Góp ý thi 2016:

Bộ quy định điểm sàn, còn lại nên giao cho các trường tự chủ

(Dân trí) - Tiến sĩ Trần Mạnh Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bạc Liêu cho rằng, trong việc xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ thì Bộ GD-ĐT chỉ cần quy định mức điểm sàn, còn lại những khâu khác nên giao cho các trường tự chủ.

Trao đổi với PV Dân trí, TS. Trần Mạnh Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bạc Liêu đánh giá, kỳ thi THPT quốc gia 2015 vừa qua cơ bản đã thành công khi đạt được 2 mục đích, yêu cầu là điểm thi dùng để tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2015 tại cụm thi Bạc Liêu.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2015 tại cụm thi Bạc Liêu.

Theo TS. Hùng, qua ghi nhận có một số Sở GD-ĐT cũng như dư luận tỏ ra rất “băn khoăn” khi kết quả tốt nghiệp THPT thấp hơn so với những năm trước. Tuy nhiên, qua kết quả cho thấy tỷ lệ tốt nghiệp tương đối khi không quá cao nhưng cũng không quá thấp và như thế đã đánh giá đúng chất lượng giáo dục phổ thông.

Về xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, cơ bản cũng rất thành công khi trường tốp trên có nguồn tuyển dồi dào và trường tốp giữa tuyển điểm cao trên điểm ngưỡng của Bộ đủ chỉ tiêu và số thí sinh nhập học cũng đủ. Trong khi đó, các trường tốp dưới (các trường địa phương) năm nay tuyển sinh khá hơn năm trước, dù chưa đủ chỉ tiêu 100% nhưng hầu như tất cả các ngành đều đủ con số tối thiểu để mở lớp.

“Ngoài ra, đề án tuyển sinh riêng như xét tuyển bằng học bạ đã tạo điều kiện cho những em ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa có cơ hội được học ĐH, CĐ. Đây có thể nói là một thuân lợi cho thí sinh ở các trường tốp dưới”, TS. Hùng đánh giá.

Theo TS. Trần Mạnh Hùng, qua những mặt được nêu trên, qua ghi nhận, nhiều trường cũng như phụ huynh rất ủng hộ với phương án thi và tuyển sinh năm 2015 (một kỳ thi THPT quốc gia) của Bộ GD-ĐT.


Tiến sĩ Trần Mạnh Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bạc Liêu: Trong xét tuyển, Bộ chỉ quy định điểm sàn, còn lại nên giao cho các trường tự chủ.

Tiến sĩ Trần Mạnh Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bạc Liêu: "Trong xét tuyển, Bộ chỉ quy định điểm sàn, còn lại nên giao cho các trường tự chủ".

"Theo tôi, trong năm 2016, Bộ nên giữ phương án thi và tuyển sinh như năm 2015. Và cái nào được thì mình phát huy, còn cái nào chưa được thì cải thiện, đặc biệt là vấn đề tuyển sinh sao cho phù hợp hơn”, TS. Hùng nêu quan điểm.

Phó Hiệu trưởng ĐH Bạc Liêu nêu ý kiến, vấn đề băn khoăn hiện nay là làm sao để kỳ thi đảm bảo tính trung thực, khách quan, đánh giá đúng chất lượng phổ thông. Chính vì thế, theo TS. Hùng, chắc chắn Bộ GD-ĐT sẽ có những thay đổi để kỳ thi có những chuyển biến tích cực hơn. Vì thế kỳ thi THPT quốc gia vẫn nên để Bộ GD-ĐT “cầm trịch” và các địa phương có vai trò cùng phối hợp.

TS. Hùng cho rằng, nếu giao cho địa phương tổ chức mà khâu tổ chức nếu làm không tốt sẽ tạo sự bức xúc, lo lắng, tạo sự không công bằng giữa các địa phương. “Thi là để đánh giá đúng thực chất trình độ các học sinh, là làm sao để các em cầm tấm bằng tốt nghiệp THPT đúng với chất lượng học 12 năm của các em. Như năm qua, có những địa phương có số thí sinh bị điểm liệt môn Toán khá cao, đó là đúng chất lượng giáo dục phổ thông hiện nay”, TS. Hùng bày tỏ.

Nêu ý kiến về việc tuyển sinh ĐH, CĐ trong năm tới, TS. Trần Mạnh Hùng cho rằng, “nhiệm vụ chính” của Bộ GD-ĐT chỉ cần quy định mức điểm sàn ở các khối thi, còn hãy giao cho các trường tự chủ mạnh hơn về các khâu còn lại như thủ tục xét tuyển, thời gian nhận hồ sơ,…

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng nên cho các trường tốp trên đưa ra luôn mức điểm chuẩn của từng ngành học ngay sau kỳ thi chứ không cần chờ đến điểm sàn của Bộ. Lúc đó, các em thí sinh khi có kết quả thi thì dựa vào điểm chuẩn các trường nộp luôn hồ sơ, những em nào thấy kết quả điểm thấp sẽ không nộp, như thế tránh được tình trạng “lộn xộn” trong việc nộp hồ sơ.

Ngoài ra, Bộ cũng nên quy định mỗi thí sinh sẽ có nhiều nguyện vọng nhưng mỗi đợt chỉ nên có một nguyện vọng xét tuyển vào một ngành học của trường ĐH, CĐ nào đó để tránh hồ sơ ảo.

Về cụm thi, theo TS. Trần Mạnh Hùng, Bộ GD-ĐT nên giao cho trường ĐH chủ trì cụm thi THPT quốc gia chung cho hai cụm; Sở GD-ĐT đóng vai trò phối hợp để nhất quán trong chỉ đạo, điều hành, giảm bớt đầu mối, giảm gây áp lực cho thí sinh giữa hai cụm. Hoặc có thể tỉnh nào có cụm thi do trường ĐH chủ trì thì nên ghép cụm địa phương của tỉnh đó vào cụm ĐH để tránh lãng phí. Bởi vừa qua, có những cụm địa phương rất ít thí sinh, ít phòng thi nhưng vẫn phải huy động số lượng người tổ chức coi thi rất lớn, như thế là rất tốn kém.

Huỳnh Hải