Thi THPT quốc gia 2015:

Các Sở Giáo dục lo đề thi khó, tỷ lệ tốt nghiệp THPT không cao

(Dân trí) - Hôm nay 17/4, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận chủ trì hội nghị với lãnh đạo Sở GD-ĐT các tỉnh thành phía Nam, các trường ĐH chủ trì cụm thi quốc gia và địa phương về công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2015.

Tại hội nghị này, trong khi đại diện các trường ĐH tổ chức cụm thi lo lắng về kinh phí thì các Sở GD-ĐT băn khoăn đề thi thế nào để đảm bảo kết quả tốt nghiệp THPT không thấp và phân hóa để xét tuyển ĐH, CĐ.

Như đề minh họa khó đạt tốt nghiệp THPT

Thí sinh tự do đăng ký thi THPT quốc gia tại TPHCM
Thí sinh tự do đăng ký thi THPT quốc gia tại TPHCM

Đại diện các Sở GD-ĐT đều cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc triển khai kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết năm nay TPHCM có 68.150 thí sinh dự thi còn 7 tỉnh thành lân cận có 73.371 thí sinh, tổng cộng có 141.521 thí sinh tại TPHCM chưa bao gồm thí sinh tự do.Theo ông Sơn, công việc tổ chức cho kỳ thi TPHCM đã chuẩn bị cơ bản đầy đủ đồng thời việc phân chia 8 cụm thi như đã công bố tương đối thuận lợi cho thí sinh.

Bên cạnh đó, ông Sơn cũng cho biết các năm trước khi các trường THPT chuyển dữ liệu về Sở GD còn điều chỉnh, bổ sung hoặc thay đổi nếu thông tin thí sinh có sai sót. Tuy nhiên năm nay có phần mềm quản lý nên chuyển về cho cụm thi do các trường ĐH chủ trì, nếu chỉnh sửa sẽ rất khó khăn. “Chúng tôi đề nghị các trường phổ thông kiểm tra thật kỹ hồ sơ của thí sinh để tránh sai sót làm mất quyền lợi của học sinh. Tuy nhiên điều này cũng đòi hỏi phần mềm phải thật chuẩn xác, phải được chạy thử để yên tâm khi thực hiện việc này”, ông Sơn nói.

Đồng thời về đề thi thì giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết bộ phận chuyên môn cũng rất băn khoăn về đề thi mẫu được công bố. Theo ông phải tính toán thế nào để phù hợp năng lực học sinh để vừa đảm bảo cho học sinh xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Đó cũng là điều lo lắng của nhiều giám đốc Sở GD-ĐT các tỉnh. Ông Trần Trọng Khiếm – Giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ cho biết, học sinh, phụ huynh trong tỉnh vẫn còn băn khoăn, đề minh họa Bộ GD-ĐT công bố giáo viên cho rằng có câu dễ nhưng cũng có những câu khó quá. Ông Khiếm kiến nghị Bộ GD-ĐT cố gắng làm sao năm nay mục tiêu xét tốt nghiệp đảm bảo cao để đảm bảo thành quả của ngành giáo dục đào tạo trong năm qua, còn mục tiêu vào ĐH,CĐ có thể phân hóa hơn.

Còn ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam thì chia sẻ rằng cảm thấy rất thấy lo lắng. Xã hội quan tâm lớn nhất là làm sao đó kết quả kỳ thi vừa xét tốt nghiệp vừa để đánh giá đúng để xét tuyển vào ĐH,CĐ. Sự chuẩn bị tổ chức từ các trường và Sở GD không khó vì đã làm nhiều năm nhưng cái khó chính là kết quả. Đặc biệt trong đó là khâu ra đề thi, làm sao bảo đảm được tính phân hóa phạm vi cả nước từ con em dân tộc thiểu số đến đồng bằng.

“Tôi đề nghị, đề thi cần phải có tính phân hóa, lần này ra đề thi cần có những thầy cô giáo dạy trường chuyên biệt và có những học sinh có học lựa yếu kém. Đây là lần đầu tiên nên yếu tố an toàn rất quan trọng. Vừa rồi Bộ GD-ĐT có những đề minh họa, nếu ra thế này thì khả năng tốt nghiệp là không đạt”, vị giám đốc Sở GD bày tỏ.

Ngoài ra, ông Quốc cũng cho rằng khâu coi thi và chấm thi, nếu không đều giữa các giám thị coi thi và chấm thi sẽ dẫn đến không công bằng. Vì vậy, việc điều động coi và chấm thi, đề nghị các Sở GD-Đ lựa chọn các thầy cô giáo có khả năng chấm chính xác và chuyên nghiệp tham gia chấm thi.

Trong khi đó, ông Trần Hoàng Nhân - Giám đốc Sở GD-ĐT Long An đề xuất rằng trong đề thi trắc nghiệm, việc nhận diện của học sinh rất khó nếu bị xáo trộn. Nếu đề thi đánh theo thứ tự từ dễ đến khó vẫn đảm bảo được tính khoa học, có thể sẽ thuận tiện hơn cho thí sinh trong làm bài.

