thiếu tôn trọng người đối diện. Vậy mà giữa thầy và trò, cha mẹ và con - mối tương quan của sự yêu thương và gắn bó nhất, hành vi phản cảm đó phổ biến đến mức được người cho và người nhận mặc định đó là một phương thức giao tiếp, phương thức giáo dục phản sư phạm.

Cái chỉ tay như mệnh lệnh tối thượng của người lớn! Đó không chỉ là biểu hiện của sự thiếu tôn trọng mà còn thể hiện tư duy áp đặt - vấn nạn lớn nhất hiện nay trong giáo dục. Thay vì tự do sáng tạo, thay vì tự do suy nghĩ, tự do nêu lên quan điểm, chính kiến của mình thì chỉ cần một “động thái” của người lớn, các em đã có thể “rúm” người lại.

Cái chỉ tay của người lớn vào mặt con trẻ không chỉ là sự thiếu tôn trọng mà còn thể hiện sự áp đặt tư duy, suy nghĩ
Cái chỉ tay của người lớn vào mặt con trẻ không chỉ là sự thiếu tôn trọng mà còn thể hiện sự áp đặt tư duy, suy nghĩ

Chuyên gia giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương chia sẻ, học sinh, nhất là các em từ bậc tiểu học trở nên thường hay suy nghĩ, tư duy theo cách của người lớn “nhét” vào đầu mình. Trong nhiều vấn đề, học trò không tự tin bày tỏ quan điểm, chính kiến theo của bản thân mà lại có thêm động thái “dò” biểu hiện của thầy cô. Chỉ cần thầy cô “ra tín hiệu” là các em không dám trả lời, không dám lên tiếng gì nữa.

Còn hiệu trưởng một trường THCS ở quận 1, TPHCM bộc bạch, khi nhà trường tuyển giáo viên nước ngoài về dạy tiếng Anh, bà thấy sự khác biệt rất rõ, nhất là trong giao tiếp với học trò giữa “thầy tây” và “thầy ta”. Giáo viên nước ngoài quỳ xuống mặt đối mặt để giao tiếp với học trò là chuyện bình thường. Còn thầy cô mình vẫn rất khó thoát khỏi tâm thế “bề trên” ban xuống, chưa xem học trò là một chủ thể chủ động trong giáo dục.

Đổi mới giáo dục xem ra không chỉ là chuyện đổi mới chương trình cao siêu thế nào, công trình sách giáo khoa đồ sộ ra sao mà vấn đề nằm ở đội ngũ. Đội ngũ nhà giáo cần phải thay đổi tư duy mà điều này trước hết phải được thể hiện bằng phương thức dạy học, thái độ giao tiếp với con trẻ. Đó là cách chúng ta yêu thương, tôn trọng cũng như thừa nhận và khuyến khích tư duy, sự khác biệt của mỗi đứa trẻ.

Người lớn - một lần bị người khác chỉ tay vào mặt sẽ hiểu thế nào là tổn thương. Động tác này đối với con trẻ còn trầm trọng hơn nhiều khi các em đang trong giai đoạn phát triển, nhu cầu khẳng định giá trị bản thân và nhu cầu được thừa nhận rất lớn. Đó không chỉ là sự tổn thương về mặt cảm xúc mà còn về tư duy, trí não…

Cái chỉ tay sẽ chỉ tạo ra con người công cụ, máy móc, thụ động thay cho con người sáng tạo!

Hoài Nam