Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Để so sánh nền giáo dục với nước khác cần phải có số liệu nghiên cứu cụ thể

(Dân trí) - Trong buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ tại trường ĐH Văn Hiến (TPHCM) vào ngày 13/4, một giảng viên đã đặt câu hỏi, giáo dục Việt Nam đang đứng thứ mấy ở châu Á?. Bộ trưởng Nhạ cho rằng để so sánh nền giáo dục với nước khác cần phải có số liệu nghiên cứu cụ thể.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, câu hỏi giáo dục Việt Nam đứng thứ mấy trong khu vực là một câu hỏi hay, nhưng rất khó trả lời vì cần phải có số liệu nghiên cứu cụ thể.

Một giảng viên của trường ĐH Văn Hiến đặt câu hỏi với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ rằng giáo dục Việt Nam đang xếp thứ mấy ở khu vực
Một giảng viên của trường ĐH Văn Hiến đặt câu hỏi với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ rằng giáo dục Việt Nam đang xếp thứ mấy ở khu vực

Theo ông Nhạ, hiện nay, Việt Nam có nhiều sinh viên xuất sắc được đào tạo trong các trường đại học của Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn chung chất lượng giáo dục đại học Việt Nam còn thấp, trong đó nhiều trường chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu. Cần lưu ý rằng, không có nền giáo dục tốt mà giá rẻ. So với các nước, về xếp hạng Việt Nam cần cố gắng rất nhiều vì chúng ta xếp hạng còn ở mức thấp...

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Để so sánh nền giáo dục với nước khác cần phải có số liệu nghiên cứu cụ thể - 2
Bộ trưởng Nhạ cho rằng khó có thể so sánh nền giáo dục nước này với nước khác.

“Sắp tới đây, giải pháp quan trọng là Bộ sẽ chỉ đạo đẩy mạnh tự chủ ĐH, quan tâm tới giáo dục ngoài công lập, điều chỉnh lại chính sách, không phân biệt công tư”, ông Nhạ nói.

Bộ trưởng Nhạ cũng đánh giá, trong số 60 trường đại học ngoài công lập hiện nay có nhiều trường đã trải qua thăng trầm, nhưng có trường đã có hướng đi mới, trong đó phát triển theo hướng đại học ứng dụng là đúng đắn.

Ông Nhạ định hướng rằng, một trường ĐH cần xác định rõ sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi xong mới đến các hoạt động chức năng của nhà trường. Đối với cộng đồng, mỗi trường ĐH đều có sứ mệnh riêng. Bước đầu, sứ mệnh của trường ĐH Văn Hiến là đào tạo, nghiên cứu, phát triển nguồn nhân lực nói chung trong đó là những lĩnh vực liên quan đến văn hóa, du lịch. Tuy nhiên dựa vào nhu cầu rất rộng của cộng đồng và những thế mạnh lợi thế về các ngành nông nghiệp, thủy hải sản ở phía Nam đặc biệt ĐBSCL, nhà trường nên mở rộng đào tạo nhân lực khai thác tiềm năng này.

“Vậy mấy chục triệu dân ở ĐBSCL đang trông chờ gì ở các trường ĐH trong đó có chúng ta, đào tạo nguồn nhân lực trước hết để phục vụ khai thác tiềm năng mà khu vực này có. Rõ ràng khu vực sông nước này rất cần các kỹ sư không chỉ nuôi trồng mà còn chế biến sau thu hoạch”, Bộ trưởng Nhạ chia sẻ.

Ông Nhạ cho rằng một trường ĐH bao giờ cũng đứng vững trên hai “chân” là đào tạo và nghiên cứu khoa học, tuy nhiên, hiện việc nghiên cứu khoa học của trường còn mờ nhạt. Vì vậy trường cần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu để nâng cao chất lượng đào tạo. “Tôi khuyên nhà trường phải nghiên cứu từ bây giờ, trước hết nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Nếu không chú trọng nghiên cứu khoa học từ bây giờ, 5 -10 năm sau thành tựu về nghiên cứu khoa học của trường không có, như vậy trường chỉ chủ yếu… dạy nghề”, ông Nhạ lưu ý.

Bộ trưởng Nhạ trò chuyện với học sinh đang học tại Trường quốc tế Mỹ
Bộ trưởng Nhạ trò chuyện với học sinh đang học tại Trường quốc tế Mỹ

Cùng ngày, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đã có buổi làm việc với Trường Quốc tế Mỹ (AIS). Tại đây, ông Nhạ cho rằng, môi trường giáo dục của nhà trường rất tốt nhưng cần phải tăng cường thêm các hoạt dộng ngoài nhà trường. Giáo viên đến từ nhiều vùng văn hóa khác nhau nên cần dành thêm thời gian tìm hiểu về văn hóa và học sinh Việt Nam thì hiệu quả giáo dục cao hơn.

Bộ trưởng Nhạ cho biết Bộ GD-ĐT đang thay đổi chương trình giáo dục phổ thông. Sẽ có những chính sách rất cụ thể với việc đẩy mạnh hội nhập thế giới. Vì vậy, mô hình liên cấp như trường sẽ tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận tốt với thế giới. Tuy nhiên, cần lưu ý tránh quá tải cho học sinh vì chương trình hay nhưng quá tải thì chưa phải là điều chúng ta mong đợi.

Lê Phương