Tuy nhiên, đại diện đến từ trường ĐH Phú Yên thì lại cho rằng, điểm thi nếu đặt không đồng nhất giữa 2 loại cụm thi sẽ dễ xảy ra tình trạng học sinh kém đỗ tốt nghiệp cao hơn học sinh giỏi, nếu không nghiêm thì rất dễ xảy ra tình trạng này. Theo vị này đề thi 2 trong 1 cần đảm bảo 40% khó để phân loại nhưng để công bằng vấn đề không phải đề thi mà chính là coi thi.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đề xuất, các sở GD-ĐT phân bổ giáo viên coi thi không tham gia chấm thi. Việc huy động cán bộ coi thi, chấm thi không nên “mượn” riêng mà phải có sự phân công cử đi của Sở GD hoặc trường ĐH. Về việc ôn tập, Bộ GD đã có công văn hướng dẫn, nếu trường tổ chức ôn tập thì chủ động kinh phí nhưng tránh ép buộc học sinh học thêm.

Mong hỗ trợ để các cụm thi bù lỗ

Trong khi đó, các trường ĐH phụ trách cụm thi kiến nghị những vấn đề liên quan đế tài chính, kinh phí tổ chức kỳ thi. TS Nguyễn Quốc Chính - Trưởng ban đào tạo ĐH và sau ĐH (ĐHQG TPHCM) đề nghị, hiện tại đã có thông tư liên tịch số 40 nhưng cần quy định mức chi sớm để cac trường thực hiện. Theo ông Chính, những năm trước tổ chức thi thường phần thu không đủ bù chi, điều này có khả năng xảy ra trong năm nay. “Có nên chăng có biện pháp hỗ trợ các trường tổ chức thi trong năm nay để bù vào”, ông kiến nghị

Tương tự, đại diện của trường ĐH Quy Nhơn cho biết trường phụ trách cụm thi cho 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Dự kiến cụm thi này phải nhờ các Sở GD cử giáo viên giỏi ở phổ thông tham gia chấm thi. Tuy nhiên, vấn đề chính là giáo viên đa phần ở xa, nếu chấm thi có khi mất tới nửa tháng vậy chi phí lưu trú sẽ như thế nào?

Cũng là vấn đề kinh phí, đại diện trường ĐH Quy Nhơn nêu rằng thực tế mấy năm trước các trường ĐH tổ chức thi để tuyển sinh nên trường nào cũng chấp nhận lỗ. Tuy nhiên năm nay thì không thể lỗ được vì lần này thi không phải vào trường. Vị này đề nghị Bộ GD có chỉ đạo cho UBND tỉnh có thể chia sẻ kinh phí với cụm thi, “nếu vì trách nhiệm các trường cũng sẽ “gánh” nhưng đề nghị Bộ cũng nên nghiên cứu hướng hỗ trợ”.
 

Tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh

 
Sau khi lắng nghe các ý kiến băn khoăn của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã có nhắc từng việc cụ thể. Về đề thi, Bộ trưởng cho biết bản thân ông cũng nhận được nhiều thư, email đặc biệt của các thầy cô vùng cao đề nghị đề thi nên xếp câu dễ câu khó riêng ra, chú ý đến các thí sinh chỉ thi để tốt nghiệp, thí sinh ở vùng sâu vùng xa… Bộ trưởng lưu ý rằng “ta nên đặt mình vào hoàn cảnh các cháu để xử lý cho hài hòa, tạo điều kiện tốt nhất cho các cháu làm bài trong điều kiện nghiêm túc và trung thực”.
 
Về các mốc thời gian, trước ý kiến các trường đề nghị nói lùi thời gian chấm thi, nhất là môn Văn thì ông Luận cho rằng có thể tính toán lại để cân đối, đảm bảo tính nghiêm túc chính xác.
 
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng đề nghị phải triển khai cụ thể việc phối hợp ở các cụm thi địa phương. Ông cho rằng những năm trước dùng khái niệm thuê phòng thi nhưng năm nay các trường phổ thông, các trường ĐH gánh vác nhiệm vụ chung cho cả hệ thống, tất cả phải có trách nhiệm hỗ trợ cho kỳ thi chung.
 
Đối với các băn khoăn về cơ sở vật chất, thiết bị, phòng thi thì theo quy chế thực hiện nhưng có những điều quy chế không thể hiện nên các trường được quyền tự chủ, chủ động thực hiện.
 
Ông Luận cũng nhìn nhận rằng sức ép gắn chặt với giám đốc sở GD, chủ tịch UBND tỉnh đó là tỷ lệ tốt nghiệp. Tuy nhiên, nếu các thí sinh học giỏi có đủ năng lực thì cứ đi thi cụm thi xét ĐH, còn thí sinh chỉ muốn thi xét tốt nghiệp không có nghĩa là các cháu học kém.
 
Lê Phương