Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Liên kết đào tạo bừa bãi thì phải xử lý”

(Dân trí) - “Việc tự chủ gắn với kế hoạch tài chính, việc tuyển sinh không đảm bảo chất lượng hoặc việc mở những ngành rất kỳ lạ đã bị nhắc nhở mà vẫn không thực hiện, rồi liên kết bừa bãi thì phải xử lý. Tới đây, Bộ sẽ làm nghiêm vấn đề này".

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nhấn mạnh rõ như vậy với hơn 1.000 đại biểu dự Hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học tại 3 đầu cầu Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh ngày 17/7.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Liên kết đào tạo bừa bãi thì phải xử lý” - 1

“không phải cứ hơi tí là phạt”

Tại hội nghị, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Bằng cho biết, thực tế thời gian qua, có không ít trường thiếu sót, sai phạm trong quản trị đại học.

Ví dụ, nhiều trường xây dựng đội ngũ giảng viên chưa bảo đảm về số lượng, cơ cấu, đặc biệt cơ cấu theo ngành. Bên cạnh đó, sai phạm trong liên kết đào tạo như đào tạo không phép, sai đối tượng, sai địa chỉ… số lượng trường vi phạm rất nhiều.

Vừa qua Bộ đã rà soát, xử lý bước đầu và sẽ tiếp tục xem xét xử lý các trường hợp cụ thể đang vi phạm các quy định về đào tạo chính quy, đào tạo thạc sĩ ngoài trụ sở chính, không ban hành quy chế văn bằng chứng chỉ, cấp chứng chỉ ngoại ngữ tràn lan…

 “Trước kia, những trường vi phạm trên thì bị chế tài phạt 3 năm không được mở ngành, không được liên kết đào tạo. Luật GD Đại học (2019) đã nâng lên thành 5 năm, tức là tính nghiêm túc cao hơn nhiều” – ông Bằng cảnh báo.

Ông Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT trường ĐH FPT cho rằng, việc luật quy định tăng cường tự chủ đại học song song với hậu kiểm và siết chặt xử phạt là rất cần thiết.

Tuy nhiên, theo ông Tùng, quy định xử phạt vi phạm về tuyển sinh, mở ngành và liên kết đào tạo với nước ngoài nâng lên 5 năm là quá nặng.

 “Đình chỉ 5 năm như vậy thì Hiệu trưởng cả nhiệm kỳ không phải làm gì… Phạt cũng được, xử lý hiệu trưởng cũng được nhưng cắt quyền của trường trong 5 năm là vấn đề khá lớn, bộ cần nghiên cứu lại vấn đề này. Bên cạnh đó, cần có cơ sở về giáo viên, cấp chứng chỉ hành nghề và mã số cho giảng viên của các trường trên cơ sở kiểm định về bằng cấp” – ông Tùng đề xuất.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Liên kết đào tạo bừa bãi thì phải xử lý” - 2

Ông Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT trường ĐH FPT

Giải đáp về vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, việc xử phạt “không phải cứ hơi tí là phạt” nhưng vi phạm đến mức độ thì phải xử phạt.

“Việc tự chủ gắn với kế hoạch tài chính, việc tuyển sinh không đảm bảo chất lượng hoặc việc mở những ngành rất kỳ lạ đã bị nhắc nhở mà vẫn không thực hiện, rồi liên kết bừa bãi thì phải xử lý. Tới đây, Bộ sẽ làm nghiêm vấn đề này ở mức xem xét phải phạt thì mới dừng chứ không phải hơi tí là dừng ngay” – Bộ trưởng Nhạ khẳng định.

Về mã số giảng viên, Bộ trưởng Nhạ đánh giá đây là ý kiến rất xác đáng, tới đây sẽ có mã số định danh để quản lý cho rõ, có cơ sở để đào tạo, bồi dưỡng.

Cần tôn trọng đầu vào đại học

Tại hội nghị, GS Nguyễn Hữu Tú – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội cho rằng, đối với ngành Y, đầu vào không quyết định tất cả nhưng là khâu rất quan trọng để đảm bảo đầu ra. Trong thực tế đào tạo giữa các ngành có chênh lệch điểm đầu vào, chúng tôi nhận thấy năng lực của các sinh viên cũng rất chênh lệnh nhau. Chính vì vậy chúng ta cần tôn trọng năng lực đầu vào.

