Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đối mặt với 6 vấn đề quan trọng

(Dân trí) - Văn phòng Quốc hội vừa ra thông báo số 597/TB-VPQH kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ngày 22/3. Theo đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận phải giải quyết 6 vấn đề quan trọng.

Ngày 22/3/2013, tại phiên họp thứ 16, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn đối với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
 
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận tại phiên chất vấn
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận.

Đối với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, tại phiên chất vấn đã có 23 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và Bộ trưởng GD-ĐT trả lời làm rõ thêm các nhóm vấn đề sau: giải pháp thực hiện chủ trương “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo”; chương trình hành động cụ thể khắc phục tình trạng “dạy thêm, học thêm” và “bệnh thành tích” trong ngành giáo dục; giải pháp khắc phục tình hình sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm hoặc làm việc trái chuyên ngành được đào tạo; chất lượng đào tạo chưa đạt yêu cầu của đơn vị tuyển dụng.

Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Văn phòng Quốc hội ngày 27/3/2013 đã ra thông báo số 597/TB-VPQH kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả phiên chất vấn này. Đối với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT như sau:

Một là, khẩn trương hoàn thiện Đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, sớm áp dụng vào thực tiễn, tạo chuyển biến tích cực nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo ở nước ta.

Hai là, tập trung quản lý chất lượng sách giáo khoa, sách tham khảo phục vụ học sinh các cấp học phổ thông, bảo đảm chất lượng, sự chuẩn mực về ngôn ngữ và lịch sử.

Ba là, tổng kết công tác đào tạo sư phạm và mạng lưới đào tạo ngành sư phạm trong cả nước, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, kịp thời chấn chỉnh, hạn chế tình trạng thừa giáo viên khá phổ biến ở nhiều địa phương hiện nay.

Bốn là, tiếp tục thực hiện cuộc đấu tranh chống tiêu cực trong thi cử, bệnh thành tích bằng các giải pháp đổi mới công tác đề thi, công tác thi đua khen thưởng, việc đánh giá kết quả học tập. Xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của Giám đốc Sở GD-ĐT và lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong vấn đề này.

Năm là, tiếp tục rà soát, điều chỉnh nội dung dạy và học theo hướng tinh giảm; thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện; tập trung đổi mới phương pháp dạy và học, tăng cường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm các môn học chính; gắn giáo dục, đào tạo với dạy nghề và nhu cầu sử dụng nhân lực của các ngành, các địa phương; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, cơ sở vật chất của ngành giáo dục.

Sáu là, phối hợp với các cơ quan liên quan, cơ quan đại diện và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong việc mở rộng tổ chức việc giảng dạy tiếng Việt cho con em người Việt Nam định cư ở nước ngoài, để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng đóng góp tích cực hơn nữa cho phát triển đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong thời gian tới.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các vị Bộ trưởng đã trả lời chất vấn tại phiên họp này có chương trình, kế hoạch, biện pháp thiết thực để thực hiện những vấn đề đã hứa trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, trước đồng bào, cử tri cả nước.

Hồng Hạnh