Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Giáo dục không thể ra mệnh lệnh

(Dân trí) - “Bộ GD-ĐT quyết định sẽ không chọn mà để cho học sinh tự chọn. Giáo dục không thể ra mệnh lệnh và càng không nên áp đặt. Việc chúng ta cho học sinh chọn môn thi cũng là một cách để chúng ta nhìn vào thực trạng của nền giáo dục để chúng ta thay đổi”.

Ngày 11/3, tại buổi quán triệt Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo ở Đảng bộ cơ quan Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã giải thích vì sao phải đổi mới thi tốt nghiệp THPT hiện nay. 

Tại hội nghị, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đi sâu phân tích việc phải đổi mới tư duy trong giáo dục hiện nay. Điều này không chỉ riêng ngành giáo dục mà các chủ thể khác của xã hội cũng phải tham gia vào quá trình đổi mới. Lý giải thế nào là đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: “Nghị quyết khẳng định phải chuyển mạnh quá trình giáo dục từ “nặng” về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục “trọng” về hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất của người học. Sẽ căn cứ vào lợi ích của học sinh để quyết định đưa kiến thức nào vào nhà trường”.

Để học sinh chọn môn thi yêu thích

Để học sinh chọn môn thi yêu thích

Về vấn đề thi tốt nghiệp đang “nóng” hiện nay, Bộ trưởng lý giải: Bám sát Nghị quyết TW là giảm căng thẳng, tốn kém và áp lực cho kỳ thi nên Bộ quyết định giảm số môn thi. Cùng với đó, Nghị quyết cũng chỉ rõ cần có sự tích hợp, phân hoá mạnh ở những cấp học sau nên Bộ đã quyết định cho học sinh tự chọn 2 môn thi còn lại ngoài 2 môn thi bắt buộc là Văn và Toán trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Về cơ bản, dư luận xã hội đã đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, hiện vẫn còn ý kiến băn khoăn, thắc mắc.

Về việc không đưa môn Lịch sử làm môn thi bắt buộc từ thực tế có ít học sinh chọn môn này là môn thi tốt nghiệp của mình và phương án đổi mới thi lần này của Bộ đang làm cho học sinh học lệch. Lý giải vấn đề, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, thực tế cách dạy, cách học, cách thi của chúng ta đã làm cho học sinh học lệch. Học sinh học lệch theo khối thi đại học, học lệch theo môn thi tốt nghiệp THPT. Nếu năm nay, Bộ quyết định chọn môn Lịch sử làm môn thi tốt nghiệp thì sang năm học sinh sẽ có tâm lý không học môn này vì suy đoán năm nay thi rồi, năm sau sẽ không thi nữa. Điều này sẽ làm cho cả một thế hệ học sinh học lệch. Còn nếu sang năm Bộ vẫn tiếp tục chọn môn Lịch sử thi tốt nghiệp thì lại là một sự ứng phó của học sinh đối với môn học này.

“Chính vì điều đó, Bộ quyết định sẽ không chọn mà để cho học sinh tự chọn. Học sinh nào yêu thích môn Lịch sử sẽ thi môn Lịch sử, học sinh nào yêu thích môn Địa lý sẽ thi môn Địa lý... Trên tinh thần học sinh đang lệch về đúng sở trường của các em. Môn học nào cũng được coi trọng, còn số lượng các học sinh coi trọng sẽ khác nhau. Giáo dục không thể ra mệnh lệnh và càng không nên áp đặt. Việc chúng ta cho học sinh chọn môn thi cũng là một cách để chúng ta nhìn vào thực trạng của nền giáo dục để chúng ta thay đổi” - Bộ trưởng Luận nhấn mạnh.
 
Thí sinh ĐBSCL hoàn thành môn Địa lý
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2013.

Nâng cao chất lượng giáo dục phải có thời gian

Hiện một số ý kiến cho rằng, đổi mới thi cử không quan trọng mà phải là nâng cao chất lượng. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: “Việc nâng cao chất lượng cần phải có thời gian. Công việc hiện tại chúng ta đang làm hãy đổi mới thi cử trước. Chúng ta cần đổi mới theo lộ trình. Nếu không có đội ngũ giáo viên chúng ta không thể đổi mới theo chương trình mới. Đây là giai đoạn cái cũ đã lỗi thời, nhưng cái mới thì còn non yếu vì thế chúng ta cần nâng niu, cân nhắc và điều chỉnh”.

Theo Bộ trưởng Luận cũng, lợi thế của lần đổi mới giáo dục này so với các thời kỳ trước đó là sự phát triển mạnh mẽ và hỗ trợ của khoa học công nghệ trong giáo dục. Nếu như trước đây, việc tập huấn cho giáo viên mới chỉ tổ chức được đối với số lượng rất ít, sau đó các giáo viên về tự tập huấn lại cho nhau thì bây giờ ngay từ những thầy cô giáo ở những vùng sâu, vùng xa cũng có thể trực tiếp nghe bài giảng của những chuyên gia giỏi nhất về lĩnh vực của mình. Cùng với đó, chúng ta có thể có những diễn đàn để các giáo viên có thể hỏi đáp, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm giảng dạy. Học sinh, sinh viên cũng có rất nhiều nguồn tài liệu phong phú để học tập và tham khảo.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Luận mong muốn, thời gian tới, Viettel sẽ tiếp tục hỗ trợ và tư vấn cho ngành giáo dục tiếp cận nhiều hơn nữa với những thiết bị công nghệ có thể hỗ trợ việc dạy và học các chương trình giáo dục, khắc phục khoảng cách địa lý và chênh lệch về kinh phí giữa các vùng miền trên cả nước.

Về phía tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Tập đoàn khẳng định: “Thời gian tới, tập đoàn Viettel sẽ tiếp tục hỗ trợ và tư vấn cho ngành giáo dục. Viettel sẽ dành một chiến lược cho ngành giáo dục cả về kinh doanh và chính sách xã hội".

Phạm Kim Anh