Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Tạo điều kiện tối đa để học sinh vùng lũ trở lại lớp

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa đi kiểm tra khảo sát tình hình khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra đối với ngành giáo dục của các tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã đến thăm, khảo sát tại các trường THCS Trung Giang (Huyện Gio Linh, Quảng Trị), Trường tiểu học Đại Phong (Huyện Lệ Thủy, Quảng Bình), Phòng GD Hương Khê, Hà Tĩnh và Sở GD Nghệ An, Sở GD Thừa Thiên Huế. Bộ GD&ĐT đã trao tặng gần 1,5 tỷ đồng cho ngành giáo dục các tỉnh miền Trung và sách vở, cặp sách và đồ dùng học tập. Đoàn cũng đã đến viếng em Trần Ngọc Hào, học sinh lớp 9 trường THCS Gia Minh (huyện Quảng Ninh) bị lũ cuốn trôi.

Chia sẻ với thầy và trò các trường chịu thiệt hại do mưa lũ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Tôi xin chia sẻ với nỗi đau của ngành GD và gia đình các em bị mất trong lũ. Tôi cũng rất chia sẻ với khó khăn của ngành giáo dục Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị. Chuyến đi lần này của đoàn công tác nhằm khảo sát, kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra với ngành giáo dục địa phương. Chúng tôi cũng làm việc với lãnh đạo các địa phương, dù khó khăn đến mấy cũng không để học sinh phải bỏ học và để thầy cô rơi vào hoàn cảnh khó khăn.


Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thăm hỏi, động viên gia đình em Trần Ngọc Hào, học sinh lớp 9 Trường THCS Gia Minh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) không may thiệt mạng trong đợt bão lũ vừa qua.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thăm hỏi, động viên gia đình em Trần Ngọc Hào, học sinh lớp 9 Trường THCS Gia Minh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) không may thiệt mạng trong đợt bão lũ vừa qua.

Tại tỉnh Quảng Bình, theo báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình, 100% trường và cơ sở giáo dục của tỉnh bị ảnh hưởng, trong đó, có 70% trường và cơ sở giáo dục bị ảnh hưởng nặng. Tổng thiệt hại toàn Ngành ước tính trên 105 tỷ đồng, trong đó, đã có trên 2900 phòng học, 820 phòng chức năng, 1150 phòng nội trú bị hư hỏng. Riêng số sách giáo khoa, vở, thiết bị giảng dạy và học tập của giáo viên, học sinh bị ướt, hư hỏng: trên 50.000 bộ (SGK) và gần 30.000 bộ (thiết bị). Đặc biệt, có 07 em học sinh mầm non, tiểu học, THCS, THPT bị chết do đuối nước.

Còn tại Quảng Trị, theo báo cáo của Sở GD&ĐT địa phương, toàn tỉnh tổng thiệt hại của ngành giáo dục nơi đây lên tới 3,33 tỷ đồng. Rất may không có thiệt hại về người.

Tại Hà Tĩnh, toàn ngành giáo dục bị thiệt hại 11,2 tỷ đồng, trong đó riêng ngành giáo dục huyện Hương Khê chịu thiệt hại nặng nhất (7,7 tỷ đồng). Hơn 300 trường học từ mầm non tới THPT bị ngập lụt.

Đến thăm và khảo sát tại các trường, Sở GD&ĐT bị thiệt hại do mưa lũ, Bộ trưởng đã trao quà cho các cháu học sinh của trường và tiền quyên góp của toàn ngành giáo dục. Sự hỗ trợ vật chất này theo người lãnh đạo ngành GD là tấm lòng tương thân tương ái của cán bộ, công chức ngành giáo dục, là tình cảm hướng tới miền Trung nhằm chia sẻ khó khăn với ngành giáo dục 3 tỉnh, góp phần khắc phục những khó khăn để giáo dục địa phương sớm ổn định trở lại.


Bộ trưởng Nhạ tặng sách giáo khoa cho học sinh vùng lũ thuộc huyện Lệ Thủy, Quảng Bình

Bộ trưởng Nhạ tặng sách giáo khoa cho học sinh vùng lũ thuộc huyện Lệ Thủy, Quảng Bình

Đồng thời, người lãnh đạo ngành GD cũng chia sẻ với nỗi đau của những gia đình đã mất con trong mưa lũ, cũng như những khó khăn, thiệt hại mà ngành giáo dục 3 tỉnh miền Trung đang phải gánh chịu trong những ngày vừa qua, những thách thức trong những ngày sắp tới để đảm bảo ổn định tình hình giáo dục của địa phương.

