Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: "Hội đồng trường phải thực quyền theo Nghị định 99"

(Dân trí) - "Hội đồng trường phải thực quyền, chỉ như vậy thì Luật số 34 và Nghị định số 99 mới đi vào cuộc sống. Hiện có nhiều lý do khác nhau mà Hội đồng trường tại nhiều cơ sở giáo dục ĐH chưa thực quyền, nhưng tới đây tình trạng này cần chấm dứt".

 Đó là ý kiến của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị triển khai Nghị định 99 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học tại 6 đầu cầu trực tuyến trên cả nước, với hơn 230 trường đại học tham dự sáng ngày 6/1.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Hội đồng trường phải thực quyền theo Nghị định 99 - 1

Hội nghị trực tuyến tại 6 đầu cầu trực tuyến trên cả nước về triển khai Nghị định 99

 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH) năm 2018 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng GDĐH, thực hiện hội nhập quốc tế và đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao.

Để triển khai thực hiện Luật, ngày 30/12/2019 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH, bao gồm 20 điều quy định các nội dung mà Luật đã giao Chính phủ hướng dẫn.

Nghị định đã quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành những nội dung chính căn bản về 4 nhóm vấn đề: Hệ thống cơ sở GDĐH gồm: tên của cơ sở GDĐH; chuyển đổi cơ sở GDĐH tư thục sang tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; chuyển trường đại học thành đại học và thành lập trường thuộc cơ sở GDĐH; liên kết các trường đại học thành đại học; công nhận cơ sở GDĐH định hướng nghiên cứu;

Về hội đồng trường và hiệu trưởng các cơ sở GDĐH và Quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình, hệ thống văn bằng, chứng chỉ GDĐH và một số vấn đề khác… được Luật quy định hướng dẫn.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Hội đồng trường phải thực quyền theo Nghị định 99 - 2

Các đại biểu tham dự hội nghị

Bộ GD&ĐT, cơ quan quản lý không can dự sâu vào công tác điều hành của các trường

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đặc biệt nhấn mạnh, yêu cầu lãnh đạo các cơ sở giáo dục ĐH cần quán triệt sâu cho cán bộ, giảng viên, viên chức, người lao động trong đơn vị mình để hiểu rõ Luật 34 và Nghị định 99, cũng như quyền, trách nhiệm của đơn vị mình, của từng cá nhân - "Tự chủ không phải chỉ với cơ sở giáo dục ĐH mà phải "ngấm" đến từng bộ phận, từng giảng viên".

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, tự chủ đại học là xu thế tất yếu, trên nền tảng xu hướng của tự chủ ĐH, trong bối cảnh điểm xuất phát thấp, đầu tư còn hạn chế, phần lớn các cơ sở giáo dục ĐH sống bằng học phí, nhưng giáo dục ĐH cũng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận như GD đại học xếp thứ 68 trên 196 nước và vùng lãnh thổ, nâng được 12 bậc so với 2018. Nhiều bảng xếp hạn quốc tế danh tiếng có tên của cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện tự chủ ĐH cũng đặt ra một số thách thức, như một số trường thực hiện tự chủ nhưng năng lực còn hạn chế, thực hiện chưa nghiêm, dẫn đến nhiều vấn đề bất cập nảy sinh…

“Rõ ràng, bên cạnh cơ hội cũng đặt ra nhiều vấn đề phải chấn chỉnh, xử lý, để giáo dục ĐH tiến tới minh bạch về chất lượng, bình đẳng trong cạnh tranh và tiếp cận đến chất lượng thực và chất lượng quốc tế” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng lưu ý một số nhóm vấn đề quan trọng cần cùng thống nhất nhận thức trong Luật 34, Nghị định 99, trong đó, nhóm vấn đề liên quan đến cơ cấu tổ chức nhà trường, thành lập trường trong ĐH, trường ĐH, điều kiện từ trường ĐH sang ĐH...

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Hội đồng trường phải thực quyền theo Nghị định 99 - 3

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Về vấn đề liên quan đến thiết chế Hội đồng trường mà nhiều đại biểu quan tâm, Bộ trưởng nhấn mạnh: "Hội đồng trường phải thực quyền, chỉ như vậy thì Luật 34 và Nghị định 99 mới đi vào cuộc sống. Hiện do nhiều lý do khác nhau mà Hội đồng trường tại nhiều cơ sở giáo dục ĐH chưa thực quyền, nhưng tới đây tình trạng này cần chấm dứt".

