Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Triển khai mô hình thí điểm bữa ăn học đường

(Dân trí) - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm tới sẽ triển khai mô hình điểm về bữa ăn học đường tại những địa phương có tính chất đặc thù.

Chiều 6/3, Bộ GDĐT tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Quyết định số 41/QĐ-TTg ngày 8/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2018 - 2025”. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì Hội nghị.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Triển khai mô hình thí điểm bữa ăn học đường - 1

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị

Chung tay giải bài toán về thể lực cho học sinh

Đề án 41 đưa ra mục tiêu đến năm 2025: 100% cán bộ làm công tác y tế trường học; ít nhất 85% học sinh, sinh viên, giáo viên; ít nhất 50% cha mẹ học sinh được truyền thông về lợi ích của dinh dưỡng hợp lý và hoạt động thể lực đối với việc phòng, chống các bệnh không lây nhiễm.

Ít nhất 90% cơ sở giáo dục tổ chức bữa ăn bán trú cung cấp bữa ăn tại trường học đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng theo quy định. 100% cơ sở giáo dục thực hiện đầy đủ các các quy định về hoạt động thể lực thông qua các hoạt động chính khóa và ngoại khóa

Báo cáo đánh giá của Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ GDĐT cho thấy, sau hơn một năm triển khai Đề án 41, nhận thức, trách nhiệm của các cấp quản lý giáo dục trong việc xây dựng và chỉ đạo thực thi chính sách; hiểu biết và thực hành của giáo viên, học sinh, sinh viên, cha mẹ học sinh về dinh dưỡng hợp lý, tăng cường hoạt động thể lực đã được nâng lên.

Nhìn nhận về ý nghĩa, tầm quan trọng của Đề án 41, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, Đề án đã bắt đúng vào vấn đề mà xã hội quan tâm, chạm đến mong muốn của mọi người, đó là chế độ dinh dưỡng và rèn luyện thể lực đối với trẻ em, học sinh, sinh viên. Giải quyết được vấn đề này chính là giải bài toán về thể lực, tầm vóc và chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.

Triển khai mô hình điểm về bữa ăn học đường

Theo Bộ trưởng, đây là vấn đề không chỉ thuộc trách nhiệm của Nhà nước, hay chỉ cần sự quyết tâm của một số bộ, ngành cần sự đồng hành của xã hội, trước hết là ngay trong ngành giáo dục, từ đội ngũ các thầy cô giáo, cán bộ quản lí, đến học sinh cần nâng cao nhận thức, thống nhất hành động.

Bộ trưởng cho biết, chương trình GDPT mới sẽ triển khai tới đây sẽ nhấn mạnh đến giáo dục toàn diện đức - trí - thể - mĩ, trong đó đặc biệt quan tâm đến thể lực, sức khỏe.

Một năm triển khai Đề án 41 vừa qua, cùng với những chuẩn bị đã làm nhiều năm trước đó cho thấy ngành Giáo dục đã có những bước đi bài bản để hướng đến mục tiêu giáo dục phát triển toàn diện.

“Không phải đến giờ chúng ta mới thực hiện đảm bảo dinh dưỡng học đường, rèn luyện thể lực cho học sinh, sinh viên nhưng lần này chúng ta làm bài bản. Một năm vừa rồi là bước khảo sát thực tế, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, để năm tới đây sẽ triển khai mô hình điểm về bữa ăn học đường tại những địa phương có tính chất đặc thù. Sau một năm, những mô hình này sẽ được tổng kết.

Mô hình nào thành công sẽ nhân rộng, không chạy theo phong trào, không lấy thành tích, làm đến đâu tốt đến đấy, bài bản, nhịp nhàng giữa các bên, làm sao để thành công thức cho mọi người mọi lúc mọi nơi có thể tham khảo, nhu cầu dinh dưỡng, tập luyện thể lực thành nhu cầu tự thân của từng người, từng trẻ” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Triển khai mô hình thí điểm bữa ăn học đường - 2

Ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em, Bộ Y tế.

Huy động nguồn kinh phí xã hội hóa

Một trong những giải pháp quan trọng để triển khai thành công Đề án 41 là phải huy động được nguồn kinh phí xã hội hóa với sự đồng hành của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Thời gian qua, Bộ GDĐT đã làm việc, kết nối hợp tác với một số doanh nghiệp nhà đầu tư có chiến lược và tiềm lực, trong đó có tập đoàn TH true Milk là đơn vị tiên phong.

Hiện nay, tập đoàn TH đang tập trung hỗ trợ dự án xây dựng mô hình điểm tại các vùng, miền về thực hiện chế độ bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực nhằm triển khai xây dựng bữa ăn học đường.

Bà Thái Hương, nhà sáng lập Tập đoàn TH cho biết, Tập đoàn TH đã kí hợp đồng với những chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu Nhật Bản, kết hợp với những chuyên gia Việt Nam để thí điểm chế độ dinh dưỡng sao cho phù hợp với thể trạng của người Việt Nam. Sau thí điểm, bà Hương mong có Hội đồng khoa học để đánh giá mô hình điểm, rút kinh nghiêm và đề xuất với Chính phủ ban hành quyết sách mạnh mẽ.

 Ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em, Bộ Y tế cho rằng, đối với việc triển khai mô hình điểm,  cần phải tính đến sự khác biệt vùng miền. Trong đó, ngành Y tế phải tăng cường trách nhiệm phối hợp với ngành Giáo dục trong quá trình xây dựng thực đơn phù hợp cho các nhóm đối tượng vùng miền, thậm chí cho nhóm tuổi và cao hơn nữa là cho nhóm bệnh.

Hồng Hạnh