“Tôi cũng mong lãnh đạo địa phương tiếp tục tạo điều kiện tối đa nhất để ngành GD tiếp tục trở lại hoạt động bình thường” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bày tỏ.

Bộ trưởng cũng khẳng định: “Sau khi đi kiểm tra, Bộ và các Vụ, Cục, cùng lãnh đạo sở sẽ có kế hoạch cụ thể để đảm bảo tình hình học tập sau bão lũ, kiên cố hóa trường lớp các vùng lũ. Về dài hạn, Bộ đã bàn với các Sở GD của 3 tỉnh miền Trung giải pháp nhằm giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho thầy và trò trước các sự cố môi trường và gần đây là bão lũ”.

“Sự ủng hộ về vật chất chưa nhiều, trong khi địa phương rất khó khăn, nhưng đây là tấm lòng chia sẻ, tương thân tương ái của những người đồng nghiệp. Tôi rất mong lãnh đạo tỉnh, sở chuyển lời hỏi thăm động viên các cô thầy, học sinh cố gắng khắc phục nhanh thiệt hại sau bão lũ để tổ chức quá trình học trở lại bình thường” – Bộ trưởng Nhạ nói.


Bộ trưởng Nhạ và đoàn công tác thăm hỏi gia đình thiệt hại do lũ gây ra

Bộ trưởng Nhạ và đoàn công tác thăm hỏi gia đình thiệt hại do lũ gây ra

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng mong các thầy cô, không chỉ khắc phục khó khăn của bản thân, mà hãy nỗ lực đưa các em đến trường. “Chúng tôi mong các thầy cô sẽ phát huy tinh thần nhà giáo trong lúc khó khăn này cố gắng vượt qua. Các thầy cô ở ngành giáo dục các tỉnh miền Trung sẽ không phải đơn lẻ mà xung quanh còn có toàn ngành” – Bộ trưởng Nhạ nói.

Bộ trưởng Nhạ cho biết, Công đoàn ngành giáo dục sẽ tiếp tục phát động các hoạt động ủng hộ hướng về miền Trung. Bộ GD&ĐT cũng đã kêu gọi các Công ty Sách thiết bị trường học, các cơ sở GD tại các TP có điều kiện sẽ cùng sẻ chia với đồng nghiệp, các cháu học sinh. Đồng thời phát động các cơ sở giáo dục trong toàn quốc quyên góp sách vở, quần áo, cặp sách, thiết bị đồ dùng để gửi tới học sinh vùng lũ.

Quảng Trị: sớm khắc phục hậu quả do thiên tai để ổn định dạy học

Chiều 23/10, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác của Bộ Giáo dục và lãnh đạo UBND tỉnh, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị đã đến thăm và kiểm tra công tác khắc phục hậu quả thiên tai tại trường THCS Trung Giang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Tạo điều kiện tối đa để học sinh vùng lũ trở lại lớp - 4

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tặng tượng trưng số tiền 150.000.000 đồng cho ngành giáo dục Quảng Trị

Trường THCS Trung Giang thuộc xã miền biển bãi ngang của tỉnh, địa phương vừa chịu ảnh hưởng của thảm họa môi trường và thiên tai vừa qua. Trường hiện có hơn 250 học sinh theo học, chủ yếu là con em ngư dân sinh sống dựa vào việc đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản. Thời gian qua, việc khai thác, nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng do sự cố môi trường khiến đời sống của các gia đình rơi vào khó khăn.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Tạo điều kiện tối đa để học sinh vùng lũ trở lại lớp - 5

Bộ trưởng thăm và kiểm tra về cơ sở vật chất của trường THCS Trung Giang

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Tạo điều kiện tối đa để học sinh vùng lũ trở lại lớp - 6

Trường được xây dựng khá lâu nên nhiều phòng bị xuống cấp

Đặc biệt, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và bão số 7 khiến nhiều cơ sở vật chất của trường bị hư hỏng. Bên cạnh đó, do nhà trường được xây dựng từ lâu nên một số phòng học, phòng hiệu bộ bị xuống cấp nghiêm trọng nên không đáp ứng được yêu cầu dạy học cho học sinh, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học.

