Bộ trưởng GD-ĐT: "Tích cực đổi mới phương pháp dạy học, nói không với bệnh thành tích"

(Dân trí) - Đổi mới căn bản nền giáo dục trước hết phải tích cực đổi mới phương pháp dạy học, xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệm, dạy tốt, học tốt, khơi dậy tiềm năng, trí sáng tạo của học sinh, tránh chạy theo bệnh thành tích…

Đây là những vấn đề căn bản được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận phổ biến tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” do Sở GD -ĐT tỉnh Quảng Trị tổ chức vào ngày 28/4.

Hơn 500 cán bộ, giáo viên nòng cốt của các trường trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã được Bộ trưởng quán triệt một số nội dung liên quan đến việc đổi mới giáo dục, nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Đặc biệt, đi sâu 9 nhiệm vụ và giải pháp nhằm thực hiện đổi mới thành công trong thời kỳ hiện nay.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đổi mới căn bản nền giáo dục trong thời đại mới. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là một công việc hết sức trọng đại, phải tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với đổi mới giáo dục và đào tạo.

Tích cực đổi mới phương pháp dạy học, nói không với bệnh thành tích
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phổ biến một số nội dung liên quan đến việc đổi mới giáo dục cho cán bộ, giáo viên ngành giáo dục tỉnh Quảng Trị.

Theo đó, cần tích cực đổi mới phương pháp dạy học cố gắng xây dựng một nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệm, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt chứ không phải chỉ nặng về yếu tố hình thức; cần khơi dậy tiềm năng, trí sáng tạo của học sinh, phải loại bỏ ngay căn bệnh thành tích ra khỏi nền giáo dục; Ra sức tập trung đi sâu vào hiệu quả, không được bảo thủ, phải có tinh thần cầu tiến nhận khuyết điểm, hạn chế yếu kém để sửa đổi đi lên…

Các cán bộ giáo viên phải không ngừng học hỏi, nâng cao chất lượng giảng dạy, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ tự đổi mới mình; Ưu tiên khuyến khích những cách dạy hay, hiệu quả nhằm phát hiện và bồi dưỡng tiềm năng của học sinh nhằm chú trọng về chất lượng ngày càng đi lên; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông hiện đại vào dạy học…

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã phân tích về 7 quan điểm chỉ đạo cũng như mục tiêu chung và cụ thể trong nội dung của Nghị quyết, đồng thời làm nổi bật vai trò và trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể, cơ quan, đơn vị; vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong quá trình thực hiện về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Hội nghị được tổ chức nhằm tuyên truyền, phổ biến kịp thời những nội dung chính của nghị quyết số 29 tới các cán bộ, giáo viên trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Qua đó có nhận thức đúng đắn và sâu rộng hơn về các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới của Nghị quyết mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra trong thời đại mới để từ đây thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao trong sự nghiệp trồng người.

Đăng Đức