Bộ trưởng Giáo dục gỡ rối cho thầy trò vùng cao

(Dân trí) - Chiều 12/5, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã có buổi giao lưu, trò chuyện với thầy và trò huyện Yên Minh (Hà Giang). Nhiều băn khoăn của giáo viên và học sinh xoay quanh câu chuyện đổi mới giáo dục và kì thi THPT quốc gia đã được người đứng đầu ngành Giáo dục giải đáp.

Đổi mới không chỉ có chương trình và sách giáo khoa

Mở đầu buổi giao lưu, cô Xuân Hòa - Hiệu trưởng Trường THPT Yên Minh đặt câu hỏi: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án chương trình, sách giáo khoa (CT, SGK) mới có đề cập đến việc, bắt đầu từ năm học 2018-2019 bắt đầu triển khai áp dụng chương trình đổi mới theo hình thức cuốn chiếu đối với các cấp học. Vậy những nhiệm vụ của ngành giáo dục thực hiện mục tiêu này? Nhà trường cần chuẩn bị, triển khai những gì để áp dụng CT, SGK mới?

Đi thẳng vào vấn đề Bộ trưởng Phạm Vũ Luận bày tỏ: “Nội dung quan trọng nhất của đổi mới lần này không phải là đổi mới CT, SGK mà là chúng ta phải chuyển từ nền giáo dục nặng truyền thụ kiến thức một chiều sang nền giáo dục chú trọng phát triển năng lực, kỹ năng và phẩm chất của người học”.

Làm rõ vấn đề này, Bộ trưởng phân tích: Lâu nay thầy cô giáo lên lớp có thói quen giải thích, giảng lại những nội dung CT trong SGK theo một CT Bộ đã quy định để cho học sinh hiểu, nhớ, nắm kỹ rồi về nhà làm bài tập. Đến một ngày nào đó sẽ đến thi thì chúng ta lại yêu cầu HS nói lại những nội dung đã được học, giải lại những bài mẫu đã được tập từ trước và học sinh nào trả lời được đầy đủ các ý mà SGK đã viết, bài giảng thầy cô đã cho ghi sẽ được điểm cao, học sinh quên sẽ được điểm thấp, còn không nhớ gì thì cho ở lại lớp. Chúng ta cũng không khuyến khích học sinh nói khác với mình, nói khác với SGK, không khuyến khích học sinh nêu vấn đề, ý kiến... Như vậy, thầy cô chỉ truyền thụ những kiến thức triết lý và yêu cầu học sinh phải học thuộc và nói lại, viết lại. Đây chính là nền giáo dục truyền thụ kiến thức một chiều.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải đáp các thắc mắc của thầy 
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải đáp các thắc mắc của thầy 
và trò huyện Yên Minh (Hà Giang).

Nhiệm vụ của chúng ta bây giờ là chuyển từ nền giáo dục này sang một phương thức là giúp cho học sinh từng bước một hình thành những kỹ năng và những phẩm chất. Chẳng hạn như kỹ năng lắng nghe: lắng nghe thầy cô giáo, lắng nghe các kênh truyền thông khác. Đối với những ý kiến khác nhau thì phải biết lắng nghe, lựa chọn sau đó phải biết năng lực, kỹ năng tự học. Điều đó có nghĩa, không phải thầy dạy mà người thầy gần như trở thành người cố vấn, hướng dẫn cho học sinh tự học và học theo nhóm... Thông qua đó học sinh sẽ tiếp tục hình thành các kỹ năng khác như kỹ năng biết trình bày ý kiến của bản thân, biết bảo vệ ý kiến của mình, biết lắng nghe, tiếp thu ý kiến của bạn...

Trong quá trình chuyển đổi như vậy thì có một nội dung đó là đổi mới CT, SGK để chúng ta có một CT, có một nội dung phù hợp với cách dạy mới, tránh hàn lâm...

“Có nhiều ý kiến cho rằng, chưa thay đổi sách, chương trình, chưa thay đổi cách dạy cách học, giáo viên thì chưa được bồi dưỡng, tập huấn mới thì ngành đã thay đổi cách thi là không đúng. Tuy nhiên, cuộc sống đòi hỏi chúng ta phải thực hiện Nghị quyết ngay. Ở đây có hai tiền đề cũng như là hai quy luật. Thứ nhất là “học gì thi nấy” dành cho các thầy, các nhà quản lý phải nhớ; thứ hai là “thi gì học nấy, thi thế nào học thế ấy” dành cho trò. Để vận dụng hai mối quan hệ biện chứng này thì trong lúc chờ đợi CT, SGK mới và tập huấn giáo viên, chúng ta phải đổi mới thi theo cách vận dụng hai quy luật này bằng cách đổi mới thi nhưng với nguyên tắc là không làm khó học sinh. Đổi mới cách thi sẽ yêu cầu học sinh phải thay đổi cách học, giáo viên phải thay đổi cách dạy” - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh.

Đổi mới chương trình, sách giáo khoa là vấn đề được giáo viên vùng

Đổi mới chương trình, sách giáo khoa là vấn đề được giáo viên vùng
 cao đặc biệt quan tâm 

Bộ trưởng Luận cũng khẳng định, ngành đã thực hiện những điều nói ở trên, được thể hiện ở chỗ ngành đã thực hiện việc giảm tải nội dung từ nhiều năm nay, triển khai thành công mô hình trường học mới VNEN, áp dụng phương pháp dạy học tích hợp ngày càng có hiệu quả. Trên nền tảng thay đổi đó, Bộ đã thay đổi cách ra đề thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh, không yêu cầu học sinh phải học thuộc lòng; từ đó tránh được hiện tượng mang “phao” vào phòng thi.