Trao đổi nhanh với đoàn công tác của Bộ Giáo dục, ông Hoàng Đức Thắm, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết, ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và bão số 7 vừa qua kèm theo lốc xoáy đã gây ảnh hưởng nặng nề cho ngành giáo dục địa phương. Nhiều cơ sở vật chất của các trường trên địa bàn bị hư hỏng, tốc mái do lốc xoáy. Ước tính thiệt hại ban đầu khoảng hơn 3 tỷ đồng. Mấy ngày qua, các trường đã khẩn trương khắc phục hậu quả của thiên tai để việc dạy và học không bị gián đoạn.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chia sẻ, động viên ngành giáo dục Quảng Trị cố gắng khắc phục những thiệt hại sau đợt áp thấp nhiệt đới vừa qua. Đối với các trường, các địa phương bị thiệt hại nặng, Bộ trưởng yêu cầu Sở Giáo dục đào tạo tỉnh Quảng Trị kịp thời động viên học sinh, phụ huynh khắc phục khó khăn, huy động học sinh đến trường, không để học sinh nào phải nghỉ học do hoàn cảnh khó khăn.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Tạo điều kiện tối đa để học sinh vùng lũ trở lại lớp - 7

Tặng quà động viên ngành giáo dục và trường trước những thiệt hại của thiên tai

Trong dịp này, Bộ GD-ĐT đã ủng hộ ngành giáo dục tỉnh Quảng Trị 150 triệu đồng, tặng 100 bộ sách giáo khoa cho học sinh vùng thiệt hại sau mưa lũ và tặng riêng cho trường THCS Trung Giang 30 triệu đồng và các thiết bị trường học khác.

Ngoài ra, Công đoàn giáo dục Việt Nam tặng 10 triệu, trường Đại học GTVT tặng 50 triệu, Trường ĐH sư phạm Hà Nội tặng 30 triệu cho ngành giáo dục Quảng Trị bị ảnh hưởng do đợt áp thấp nhiệt đới vừa qua.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, ông Mai Thức- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cảm ơn sự quan tâm của Bộ trưởng và đoàn công tác của Bộ giáo dục đối với những thiệt hại của ngành giáo dục Quảng Trị sau đợt áp thấp nhiệt đới vừa qua.

Ông Thức bày tỏ mong muốn Bộ Giáo dục-Đào tạo tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa đến ngành giáo dục tỉnh Quảng Trị, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo tại địa phương.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tặng Huế hơn 200 triệu khắc phục lũ lụt

Chiều 23/10, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác đã đến thăm tỉnh Thừa Thiên Huế và tặng quà, động viên việc khắc phục hậu quả bão lụt của cán bộ, giáo viên, học sinh.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã trao số tiền 210 triệu đồng (gồm 150 triệu đồng tiền sách vở, thiết bị học là đóng góp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Giáo dục; 50 triệu đồng của Trường Đại học Giao thông Vận tải và 10 triệu đồng của Công đoàn Giáo dục Việt Nam) cho ngành giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế để chia sẻ khó khăn của thầy cô giáo, học sinh bị lũ lụt. Bộ trưởng Nhạ đã đã động viên thầy, trò các địa phương vùng lũ tỉnh Thừa Thiên Huế cố gắng vượt qua khó khăn, tiếp tục thi đua dạy tốt học tốt.

Bộ trưởng tặng sách giáo khoa cho tỉnh Thừa Thiên Huế
Bộ trưởng tặng sách giáo khoa cho tỉnh Thừa Thiên Huế

Trong buổi làm việc, Bộ trưởng đã lưu ý về Đề án tăng cường học Tiếng Anh (Đề án Ngoại ngữ 2020) và những thế mạnh của Đại học Huế như khoa học cơ bản, khoa học tự nhiên, Y khoa và Nông lâm. Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ đặt bài cho các nhà khoa học và có những dự án, đề án những ngành trọng điểm gắn chặt với nhu cầu phát triển địa phương giao cho Đại học Huế thực hiện.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng chỉ rõ Đại học Huế muốn thu hút công nghệ, chương trình nước ngoài đặc biệt về khoa học công nghệ tiên tiến thì phải có Khu vực xây dựng mới. Riêng khu vực nội đô hiện có chỉ thích hợp những chương trình kinh tế, quản trị kinh doanh nên… Bộ GD-ĐT sắp tới sẽ rà soát lại Khu quy hoạch Đại học Huế để hình thành hạ tầng tốt nhằm thu hút đầu tư dự án và tạo tiền đế cho các trường đại học nước ngoài sang hợp tác.

Đồng thời, do Huế có lợi thế thu hút được rất nhiều du khách nước ngoài nên Đại học Huế cần nghiên cứu, tiến tới thành lập trường Đại học Du lịch Huế. Về phía Bộ GD-ĐT sẽ ủng hộ cho Đại học Huế tiếp cận chương trình đào tạo theo chuẩn của nước ngoài về đại học du lịch.

Nhật Hồng - Đại Dương - Đăng Đức