“Nếu chúng ta chỉ chú trọng đầu vào mà bỏ quên đầu tư các điều kiện để đảm bảo chất lượng của quá trình đào tạo thì đầu ra cũng có thể chưa tốt; việc đánh giá năng lực đầu ra nếu không làm tốt, sinh viên cũng không có đủ năng lực để tốt nghiệp. Chính vì vậy, các chính sách của Bộ GD&ĐT  cần hướng tới việc đảm bảo chất lượng của cả quá trình từ tuyển sinh, đào tạo, đầu ra” – GS Tú nhấn mạnh.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Liên kết đào tạo bừa bãi thì phải xử lý” - 3

GS Nguyễn Hữu Tú – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội.

PGS.TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng ĐH Ngoại Thương cho biết, việc đa dạng hoá các phương thức tuyển sinh của các cơ sở GDĐH hiện nay là tất yếu, điều đó là tín hiệu đáng mừng, các có sở GDĐH tiến gần hơn thị trường lao động, thế giới việc làm. 

“Mỗi cơ sở GD đại học cần định vị cho mình đoạn thị trường nhất định và đặc biệt quan tâm tới các điều kiện đảm bảo chất lượng để đáp ứng yêu cầu của đoạn thị trường đó” – ông Tuấn chia sẻ.

Theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trường trường Đại học Bách khoa HN, giáo dục ĐH hiện là một thị trường mà thị trường muốn phát triển tốt đòi hỏi hệ thống môi trường cạnh tranh mạnh.

 Cho rằng minh bạch là yếu tố cốt yếu để đảm bảo cạnh tranh, ông Sơn nhất trí cao với việc xây dựng cơ sở dữ liệu của từng giảng viên, thậm chí là cả các sinh viên để xác định được việc làm của sinh viên sau khi ra trường.

“Khi các trường đều minh bạch, công bố các số liệu liên quan để đảm bảo chất lượng, việc làm sau khi tốt nghiệp của sinh viên thì đây là thông tin quan trọng thể hiện chất lượng các trường. Việc có trách nhiệm với người học trong việc đào tạo sinh viên ra trường có việc làm đúng chuyên môn không chỉ căn cứ vào báo cáo của các trường, mà Bộ GD-ĐT cần có dữ liệu thống kê để tạo sự minh bạch, thúc đẩy sự phát triển” – ông Sơn nói.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Liên kết đào tạo bừa bãi thì phải xử lý” - 4

PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trường trường Đại học Bách khoa HN.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, tự chủ là một trục xuyên suốt, trong đó tuyển sinh chỉ là một khâu. Một đại học phát triển triển bền vững là phải nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, gắn kết với người sử dụng lao động, cộng đồng. Nhưng hiện nay các trường mới tập trung vào đào tạo, thời lượng bàn về nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, khời nghiệp, gắn kết đào tạo với sử dụng còn ít.

Do đó, để nâng cao uy tín cho giáo dục đại học Việt Nam, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, không có gì khác ngoài chất lượng.

“Các trường đại học phải minh bạch điều kiện đảm bảo chất lượng, để những trường nào chất lượng sau một thời gian không cải thiện được phải đóng cửa. Các trường cạnh tranh bình đẳng về chất lượng, tránh trường hợp có những góc khuất, những điểm tối, tạo ra nghi ngờ trong xã hội và người sử dụng lao động về chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam”.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Liên kết đào tạo bừa bãi thì phải xử lý” - 5

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Tự chủ - câu chuyện không đơn giản

GS.TS Phạm Quang Trung, Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục cho rằng tự chủ là câu chuyện không đơn giản bởi giữa các trường có sự phân hóa.

“Các trường top trên, trường mạnh, có đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên tốt, có uy tín cao thì việc thực hiện sẽ dễ còn các trường khác bao gồm cả khối công lập và ngoài công lập thì sẽ có những khó khăn. Đây là vấn đề mà trong công tác điều hành, quản lý mà Bộ cần hết sức lưu ý”- GS Trung khuyến nghị.

Theo GS.TS Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo (ĐH Quốc gia Hà Nội), bản chất của tự chủ ĐH không phải là chúng ta có đề án tự chủ hoặc cắt toàn bộ kinh phí của nhà nước mà bản chất là chính sách nhà nước cởi trói về mặt cơ chế để các trường có cơ hội để nhanh chóng tiếp cận với chuẩn mực quốc tế; để thoát khỏi các rào cản có thể gọi là quan liêu, bao cấp để nhanh chóng phát triển theo thông lệ của thế giới.

Hồng Hạnh