“Rõ ràng chúng ta đã thực hiện đổi mới rồi, nhiệm vụ đối với giáo viên đó là phải nhanh chóng hòa nhập vào những thay đổi đó. Theo tinh thần chung thì Bộ chỉ đạo các tỉnh, các Sở GD-ĐT tùy thuộc vào điều kiện thực tế của địa phương phải khẩn chương triển khai nhưng không vội vã, hấp tấp. Quan trọng nhất là công tác chuẩn bị cho đổi mới” - người đứng đầu ngành giáo dục chia sẻ.

Bộ trưởng Luận cũng cho biết thêm: Bộ GD-ĐT đã triển khai nhiều công tác hỗ trợ giáo viên và các nhà trường, trong đó có “Trường học kết nối”. Đây là địa chỉ, diễn đàn để các thầy cô trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau vượt khó khăn trong quá trình đổi mới.

Bộ đang phối hợp cùng với Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel và Đài Truyền hình Việt Nam để có những chương trình, bài giảng mẫu với CT, SGK hiện nay nhưng giảng dạy theo lối phát triển năng lực, phẩm chất.

“Đề nghị các thầy, các cô, các nhà trường chủ động, sáng tạo cập nhật những công cụ này. Đây là những bước tập dượt cho mỗi giáo viên thay đổi nhận thức, bổ sung kiến thức, tăng cường năng lực để đến khi đưa sách giáo khoa mới vào giảng dạy giáo viên đủ sức dạy theo chương trình mới” - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh.

Kì thi THPT quốc gia: Học sinh đừng quá lo lắng

Trước ý kiến của một học sinh học tại Trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) bày tỏ mặc cảm trước kỳ thi, Bộ trưởng khẳng định: Không có gì phải mặc cảm! Chủ trương của Nhà nước là học tập suốt đời, không chỉ học trong nhà trường mà còn ở ngoài xã hội... Bộ đang xử lý các việc để học sinh giáo dục thường xuyên hoàn toàn bình đẳng, tự tin như là học sinh THPT. Trên thực tế thì ở các TTGDTX cũng còn nhiều khó khăn hơn so với các trường THPT hiện nay nên trong công tác đề thi, Bộ đã chỉ đạo bộ phận ra đề tính toán làm sao cho phù hợp với các cháu học tại TTGDTX.

Đông đảo học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú cấp 2-3 Yên Minh 

Đông đảo học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú cấp 2-3 Yên Minh 
tham gia buổi giao lưu và đặt câu hỏi cho Bộ trưởng 

Về việc nhiều học sinh bày tỏ lo lắng với đề thi năm nay khi mà số lượng làm thử đề minh họa vừa qua cho kết quả rất thấp, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải thích: Khác với những năm trước, kết quả thi năm nay phục vụ cho hai mục đích: Vừa để xét tốt nghiệp, vừa lấy làm căn cứ để cho các trường CĐ, ĐH xét tuyển. Chính vì vậy trong đề sẽ có những câu dễ, câu khó. Tất nhiên cái khó ban ban đầu là các cháu chưa quen nên về mặt tâm lý thì chưa hiểu đề thi sẽ ra như thế nào thì có thể sẽ có bỡ ngỡ, băn khoăn.

“Bộ sẽ ra đề thi không quá khó, các cháu chỉ cần nắm vững kiến thức phổ thông và có khả năng vận dụng là hoàn toàn có thể làm tốt được bài thi. Tất nhiên, đề thi sẽ không yêu cầu các cháu phải học thuộc lòng. Trong quá trình ôn luyện, giáo viên và học sinh có thể tham khảo đề thi minh họa đã được Bộ ban hành và đề thi của năm 2014. Đề thi năm nay cũng dựa trên mẫu hình năm trước, có chăng liều lượng kiến thức có thể tăng, giảm ở từng phần, tuy nhiên sự khác biệt không nhiều” - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải tỏa lo lắng cho thầy và trò huyện Yên Minh

Trước câu hỏi của một giáo viên về việc định mức giáo viên trong việc đổi mới giáo dục, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho chia sẻ: “Đến lúc này ngành chưa có tính toán gì đến định mức cụ thể”.

Bộ trưởng ví von, chúng ta phải giải quyết xong “cái nhà” thì mới tính đến việc dùng điện như thế nào, dùng nước ra sao...

“Tuy nhiên về nguyên tắc thì sẽ thay đổi vì một CT mới, nội dung mới, cách tiếp cận theo phương pháp mới thì chắc chắn sẽ phải điều chỉnh định mức giáo viên. Đây là đội ngũ quyết định đến sự thành công của đổi mới. Cái gì hợp lý thì chúng ta phải giữ lại, nếu bất hợp lý phải bỏ, còn cái gì thiếu thì phải bổ sung” - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói.

Về việc có ý kiến đề nghị thay đổi định mức giáo viên ở trường phổ thông dân tộc nội trú, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận bày tỏ: Việc định mức giáo viên ở trường phổ thông dân tộc nội trú chưa đáp ứng được thì Bộ đã biết và cũng đã có phương án nhưng chưa thông nhất được với Bộ Nội vụ để ban hành. Hiện nay Bộ Nội vụ cũng có cái khó đó là Chính phủ đang yêu cầu tinh giản biên chế. Những năm qua thì ngành giáo dục đang được ưu tiên như việc đưa giáo viên mầm non hợp đồng vào biên chế. Việc thay đổi định mức giáo viên ở trường nội trú cần phải có thời gian, Bộ sẽ tính toán kỹ để trao đổi với các ban ngành liên quan trước khi trình Chính phủ xem xét. Dưới góc độ thực tế, Bộ cũng mong nhận được sự chia sẻ tính toán định mức của nhà trường để qua đó sẽ có căn cứ đưa ra quy định sát thực hơn.

Nguyễn Hùng