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng lưu ý đến một số vấn đề liên quan đến văn bằng, các trình độ đặc thù, tên giao dịch quốc tế của trường, trách nhiệm của Hội đồng trường với tên gọi thế nào... các cơ sở đào tạo cần quan tâm thực hiện triệt để giải trình trước xã hội, trước Bộ GD&ĐT.

Về thống nhất việc phân công trách nhiệm thế nào giữa các bên liên quan, Bộ trưởng Nhạ cho rằng, Bộ GD&ĐT, các cơ quan chủ quản tập trung vào quản lý nhà nước, không can dự sâu vào công tác điều hành của các trường bằng biện pháp hành chính.

Cùng với đó là trách nhiệm giám sát, kiểm tra của địa phương trên địa bàn quản lý cơ sở giáo dục ĐH và các cơ quan tổ chức liên quan đều cùng phải vào cuộc, phải chịu trách nhiệm theo phân công. Nhưng trước hết, vẫn phải là là trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục ĐH.

Bộ trưởng cũng lưu ý, thực hiện tự chủ đúng kế hoạch đề ra nhưng phải bền vững, chắc chắn, hạn chế tối đa xáo trộn, đổ vỡ.

 “Tôi tin, năm 2020 là năm bản lề chúng ta thực hiện Luật 34, Nghị định 99, để giai đoạn 2021-2025 GD ĐH của chúng ta có những đột phá” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Xử lý nghiêm những trường đại học vi phạm

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định liên quan thực hiện Luật và Nghị định 99/2019; Nghị định về Xử phạt vi phạm hành chính; 8 thông tư ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo các trình độ, chuẩn chương trình các trình độ, mở ngành, giáo trình…

Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về GDĐH, chuẩn GDĐH là cơ sở cho các trường thực hiện tự chủ và công cụ thực hiện thanh tra, kiểm tra các cơ sở GDĐH;

Chỉ đạo các cơ sở GDĐH tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng, các hoạt động Kiểm định chất lượng đối với cơ sở và chương trình đào tạo;

Đặc biệt, sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện tự chủ của các cơ sở GDĐH; xử lý vi phạm hoặc phối hợp với cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm vi phạm.

Đối với cơ quan quản lý trực tiếp các trường đại học, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng, phải đầu tư, định hướng trường ĐH phát triển thành ĐH (nếu đủ điều kiện), đẩy mạnh tự chủ đại học tại các cơ sở GDĐH trực thuộc.

Đồng thời, cử đại diện tham gia HĐT của các cơ sở GDĐH trực tiếp quản lý; Chỉ đạo các cơ sở GDĐH trực tiếp quản lý thành lập mới hoặc kiện toàn HĐT theo quy định của Luật GDĐH; Công nhận HĐT của các cơ sở GDĐH công lập;

Đối với cơ sở đại học phải tổ chức phổ biến Luật và Nghị định cho toàn trường để thực hiện đồng bộ; Xác định chiến lược, kế hoạch, định hướng phát triển; Ban hành quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế hoạt động của HĐT và các quy định nội bộ khác của trường;

Bồi dưỡng năng lực lãnh đạo, quản trị hiện đại cho các cán bộ chủ chốt; có cơ chế phối hợp Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Hội đồng trường; Phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong; kiểm định cơ sở, chương trình và triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng

Đồng thời, phải thực hiện trách nhiệm giải trình, hoàn thiện hệ thống thông tin nội bộ; cập nhật, công khai, kết nối với CSDL quốc gia về GDĐH theo quy định; Có cơ chế giám sát việc tuân thủ pháp luật, thực hiện quy chế dân chủ trong các hoạt động của trường ĐH và trách nhiệm giải trình của người có thẩm quyền; giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của trường ĐH.

Điểm thuận lợi đối với các đại học đó là Luật số 34 có nhiều nội dung mới, tạo điều kiện cho các trường tự chủ, cụ thể:

Thứ nhất, Hội đồng trường là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan;

Thứ hai, Chủ tịch hội đồng trường là thành viên cơ hữu của trường;

Thứ ba, Nhiệm kỳ của Hiệu trưởng do Hội đồng trường quyết định. Nghĩa là “tư duy nhiệm kỳ đã được gỡ bỏ”.

Tuy nhiên, đi vào thực tế, việc thực hiện được hay không các qui định pháp luật này lại còn tùy thuộc chủ quan rất nhiều vào mối quan hệ giữa nhà trường và cơ quan chủ quản; cũng như quan điểm của người đứng đầu.

Do đó, việc thống nhất áp dụng những nội dung nói trên như thế nào, trong một số trường hợp là không hề đơn giản và nhiều khi không thể thống nhất được.

Hồng Hạnh