Các chức danh ở lớp tiểu học tại Hàn Quốc

(Dân trí) -Tôi vô cùng thích thú với kiểu phân công lao động và phân chia trách nhiệm như lớp con đang làm. Hình thức phân chia thành các chức danh như vậy giúp học sinh hình thành ý thức tự giác và tinh thần trách nhiệm và tránh được những chuyện tiêu cực xảy ra ở học đường.

Giáo viên tiểu học là nghề trong mơ của bạn trẻ Hàn Quốc
Học sinh lớp 3 một trường tiểu học ở Mapo, phía Tây Seoul, Hàn Quốc tặng hoa cô giáo nhân Ngày Nhà giáo. (Ảnh: Yonhap)
 
Từ “Chuyện lớp trưởng của con trẻ ở nước Đức”, tôi nghĩ về lớp của con gái tôi, cháu đang học lớp 1 tại một trường tiểu học ở Seoul, Hàn Quốc. Khi đọc bài “Chuyện lớp trưởng của con trẻ ở nước Đức” của tác giả Trần Đình Ngân, tôi nhớ lại buổi họp phụ huynh hồi đầu năm học 2013 (Hàn Quốc khai giảng năm học mới vào đầu tháng 3 hàng năm). Qua buổi họp phụ huynh, tôi được biết lớp con có 4 chức danh: người giúp đỡ, người gọn gàng, người chia sẻ, người ăn uống. Lớp con được chia làm nhiều nhóm, mỗi nhóm gồm có 4 bạn, 4 bạn luân phiên nhau, mỗi bạn đảm nhiệm một chức danh trong vòng một tuần. “Người giúp đỡ” có nhiệm vụ giúp đỡ các bạn khác trong lớp, “người gọn gàng” có nhiệm vụ đôn đốc các bạn dọn vệ sinh tại chỗ của mình và vệ sinh chung cả lớp sau mỗi buổi học, “người chia sẻ” có nhiệm vụ phát giấy, bút hoặc dụng cụ học tập cho các bạn trong nhóm mình khi cô giáo nhờ, “người ăn uống” có nhiệm vụ phát sữa cho các bạn trong nhóm (mỗi buổi sáng các con được phát 1 hộp sữa tươi). Mục đích và ý nghĩa của 4 chức danh này là giúp học sinh hình thành ý thức tự giác và tinh thần trách nhiệm.
 
Các chức danh ở lớp tiểu học tại Hàn Quốc
Ảnh một buổi học của một lớp tiểu học ở Hàn Quốc có phụ huynh của lớp tới dự giờ. (Ảnh: Đào Thị Mỹ Khanh)
 
Tôi vô cùng thích thú với kiểu phân công lao động và phân chia trách nhiệm như lớp con đang làm. Hình thức phân chia thành các chức danh như vậy không những giúp học sinh hình thành ý thức tự giác và tinh thần trách nhiệm, mà còn tránh được những chuyện tiêu cực xảy ra ở học đường như tình trạng thầy cô thiên vị học sinh nào được làm lớp trưởng, hay học sinh nào được làm lớp trưởng thì có trách nhiệm nhưng cảm thấy trách nhiệm đè nặng trên vai, lại có chuyện phụ huynh “mua” chức danh lớp trưởng cho con mình, và tệ hại hơn nữa là chuyện lớp trưởng mới “trả thù” lớp trưởng cũ để rồi con người gây ra hằn thù lẫn nhau ngay từ năm lớp một.
 
Thật đáng buồn và đáng suy ngẫm về chuyện chức danh học đường ở Việt Nam. Theo tôi, các bậc phụ huynh, các thầy cô chủ nhiệm và các nhà giáo dục Việt Nam cần tìm giải pháp để các em học sinh được học tập và trưởng thành trong một lớp học dân chủ đúng nghĩa và không còn tiêu cực về chức danh học đường.
 
Đào Thị Mỹ Khanh
(từ Seoul, Hàn Quốc)