Các ĐH “tiếc tiền” kiểm định

(Dân trí) - Phần lớn các trường Đ H, CĐ chưa chú trọng dành kinh phí cho hoạt động đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo. Bộ GD-ĐT cũng chưa có văn bản hướng dẫn về mức chi cho hoạt động này nên việc vận dụng ở các trường càng khó khăn.

Đó là một trong những đánh giá của Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) về tình hình triển khai kiểm định chất lượng (KĐCLGD) của các trường ĐH, CĐ.

Cũng theo Cục Khảo thí thì hiện nay, Bộ GD-ĐT chưa ban hành cơ chế chính sách cụ thể để khuyến khích các hoạt động đảm bảo và KĐCLGD, chưa xác định cụ thể lợi ích giữa Nhà nước, nhà trường và người học, đặc biệt là lợi ích cụ thể của các trường đại học, cao đẳng. Vì thế, công tác đảm bảo và KĐCLGD chưa trở thành nhu cầu thực sự, chưa có ý nghĩa sống còn đối với nhà trường.

Công tác kiểm định chất lượng đã được rục rịch triển khai từ gần 5 năm trước đây nhưng đến nay mới chỉ như “ngày hôm qua”.

Hơn 210 ĐH, CĐ “trắng” trung tâm bảo đảm chất lượng

Theo TS Nguyễn An Ninh, Cục trưởng Cục khảo thí, mặc dù Bộ GD-ĐT đã có quy định về việc thành lập các đơn vị chuyên trách làm công tác đảm bảo chất lượng (ĐBCL) trong các trường ĐH, CĐ nhưng đến nay vẫn còn có hơn 130 trường cao đẳng, 80 trường đại học chưa có trung tâm, phòng, tổ hoặc bộ phận chuyên trách làm công tác này.

Đã thế, đối với các trường có đơn vị chuyên trách đã được thành lập thì tại nhiều nơi chưa có các quy định thống nhất về tên gọi, chức năng và nhiệm vụ nên triển khai chưa đồng bộ, còn lúng túng và kém hiệu quả. Có trường thành lập đơn vị ĐBCL nhưng lại phải… giải thể do không rõ chức năng và nhiệm vụ, không biết phải triển khai những công việc gì, mặc dù Điều lệ trường đại học đã quy định việc này thuộc thẩm quyền của Hiệu trưởng.

Về đội ngũ cán bộ làm công tác KĐCLGD tình trạng cũng bi đát không kém khi đội ngũ này vừa thiếu, vừa yếu, hầu hết đều mới và chưa được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ. Hiện nay, ĐH Quốc gia Hà Nội đã tổ chức 2 khóa thạc sĩ đo lường đánh giá giáo dục ở trong nước. Nhưng chỉ mới có rất ít đơn vị như ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế, ĐH Quốc gia Hà Nội, Học viện Bưu chính viễn thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trường CĐ Sư phạm Mẫu giáo TW… quan tâm cử cán bộ đi đào tạo.

Thậm chí, hằng năm, Chính phủ Australia có chương trình học bổng ADS hoặc học bổng nỗ lực (Endeavour Award) cho nhiều ngành, nhưng hầu như rất ít cán bộ, giảng viên quan tâm đăng ký học về đo lường, đánh giá và KĐCLGD.

Phân cấp chậm + Thờ ơ = “Rùa” kiểm định?

Bộ ì ạch, xuống đến cơ sở lại gặp phải sự thờ ơ, việc kiểm định chất lượng của các trường ĐH, CĐ trong nhiều năm qua cũng vì thế mà chỉ dừng lại ở con số vô cùng khiêm tốn: 20 trường trong tổng số trên 350 trường ĐH, CĐ hoàn thành báo cáo tự đánh giá, đã được đánh giá ngoài và đang chờ xem xét công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Bộ GD-ĐT đã có chủ trương phân cấp quản lý công tác đánh giá và KĐCLGD. Theo đó, các cơ quan quản lý trực tiếp của các trường có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai tự đánh giá của các trường, tiếp nhận báo cáo tự đánh giá, nghiên cứu và có ý kiến phản hồi cho các trường; giám sát việc triển khai thực hiện các giải pháp cải tiến chất lượng trên cơ sở kết quả tự đánh giá. Tuy nhiên, quá trình phân cấp còn chậm.

Xuống đến trường thì nếu không lúng túng triển khai thì cũng là sự lạnh nhạt đón nhận. Như tại ĐH Vinh thì loay hoay mãi về chuyện thành lập bộ phận đảm bảo chất lượng phải thế nào. Lúc đầu, bộ phận này nằm trong phòng thanh tra của nhà trường. Nhưng qua quá trình triển khai thực hiện thấy những bất cập về chức năng của hai hoạt động này nên đã tách ra khỏi thanh tra. Thế là chỉ riêng việc nhập và tách đã mất vô khối thời gian, còn đâu dành cho việc kiểm định!

Hay như sự thừa nhận của lãnh đạo trường ĐHSP TPHCM thì lãnh đạo nhà trường chưa có sự quan tâm đúng mức đối với công tác đảm bảo chất lượng nội bộ. Cụ thể, trong phân công Ban giám hiệu, chưa thấy có ai được phân công phụ trách công tác đảm bảo chất lượng. Do đó, khi tiến hành đánh giá thí điểm, nhiều thành viên trong ban lãnh đạo các khoa còn cho rằng đây là việc chiếm nhiều thời gian, không thiết thực!

Về phía giảng viên và sinh viên của trường, cũng ít người hiểu được tầm quan trọng của công tác đảm bảo chất lượng. Nhiều giảng viên khi được triệu tập trong các tập huấn hay trong các cuộc họp tiếp xúc với đoàn đánh giá ngoài, đã không đến!

Mai Minh